18/01/2025 | 20:00 GMT+7, Hà Nội

Phát hiện ô mai Hồng Lam chứa đường hóa học gấp 8,3 lần

Cập nhật lúc: 02/02/2016, 21:02

Hàng loạt mặt hàng ô mai tết bị phát hiện chứa đường học vượt tiêu chuẩn, trong đó có ô mai chua ngọt Hồng Lam có hàm lượng đường hóa học (Cyclamete) vượt quá 8,3 lần chỉ tiêu công bố.

Thông tin mới nhất từ Dân trí, ngày 1/2, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trong 14 mẫu thực phẩm được lấy để kiểm nghiệm trong thời gian qua có 11 mẫu đạt, 3 mẫu không đạt chất lượng, gồm ô mai cam thảo “ngậm” đường hóa học, kim chi cải thảo không đạt chỉ tiêu về vi khuẩn đường tiêu hóa.

Cụ thể, trong mẫu ô mai mơ cam thảo ( NSX: 05/12/2015, HSD 05/12/2016) của Cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo Phương Soát (Long Biên, Hà Nội) được lấy mẫu tại Công ty Cổ phần thương mại Định Nhuận P. Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình) cho thấy không đạt chỉ tiêu về Cyclamate (Natri Cyclamate 1595 mg/kg).

Ô mai mơ chua ngọt (NSX: 17/11/2015; HSD: 17/11/2017) của Công ty cổ phần Hồng Lam (KCN Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) được lấy mẫu tại Big C the Garden Mall cho kết quả không đạt chỉ tiêu về Saccarin công bố. Theo đó, đây là một chất tạo ngọt, nhà sản xuất công bố ở ngưỡng ≤ 200mg/kg. Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm chất này thực tế là 1.336 mg/kg. Tương tự, hàm lượng chất tạo ngọt Cyclamate công bố ≤ 1.000mg/kg nhưng thực tế kiểm nghiệm lại ở mức cao chót vót 8.310 mg/kg.

Phát hiện ô mai Hồng Lam có sử dụng hàm lượng đường hóa học vượt mức cho phép

Ngoài ra, mẫu Kim Chi cải thảo cắt lát (NSX: 02/01/2016, HSD 01/4/2016) của Công ty cổ phần CJ Foods Việt Nam ( KCN Tân Bình, Quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh) được lấy mẫu tại Công ty Cổ phần thương mại Định Nhuận ( P. Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) cho thấy không đạt về chỉ tiêu Coliforms.

Đặc biệt, tại làng mứt cổ truyền Xuân Đỉnh, Xuân Tảo, nơi phát hiện một cơ sở sản xuất phơi nguyên liệu mứt trên nền đất bẩn không đảm bảo vệ sinh, hai mẫu được lấy là Bánh Oản (Cơ sở sản xuất bánh kẹo truyền thống Sinh Hùng) và Mứt bí (sản phẩm của Xưởng chế biến nông sản cao cấp Havico) đều cho kết quả đạt chất lượng.

Ngoài ra các mẫu kiểm nghiệm về nem giòn, xúc xích, nạc thịt heo, chân gà đông lạnh, mực tươi, cam sành, cải thảo, cải rổ và một mẫu ô mai ngũ vị của một cơ sở sản xuất khác đều cho kết quả đạt chất lượng.

Theo Vietnamnet, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết, để bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân, kể cả những ngày nghỉ Tết, Cục vẫn chỉ đạo Thanh tra Cục và các lực lượng chức năng tiếp tục ứng trực, đôn đốc các địa phương thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, công bố công khai cơ sở vi phạm theo quy định, công bố kịp thời các sản phẩm không đạt chất lượng để người dân biết nhằm lựa chọn thực phẩm an toàn.

Được biết, saccarin và Cyclamate được các nhà khoa học gọi là siêu chất tạo ngọt. Cụ thể, saccarin có độ ngọt gấp 200-700 lần đường ăn, còn Cyclamate cũng có độ ngọt 30-50 lần đường mía ăn.

Theo các chuyên gia trong ngành, bất kỳ một loại đường hóa học nào cũng có thể gây nguy hại đến sức khỏe con người nếu không dùng đúng hàm lượng cho phép. Nếu dùng đúng hàm lượng cho phép thì các hóa chất đó sẽ được cơ thể người đào thải ra ngoài. Còn dùng quá hàm lượng cho phép, cơ thể người không thể đào thải ra ngoài hết, các hóa chất còn sót lại trong cơ thể thì kiểu gì cũng có ảnh hưởng đến sức khỏe./.