19/04/2024 | 15:22 GMT+7, Hà Nội

Vì Thủ đô không bếp than tổ ong

Cập nhật lúc: 13/07/2020, 17:00

Nhằm hạn chế ảnh hưởng của bếp than tổ ong đến môi trường và sức khỏe cộng đồng, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp...

Nhằm hạn chế ảnh hưởng của bếp than tổ ong đến môi trường và sức khỏe cộng đồng, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp như: Tuyên truyền, hỗ trợ kinh phí, đổi bếp than lấy bếp gas, bếp từ..., do đó số hộ sử dụng bếp than tổ ong đã giảm mạnh. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu Hà Nội không còn bếp than tổ ong vào cuối năm nay, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền và người dân.

Hiện Hà Nội còn 15.000 bếp than tổ ong cần loại bỏ từ nay đến cuối năm 2020.

Những chuyển biến tích cực

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại các tuyến phố: Hàng Dầu, Cầu Gỗ, Gia Ngư... (quận Hoàn Kiếm) và một số tuyến phố như: Lê Lợi, Quang Trung, Đường Đôi của thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa), có thể nhận thấy, hình ảnh bếp than tổ ong đun nấu trên vỉa hè, lòng đường như trước kia không còn. Nhiều hộ bán hàng ăn, trà đá trên các tuyến phố đã sử dụng bếp gas, bếp điện để đun nấu.

Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm) Chu Công Tân, chia sẻ: "Với các hộ bán hàng ăn sử dụng bếp than tổ ong, phường cử cán bộ xuống tận nơi tuyên truyền về tác hại của khí than đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Kết quả đã có 38 hộ tự giác chuyển sang dùng bếp điện, bếp gas; còn 12 hộ chính sách, phường kêu gọi cộng đồng hỗ trợ, trích kinh phí mua bếp từ, bếp gas đổi lấy bếp than tổ ong của các gia đình này. Hiện phường Hàng Bạc đã thay thế được 100% bếp than tổ ong của các hộ dân".

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hoàn Kiếm Lê Đỗ Phương cho biết: Để xóa bếp than tổ ong, quận đã tổ chức hội thảo sau đó tăng cường tuyên truyền để người dân thấy được mức độ nguy hại của khói than tổ ong. Đồng thời thiết lập nhóm tương tác trên mạng xã hội kịp thời nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm... Nhờ vậy, đến nay toàn bộ 18/18 phường của quận đã hoàn thành mục tiêu này.

Tại huyện Ứng Hòa, công tác tuyên truyền cũng được chú trọng, kết hợp với việc rà soát từng hộ sử dụng bếp than để vận động chuyển đổi sang dùng bếp gas, bếp cải tiến... Đến nay, huyện Ứng Hòa đã xóa được 98% số bếp than tổ ong. Bà Nguyễn Thị Hương ở thị trấn Vân Đình nói: “Từ khi chuyển sang sử dụng bếp gas thay thế bếp than tổ ong, chi phí nhiên liệu có tăng hơn nhưng các thành viên trong gia đình đều yên tâm vì không ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, tính đến hết tháng 6-2020, toàn thành phố đã giảm được 41.700 bếp than tổ ong, đạt 72,8% kế hoạch, hiện còn 15.000 bếp, tập trung ở các địa phương như: Hoàng Mai 2.000 bếp, Ba Đình 1.600 bếp, Đan Phượng 800 bếp... Để loại bỏ số bếp than tổ ong này vào cuối năm nay, cần có sự quyết tâm hơn nữa của chính quyền các cấp và sự đồng thuận của người dân.

Giải quyết vấn đề từ gốc

Để loại bỏ bếp than tổ ong trong đời sống, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định thông tin: Sở tiếp tục yêu cầu các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 30-10-2019 của UBND thành phố về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trên địa bàn thành phố. Trong đó, các địa phương tiếp tục rà soát, ban hành quy định hỗ trợ người dân thay thế bếp than tổ ong; giới thiệu các loại bếp công nghệ mới và giúp đỡ các gia đình chính sách, các hộ khó khăn mua bếp từ, bếp gas... Sau ngày 1-1-2021, cá nhân, hộ gia đình nào còn sử dụng bếp than tổ ong sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Ba Đình Nguyễn Cương Quyết cho biết, tại giao ban tháng 7 vừa qua, UBND quận đã giao nhiệm vụ cho 14 phường rà soát từng nhóm đối tượng để tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ người dân chuyển đổi sang sử dụng bếp thân thiện với môi trường. Quận cũng đề xuất Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rà soát các hộ kinh doanh, sản xuất than tổ ong trên địa bàn thành phố để có định hướng chuyển đổi nghề nghiệp. “Khi giải quyết tận gốc vấn đề này, sẽ loại bỏ được bếp than tổ ong khỏi cộng đồng”, ông Nguyễn Cương Quyết nói.

Theo Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ứng Hòa Đỗ Mạnh Hà, điều quan trọng nhất là huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trong đó, chính quyền cơ sở phải sâu sát, cụ thể. Còn Phó Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Lưu Thị Thanh Chi cho biết, giải pháp hiệu quả nhất vẫn là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức của người dân về tác hại của khói bếp than tổ ong.

Kết quả bước đầu trong việc xóa bỏ bếp than tổ ong trên địa bàn Thủ đô cho thấy đây không phải là việc không giải quyết được. Nếu chính quyền và nhân dân cùng quyết tâm vào cuộc, chắc chắn mục tiêu xóa bếp than tổ ong vào cuối năm nay sẽ thành hiện thực.