19/01/2025 | 13:34 GMT+7, Hà Nội

Đằng sau ly nước mía vỉa hè

Cập nhật lúc: 25/05/2016, 12:37

Đường hóa học pha thêm vào mỗi ly nước mía là tiểu xảo của những người bán hàng bất chấp lương tâm để thu lợi nhuận.

Uống nước mía là thói quen của nhiều người trong mùa hè. Đây là loại nước có tác dụng giải khát cực kỳ hữu hiệu, cho nên ở bất cứ con đường nào cũng không khó tìm được quán nước mía. Bên cạnh những công dụng hữu ích của nước mía với sức khỏe, vẫn có những yếu tố gây ảnh hưởng đến cơ thể bạn khi uống loại nước này.

Nước mía vỉa hè là thức uống được yêu thích vào mùa hè

Nước mía vỉa hè là thức uống được yêu thích vào mùa hè. Ảnh minh họa.

Hiện nay, vấn đề đáng lo ngại với người tiêu dùng là quy trình chế biến nước mía. Bởi đa số các quán nước mía nằm ở vỉa hè. Khu vực chế biến chật chội, dụng cụ chứa nước thiếu, nguồn nước sạch ít vì chỉ có vài ba xô nước người bán đưa đi kèm. Cho nên, nguy cơ nhiễm khuẩn khi chế biến rất cao. Thậm chí, do đặc tính nước mía chứa nhiều đường nên hút nhiều ruồi, nhặng lờn vờn xung quanh. Những con vật này nếu đậu vào ca, cốc, thậm chí mía chưa chế biến cũng sẽ để lại vi khuẩn gây ảnh hưởng hệ tiêu hóa khi uống. 

Thêm vào đó, nguồn đá được cho vào cốc nước mía làm tăng vị mát cũng khó kiểm soát về chất lượng. Nếu quy trình sản xuất đá được đảm bảo không mấy lo ngại. Nhưng nếu quá trình sản xuất đá bẩn, mất vệ sinh, khi uống kèm nước mía rất dễ bị ngộ độc, đau bụng, tiêu chảy.

Hơn thế nữa, trong quá trình chế biến, nhiều cửa hàng nước mía đã sử dụng những tiểu xảo, mánh khóe để có thể thu được mợi nhuận cao nhất, mà không quan tâm đến chất lượng, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng.

Mánh khóe để tăng thu nhập của người bán nước mía

Một nhân viên bán máy ép nước mía cho biết mỗi chiếc máy ép mía có giá dao động từ 3 triệu đến 15 triệu đồng.Muốn nước mía ngọt hơn thì có thể làm thêm một hộc đường bên trong máy. Trong quá trình ép mía lượng đường này sẽ tự động chảy ra cùng với nước ép được mà người sử dụng sẽ không thể phát hiện ra được.

Khi đặt vấn đề là có cách nào giúp cho lượng nước mía khi ép được nhiều hơn và ngọt hơn không, thì nhân viên kinh doanh của cửa hàng này trả lời là có. Mía đầu mùa còn ngọt thì không nói, càng về sau mía càng chua và khó bán. Chính vì vậy, nhiều cửa hàng đã chế thêm một ngăn chứa đường bên trong máy. Mỗi lần ép nó tự động thêm đường vào nước mà người mua không hề biết.

Ngoài ra, anh này còn cho biết thêm: 'Nếu muốn nhiều nước hơn nữa thì có thể liên hệ với mấy nhà máy cơ khí, chế thêm một chiếc phễu bên trong máy để chứa nước, đồng thời đặt sẵn tỷ lệ đường, mía, nước sao cho phù hợp. Làm được như vậy thì lượng nước sau ép có thể tăng 1/3 mà vị thì không đổi'.

Trao đổi với chị Thu Hằng – Thanh Trì, Hà Nội, chị bán nước mía vỉa hè đã hơn 5 năm, chi cho hay: “ Mỗi cốc nước mía nếu bán với giá 10.000đ thì trừ các chi phí đi mỗi ngày chỉ lãi được khoảng 100 - 200 ngàn”

Ông Thiên – Nhân viên bán nước mía của một cửa hàng nhỏ ở Gia Lâm cho biết để tăng thêm thu nhập, chỉ cần thêm trực tiếp nước bằng một chiếc phễu được thiết kế bên trong hộp chứa máy. Chiếc phễu này sẽ tự động thêm lượng nước phù hợp với lượng đường cho thêm. Với cách làm như vậy, mỗi ly nước mía họ có thể lãi gấp đôi mà giá bán vẫn vậy. Khách đến mua nườm nượp mà không hề biết rằng mình đang bị lừa, cái gì cũng có giá của nó cả.

Tác hại của đường hóa học đến sức khỏe của con người là vô cùng nguy hiểm. Chưa kể quy trình chế biến nước mía không đảm bảo vệ sinh mà chúng ta có thể bắt gặp ở bất kì một quán nước mía nào, có lẽ nhiều người sẽ phải cân nhắc thật kỹ trước khi sử dụng món đồ uống này.

Thạc sĩ Bùi Thị Minh Thủy, giảng viên khoa Công nghệ hóa học và Thực phẩm, ĐH Nguyễn Tất Thành, TP HCM cho biết các loại đường hóa học chỉ tạo vị ngọt, không có trong tự nhiên, không có giá trị dinh dưỡng và không chuyển hóa được, thường được dùng trong điều trị cho những người bệnh thừa cân hay đái tháo đường. Có tới 500 loại đường hóa học, trong đó chỉ một số loại được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm với giới hạn tối đa và có quy định rõ ràng, gồm: manitol, acesulfam kali, aspartam, isomalt, saccharin (và các muối Na, K, Ca của nó), sorbitol, sucralose.

Để bảo vệ sức khỏe cho gia đình mình trước thực trạng đường hóa học được buôn bán và sử dụng tràn lan trên thị trường, người tiêu dùng cần sáng suốt trong việc lựa chọn thực phẩm, thức uống hàng ngày. Hạn chế sử dụng nước uống vỉa hè, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Thay vào đó nên uống nước ép từ trái cây tự nhiên  được chế biến tại nhà để đảm bảo cho cơ thể vẫn cung cấp đầy đủ năng lượng, dinh dưỡng mà lại an toàn cho sức khỏe./.