19/01/2025 | 01:30 GMT+7, Hà Nội

Thanh Xuân, Hà Nội: 'Chuồng cọp' giăng mắc khắp nơi, hỏa hoạn chạy đi đâu?

Cập nhật lúc: 23/06/2020, 19:00

Sinh sống tại các khu tập thể cũ đa phần là người có thu nhập thấp, để tận dụng không gian, người dân không ngần ngại xây dựng "chuồng cọp” tăng diện tích sử dụng, bất chấp nguy hiểm thường trực.

Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.

Bất chấp nguy hiểm, tăng diện tích nhà ở

Được biết, KTT Thanh Xuân Bắc được xây dựng từ tập niên 70 thế kỷ 20 theo phương pháp lắp ghép tấm lớn. Lúc đầu khu đô thị được thiết kế theo hình thức tiểu khu gồm 5 nhóm nhà với hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn thời bấy giờ. Nhưng trên thực tế chỉ có khu B và khu C được xây dựng toàn bộ bằng nhà lắp ghép tấm lớn, có một số nhà được xây dựng theo các công nghệ khác. Đặc biệt còn có một số nhà ở xen cấy do người dân tự xây dựng trong những năm 90.

Với thiết kế chỉ dành cho hộ gia đình nhỏ từ 2 - 4 người nên khi có thêm thành viên, không gian sống tại các căn tập thể cũ thuộc khu tập cũ Thanh Xuân Bắc đã không thể đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Do đó, tình trạng người dân cơi nới “chuồng cọp” hay mở rộng diện tích căn hộ tại đây đã diễn ra từ nhiều năm qua. Không ít những “chuồng cọp” tại đây đã có tuổi đời lên đến 20 năm, nhiều căn đua ra ngoài từ 2 - 4m.

Theo ghi nhận thực tế, các hộ dân tự ý làm các “chuồng cọp” bằng những vật liệu đơn sơ, có khi chỉ là những tấm nhựa, mành tre... Tuy nhiên, cũng không ít hộ gia đình lại dựng kiên cố với các khung sắt đua ra phía ngoài rồi đổ bê tông, quây tôn hoặc xây tường.

A6 TT Thanh Xuân Bắc với những "chuồng cọp" đua hẳn ra ngoài từ 1-4m

Kiến trúc cảnh quan của khu vực do việc lấn chiếm, cơi nới của người dân mà bị thay đổi rất nhiều. Không gian giữa các tòa nhà cũng bị lấn chiếm, xuống cấp, không còn đảm bảo được chỉ tiêu cây xanh và sân chơi cho trẻ em. Được biết, khu vực này có diện tích khoảng 30 ha với tổng dân số trên 20.000 người nhưng chỉ có duy nhất một khu công viên vui chơi mini ở trung tâm văn hóa khu nhà E, nhưng cơ sở vật chất tại đây cũng đã xuống cấp trầm trọng, diện tích cây xanh trên toàn khu vực cũng chỉ chiếm 1,2%.

Việc xây dựng “chuồng cọp” không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, mất đi không gian sống trong lành mà còn gây mất an toàn cho những hộ dân sinh sống ngay bên dưới với nguy cơ sập đổ. Bên cạnh đó, các biện pháp phòng cháy chữa cháy tại các khu vực này thường không được người dân chú trọng, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, trong khi các hộ dân hàn lắp “chuồng cọp” lại “tự mình” bịt lối thoát nạn.

Cháy nhà biết chạy đi đâu?

Đáng nói, phần lớn những hộ xây dựng “chuồng cọp” đều không ý thức được sự nguy hại khi biến nhà thành “lô cốt” như vậy. Họ đơn thuần chỉ coi đây là cách để chống trộm và bảo vệ sự an toàn, nhất là những gia đình có trẻ nhỏ. Hệ lụy là, chính những “chuồng cọp” trên cao như thế vô tình đã ngăn lối thoát nạn duy nhất của căn nhà, khiến công tác chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn.

Ngày 2/7/2018, một ngọn lửa bất ngờ bùng phát từ cửa hàng giày dép và nhanh chóng lan rộng ra khu tập thể 5 tầng tại nhà A11, khu tập thể quận Thanh Xuân Bắc trên đường Nguyễn Quý Bắc (Thanh Xuân, Hà Nội). Vụ hỏa hoạn diễn ra khiến hàng trăm cư dân hoảng loạn sơ tán. Ít nhất 7 xe chữa cháy cũng hàng chục cán bộ chiến sĩ PCCC được huy động để dập lửa và giải cứu người mắc kẹt. Do cầu thang nhỏ hẹp khói bốc lên nồng nặc nên lực lượng cứu hộ đã phải tiếp cận từ các ban công của khu tập thể.

Công tác PCCC tại các khu tập thể cũ Thanh Xuân Bắc là không hề dễ dàng

Điều đáng nói là để có thể cứu người, lực lượng cứu hộ đã phải cắt “chuồng cọp” để đưa khoảng 20 người ra ngoài. Rất may, trong vụ hỏa hoạn không có thương vong về người. Tuy nhiên, vụ hỏa hoạn cho thấy việc cứu hộ có thể diễn ra rất thuận lợi và nhanh chóng hơn nhiều nếu không tồn tại những “chuồng cọp” này, đặc biệt là với kết cấu cầu thang của các tòa nhà tại khu tập thể Thanh Xuân Bắc chỉ có chiều rộng khoảng 1m2, việc ứng cứu diễn ra hết sức khó khăn để cho tất cả mọi người trong tòa nhà cùng thoát nạn nhanh chóng.

Mặt sau Khu TT A11 Thanh Xuân Bắc cũng dày đặc "chuồng cọp"

Gần 2 năm kể từ vụ hỏa hoạn, công tác PCCC tại tập thể Thanh Xuân Bắc vẫn chưa được người dân thực sự chú trọng. Đa phần chỉ có các hộ kinh doanh tại tầng 1 trang bị một số bình cứu hỏa mini, các tầng trên chỉ có rất ít hay thậm chí không trang bị bình cứu hỏa.

Chị N.H.G, thành viên của một gia đình 3 thế hệ sinh sống tại khu tập thể Thanh Xuân Bắc từ đầu những năm 90 cho biết: "Khu tập thể Thanh Xuân Bắc hiện nay đã xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, thiếu cả sân chơi cho trẻ em, không gian sinh sống của người dân cũng chẳng còn bao... Chúng tôi luôn mong muốn những khu tập thể này được cải tạo, xây mới lại. Chủ trường xây mới của TP Hà Nội là rất đúng đắn, tuy nhiên cũng cần đảm bảo được quyền lợi cho những người dân sinh sống tại đây đã lâu".

Cuối năm 2019, UBND Thành phố Hà Nội ra ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác giúp việc Tổ chuyên gia của Thành phố để nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù của UBND Thành phố, hoàn thiện Đề án về Cải tạo, xây dựng mới các nhà tập thể, chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội. 

"Điều mà chúng tôi băn khoăn là mức đền bù của nhà nước và chủ đầu tư khi xây mới lại. Chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại chỗ có giúp ích gì nhiều cho người dân? Cho dù không được thể hiện trên sổ sách, thì phần diện tích cơi nới từ lâu đã giúp chúng tôi rất nhiều trong cuộc sống hằng ngày, liệu phần diện tích có được đền bù và mức đền bù là bao nhiêu? " , chị N.H.G chia sẻ.

Có thể thấy rõ, việc cải tạo, xây dựng lại các khu nhà tập thể cũ, phải bảo đảm lợi ích của các bên liên quan: Vừa phải đảm bảo xây dựng được các khu đô thị đúng quy hoạch, đồng bộ vừa đảm bảo an toàn tính mạng và cuộc sống của người dân, đồng thời phải bảo đảm lợi ích cho chính những nhà đầu tư. Có như vậy, mới tránh được rào cản bao năm qua khiến các dự án mới chỉ nằm trên giấy.