Nghiên cứu khoa học mới nhất: Lối sống quá sạch sẽ có nguy cơ mắc nhiều bệnh hơn
Cập nhật lúc: 05/05/2016, 12:28
Cập nhật lúc: 05/05/2016, 12:28
Các nhà khoa học cảnh báo rằng lối sống quá sạch sẽ có nguy cơ khiến chúng ta mắc nhiều bệnh hơn bao giờ hết. Nhân loại có lẽ đã thật sai lầm khi xem nguồn gốc bệnh tật là từ vi khuẩn và rồi dùng đủ phương cách để loại bỏ chúng.
Nhìn từ góc độ vi sinh vật thì chúng ta đang sống sạch sẽ hơn rất nhiều so với tổ tiên. Cũng chính vì lẽ đó, mà con người đang ngày càng ít tiếp xúc với các loại vi khuẩn trong tự nhiên so với trước đây.
Trong cuộc sống hàng ngày, mọi người đều đang sử dụng nhiều loại sản phẩm diệt khuẩn, các loại sản phẩm vệ sinh, thuốc kháng sinh… khiến hệ vi sinh vật trở nên mất cân bằng, thiếu hụt các vi khuẩn tự nhiên có lợi và phát sinh nhiều loài mang độc tính.
Các chuyên gia phát triển thuyết vệ sinh nổi tiếng cho rằng, chính vì sống quá sạch sẽ nên làm thay đổi hệ vi khuẩn chí của con người. Và đây là lý do khiến chúng ta dễ mắc bệnh hen, dị ứng hay các căn bệnh liên quan đến miễn dịch hơn.
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng bộ gien chỉ giữ khoảng 10% trong sức khỏe của con người, phần còn lại phụ thuộc vào lối sống, dinh dưỡng, môi trường…
Khi hệ sinh vật trên cơ thể bị xáo trộn, người ta có nguy cơ bị các vấn đề béo phì, tự kỷ, tiểu đường, thậm chí là các rối loạn tâm thần.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Cell cho thấy sống quá sạch sẽ có liên quan với mắc bệnh tiểu đường. Chính môi trường đứa trẻ lớn lên và hệ vi khuẩn bé tiếp xúc khi tuổi còn rất nhỏ sẽ ảnh hưởng đến loại vi khuẩn trong cơ thể, do đó ảnh hưởng đến nguy cơ mắc một số bệnh nhất định.
Theo Times, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Tommie Vatanen từ Viện Broad thuộc MIT và Harvard đã so sánh môi trường sống của trẻ em Nga, Phần Lan, Estonia và phát hiện có sự khác biệt về vi khuẩn tiếp xúc giữa 3 nhóm này.
Nghiên cứu phát hiện thấy hệ vi khuẩn đường ruột của sinh ở vùng nông thôn Nga có sự khác biệt đáng kể so với trẻ sơ sinh ở bên kia biên giới nơi là đô thị của Phần Lan và Estonia.
Cụ thể, trẻ Nga tiếp xúc nhiều với E.Coli hoặc loài Bifidobacterium còn trẻ Phần Lan tiếp xúc nhiều với loài Bacteroides. Các bé Estonia thì tiếp xúc với tất cả các loại trên bởi khu vực này đang chuyển dần từ lối sống nông nghiệp sang thành thị.
"Chúng tôi biết rằng trẻ em Nga sống gần nông thôn nên chắc chắn tiếp xúc nhiều hơn với vi khuẩn trong đất và từ các loài động vật", Ramnik Xavier từ Viện Broad thuộc nhóm tác giả cho biết. "Trẻ em Phần Lan lại sống trong môi trường siêu sạch và dành phần lớn thời gian bên trong những ngôi nhà chắc chắn".
Từ sự khác biệt về vi khuẩn, nhóm tác giả tìm ra mối liên hệ với bệnh tiểu đường tuýp 1: Trẻ Phần Lan dễ bị bệnh hơn trẻ Nga.
Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường loại 1 của những trẻ em này cũng khác biệt. Trẻ em ở nông thôn Nga có tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn, trong khi tỷ lệ này ở trẻ em sống nơi đô thị tại Phần Lan lại cao hơn.
Trong các nghiên cứu khác, thì việc tiếp xúc với các loài vi khuẩn trong đất và ở môi trường nông thôn có mối liên hệ với việc sản xuất nhiều axit béo hơn vốn giúp chống lại các tác nhân gây nhiễm khuẩn đường hô hấp và ảnh hưởng đến chuyển hóa.
Theo các nhà khoa học, thì chính vì mỗi người có những quần thể vi khuẩn sống cộng sinh khác nhau, nên hệ miễn dịch của cơ thể được “giáo dục” theo những cách riêng biệt, dẫn đến trẻ có thể dễ hoặc ít bị mắc các bệnh như di ứng hoặc bệnh chuyển hóa như đái đường.
Chúng ta nên nhìn nhận lại khái niệm về “sạch sẽ”, vấn đề ở đây là con người không thể sống nếu các vi khuẩn có lợi bị tiêu diệt hết.
Nhiều chuyên gia sức khỏe khuyên rằng, chúng ta nên hỗ trợ hệ vi sinh tự nhiên của cơ thể phát triển bằng cách hạn chế các thực phẩm chế biến công nghiệp có dùng phụ gia hóa chất, hạn chế dùng kháng sinh hay các loại chất tảy rửa mạnh.
Đồng thời, nên ăn nhiều chất xơ, thường xuyên bổ sung lợi khuẩn qua các thực phẩm lên men tự nhiên, và hãy để cơ thể tiếp xúc nhiều hơn nữa với thiên nhiên.
Theo: http://www.cell.com/
06:26, 05/05/2016
05:57, 05/05/2016
20:37, 04/05/2016
09:51, 04/05/2016
02:13, 01/05/2016