19/01/2025 | 05:52 GMT+7, Hà Nội

Vì sao sai phạm đất đai và TTXD ở Hà Nội lại diễn ra khủng khiếp đến vậy?

Cập nhật lúc: 29/05/2020, 07:20

Sai phạm đất đai và TTXD ở Hà Nội diễn ra "khủng khiếp" trong những năm gần đây nhưng không được xử lý triệt để. Trách nhiệm của chính quyền địa phương và vai trò của các cơ quan thanh kiểm tra đang bị "vô hình hóa"?

Lời tòa soạn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.

Hà Nội: Sai phạm đất đai và TTXD diễn ra "khủng khiếp" trong một thời gian dài

Quận Thanh Xuân

Trong thời gian qua, rất nhiều vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn quận Thanh Xuân đã được chỉ ra, như trường hợp công ty Chế biến Thuỷ đặc sản Hà Nội mặc dù đã hết hạn cho thuê đất, nhưng vẫn cố tình chia nhỏ hàng nghìn m2 đất vàng mặt đường tại địa chỉ số 107 phố Ngụy Như Kon Tum, phường Nhân Chính, cho các đơn vị khác thuê lại để kinh doanh dịch vụ, lấn chiếm vỉa hè. Thực trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay. Lãnh đạo UBND phường Nhân Chính, UBND Quận Thanh Xuân cũng đã thừa nhận các sai phạm này. Tuy nhiên, thay vì việc xử lý, giải quyết, UBND quận Thanh Xuân lại gửi văn bản lên Sở TNMT Hà Nội để "đá bóng" trách nhiệm.

Chính quyền "đá bóng" trách nhiệm trước những sai phạm về TTXD tại địa phương

Những sai phạm về sử dụng đất tại Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương nằm trên địa bàn quận Thanh Xuân đã được UBND quận chỉ ra, nhưng nhiều năm nay vẫn hiện hữu, không được xử lý một cách dứt điểm. 

Để sai phạm TTXD kéo dài, lãnh đạo quận Thanh Xuân phải "rút kinh nghiệm"

Người dân đã tố cáo những vi phạm về trật tự xây dựng tại địa chỉ 28 phố Tô Vĩnh Diện, quận Thanh Xuân tới UBND quận Thanh Xuân và UBND Thành phố Hà Nội kéo dài từ năm 2016 đến gần đây, sau khi có kết luận của UBND TP, lãnh đạo quận mới đứng ra... "rút kinh nghiệm" chứ cũng chưa xử lý triệt để.

Quận Long Biên

Tháng 10/2019, Kết luận thanh tra số 316/KL-STNMT-TTr của Sở TN&MT TP Hà Nội cho thấy, qua công tác thanh tra tại quận Long Biên, Sở TN&MT phát hiện tổng số trường hợp vi phạm đất nông nghiệp giao theo Nghị định số 64 là 304 trường hợp với tổng diện tích đất vi phạm là 13,7144 ha. Trong đó, sử dụng không đúng mục đích, xây dựng trái phép là 286 trường hợp, diện tích 13,2939 ha và chuyển nhượng trái quy định 14 trường hợp, diện tích 0,1725 ha...

Công trình vượt tầng bị buộc tháo dỡ

Theo Đoàn thanh tra, từ năm 2014 đến cuối 2019, UBND quận Long Biên đã tổ chức thanh tra việc quản lý, sử dụng đất công tại 14 phường và có 18 kết luận thanh tra từ năm 2014 nhưng các kết luận thanh tra không chỉ rõ các vi phạm, mặt khác đến nay UBND quận Long Biên chưa làm rõ việc xử lý, khắc phục sau thanh tra theo quy định.

Quận Cầu Giấy

Tỷ lệ thuận với nhu cầu nhà ở tăng cao của người dân, các chung cư mini nhanh chóng mọc lên như nấm trên địa bàn quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Tuy nhiên, phần lớn các chung cư mini tại khu vực này vẫn đang tồn tại rất nhiều sai phạm về trật tự xây dựng, ảnh hưởng đến quy hoạch đô thị.

Tràn lan các sai phạm...

Theo thông tin cư dân phản ánh tại địa bàn phường Yên Hoà, phường Dịch Vọng Hậu, thuộc quận Cầu Giấy, việc xây dựng công trình có nhiều dấu hiệu sai phạm như vượt chiều cao, sai mật độ, phá vỡ quy hoạch đô thị.... Nhiều công trình nhà ở sau khi hoàn thiện đi vào sử dụng lại được chủ hộ cho khách thuê dạng chung cư mini nhưng không bị xử lý đang khiến cư dân vô cùng bức xúc.

...nhưng chính quyền vẫn làm ngơ

Tuy nhiên, sau nhiều lần kiến nghị đến UBND phường Yên Hoà, phường Dịch Vọng Hậu, UBND quận Cầu Giấy nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn, phương án khắc phục tồn tại. Cư dân vô cùng bức xúc và lo lắng về tình trạng mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường, không gian sống bị ảnh hưởng.

Quận Hoàn Kiếm

Ngày 15/5/2020, phóng viên (PV) đã ghi nhận thực tế trên địa bàn quận Hoàn Kiếm các điểm nóng về vi phạm trật tự xây dựng tại các tuyến phố cổ. Cụ thể: Số 64 Hàng Bè, số 15 Phố Cầu Gỗ phường Hàng Bạc; số 33 Lương Văn Can phường Hàng Đào; 41 - 43 phố Hàng Gai phường Hàng Bông; số 1 ngõ 2 Hàng Khoai, số 5 Hàng Chiếu phường Đồng Xuân. Các dự án, công trình nêu trên đang được xây dựng mật độ 100%, có chiều cao vượt trội, gây ô nhiễm môi trường trong quá trình thi công.

Theo thông tin PV điều tra có được, các dự án, công trình nằm trên địa bàn các phường Hàng Bạc, Hàng Bông, Đồng Xuân được xây dựng cấp phép nhà ở riêng lẻ, nằm trên các tuyến phố cổ có quy định rõ ràng về chiều cao, mật độ, thiết kế...

Thế nhưng, không rõ bằng cách nào mà những công trình, dự án này lại có thể xây dựng "khác biệt" và đi vào hoạt động mà không bị đơn vị, cơ quan chức năng xử lý.

...vẫn "ngang nhiên" tồn tại mà không bị xử lý

Theo thống kê của Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hoàn Kiếm, số lượng các công trình vi phạm tồn đọng trong thời gian từ năm 2015 đến 2018 là 18 trường hợp, trong đó có nhiều trường hợp nhà ở riêng lẻ đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ lâu, gây không ít khó khăn cho công tác xử lý vi phạm. UBND quận cũng tiến hành kiểm điểm, xử lý kỷ luật và luân chuyển công tác đối với lãnh đạo một số phường để xảy ra nhiều trường hợp vi phạm trật tự xây dựng như phường Hàng Trống, phường Hàng Buồm. Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị cũng tiến hành kiện toàn, luân chuyển 26 cán bộ tại các tổ. 

Quận Tây Hồ

Trên địa bàn phường Quảng An đang xuất hiện thêm hàng loạt những công trình sai phạm, hiện trạng xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp tồn tại trong thời gian dài nhưng không hề bị xử lý gây bức xúc trong dư luận.

Cụ thể, tại công trình số 20 ngõ 5; số 124 phố Từ Hoa (phường Quảng An) đang được thi công ngày đêm, có dấu hiệu vi phạm cả về chiều cao và mật độ, phá vỡ quy hoạch đô thị. Hiện trạng xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp ở phường Quảng An, được biết nằm sâu trong con ngõ 238 phố Đường Hoa là khu dân cư với hàng chục hộ dân được hình thành trên diện tích đất nông nghiệp. Các công trình này được đưa vào sử dụng với mục đích làm nhà ở, nhà hàng kinh doanh dịch vụ. 

Ngõ 238 phố Đường Hoa, các khu dân cư mọc lên trên đất nông nghiệp ung dung tồn tại và sâu trong ngách số 6 và 6A các nhà ở cấp bốn được xây dựng, các lô đất quây tôn chờ xây dựng.

Việc người dân xây dựng nhà trên đất nông nghiệp chưa chuyển mục đích là vi phạm pháp luật về đất đai, phá vỡ quy hoạch, làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, đồng thời có nguy cơ đe dọa an ninh lương thực. Vì vậy, đối với những trường hợp mới xây dựng Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền cần kịp thời ra quyết định xử phạt hành chính về hành vi xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; có biện pháp giáo dục, tuyên truyền và khuyến khích người vi phạm tự tháo dỡ.

Đối với các trường hợp xây dựng cũ, cố tình tiếp tục thực hiện việc sử dụng trái phép mặc dù đã bị xử phạt hành chính thì có thể bị buộc phá dỡ công trình hoặc bị thu hồi đất.

Đồng thời, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về Quản lý đất, cần nâng cao năng lực làm việc và quán triệt về trách nhiệm, hậu quả pháp lý đối với cán bộ phụ trách chính trong lĩnh vực đất đai vẫn tiếp tục được thực hiện nghiêm túc.

Quận Nam Từ Liêm

Khu đất đấu giá 3ha thuộc phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm (sát nhà văn hóa quận Bắc Từ Liêm) gồm các ô đất đấu giá được phân thành các lô với mỗi lô vuông 8m mặt tiền, diện tích 144 m2 trừ các lô góc. Theo quy định về xây dựng tại khu đấu giá, các công trình xây dựng trong khu đấu giá 3ha với chỉ giới xây dựng khoảng lùi trước của công trình là 2,5m; khoảng lùi phía sau của công trình là 2m với quy mô 4 tầng, 1 tum (chiều cao 15m).

Thế nhưng, thực tế cho thấy hầu hết các công trình đã và đang xây dựng trong khu đấu giá 3ha này đều xây dựng 100% diện tích đất các ô, sai phạm nghiêm trọng về chỉ giới xây dựng.

Không ít công trình tại đây được xây dựng mới mục đích kinh doanh khách sạn hoặc cho các doanh nghiệp thuê để kinh doanh, do đó mà tầng 1 thường bị xẻ làm đôi: 65% trở thành tầng hầm, 35% xây dựng thành tầng hoàn thiện. Không những vậy, các công trình cao 6 - 7 tầng vươn cao sừng sững như một sự thách thức với chính quyền địa phương và người dân sinh sống quanh đây.

Mặc dù nằm rất gần với trụ sở UBND phường Phúc Diễn, gần với UBND quận Bắc Từ Liêm (sát nhà văn hóa quận Bắc Từ Liêm) nhưng các công trình trong khu đấu giá lại thi công sai phạm, phá vỡ quy hoạch khu đấu giá.

Các công trình nằm ngay gần UBND phường Phúc Diễn nhưng không hiểu vì lý do gì mà hàng loạt vi phạm TTXD vẫn"nở rộ".

Trên đây chỉ là những sự vụ nổi trội về vấn đề vi phạm trật tự xây dựng "ngang nhiên" tồn tại trên các địa bàn thuộc nội đô Hà Nội. Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý trật tự xây dựng đô thị năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020, ông Nguyễn Việt Dũng - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: “Trong năm 2019, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị đã kiểm tra 19.697 công trình, đạt 100% có hoạt động xây dựng trên địa bàn. Tỷ lệ công trình có phép, miễn phép chiếm 98,4%. 

Qua đó, phát hiện và thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với 605 trường hợp (chiếm tỷ lệ 3,07%), giảm 2,15% so với cùng kỳ năm 2018. UBND cấp huyện, cấp xã đã xử lý dứt điểm 293/605 trường hợp (đạt tỷ lệ 78%) và đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 212 trường hợp. Trong năm 2019, UBND cấp huyện, cấp xã cũng đã ban hành 1.128 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, tổng số tiền xử phạt trên 10 tỷ đồng”.

Mặc dù báo cáo kết quả là vậy, nhưng trên thực tế, quá trình thí điểm hoạt động của Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc, việc xử lý vi phạm còn chậm. Nhiều công trình xây dựng vẫn ngang nhiên vi phạm mà không giải quyết, xử lý triệt để.

Trách nhiệm "vô hình hóa" của chính quyền sở tại

Vấn đề trật tự xây dựng ở Hà Nội vẫn là sự vụ nhức nhối và khó giải quyết. Nguyên nhân dẫn tới vi phạm trật tự xây dựng được Sở Xây dựng Hà Nội chỉ ra là do công tác chỉ đạo điều hành của UBND các quận, huyện, thị xã còn buông lỏng quản lý, thiếu hiệu quả trong việc xử lý vi phạm; đội thanh tra xây dựng còn thiếu tinh thần trách nhiệm, công trình không phải không phát hiện được vi phạm pháp luật, sai giấy phép xây dựng, chưa được cấp giấy phép nhưng xử lý chậm trễ, không triệt để. Điều này đã dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp/chủ đầu tư dễ dàng "thao túng, qua mặt" các cơ quan chức năng, thậm chí là "nhờn luật" do việc tổ chức thực hiện luật không nghiêm.

Vi phạm trật tư xây dựng bao gồm 4 hành vi:

- Xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định của pháp luật phải có giấy phép xây dựng;

- Xây dựng công trình sai giấy phép xây dựng do cấp có thẩm quyền cấp;

- Xây dựng công trình gây lún, nứt, có nguy cơ gây sụp đổ công trình bên cạnh;

- Xây dựng công trình sai quy hoạch chi tiết 1/500; sai thiết kế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (trong trường hợp được miễn giấy phép).

Việc quản lý trật tự xây dựng đô thị vẫn luôn được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, được các cấp lãnh đạo các thành phố quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Thế nhưng, những bất cập trong việc xử lý vi phạm vẫn tồn tại, thách thức các nhà quản lý. Tại những cuộc giao ban, làm việc với các ngành địa phương từ Bí thư Thành ủy đến Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung thường đem chủ đề vi phạm trật tự xây dựng để bàn thảo, chỉ đạo nhắc nhở các đơn vị, chính quyền cần rốt ráo xử lý, khắc phục sai phạm trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn; phát hiện, xử lý các vi phạm ngay từ khi mới phát sinh, không để công trình vi phạm xây dựng hoàn thiện đưa vào sử dụng mới xử lý, cưỡng chế. nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng. 

Mặc dù thành phố yêu cầu chính quyền địa phương phải nghiêm túc xem xét kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm và chịu trách nhiệm trước Thành ủy, UBND thành phố về tình hình trật tự xây dựng cũng như tiến độ xử lý các vi phạm tồn đọng... nhưng sự hiệu quả trong công tác xử lý vẫn là một dấu hỏi lớn khi trách nhiệm của chính quyền địa phương và vai trò của các cơ quan thanh kiểm tra đang bị "vô hình hóa"? 

Những bất cập trong việc xử lý vi phạm vẫn tồn tại, thách thức các nhà quản lý.

Bên cạnh đó, dù đã có những quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quản lý trật tự xây dựng nhưng nhiều UBND các Quận, phường còn chưa thực sự đề cao trách nhiệm, chưa trực tiếp chỉ đạo, điều hành ngăn chặn các vi phạm. Thậm chí, một số bộ phận còn nể nang, ngại va chạm, do đó, dẫn đến việc xử lý vi phạm còn chậm, hiệu quả chưa cao, không dứt điểm, kịp thời.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đô thị kéo dài và lan rộng trên các địa bàn nói chung bắt nguồn từ đâu? Có thể điểm lại hàng chục đầu lý do được đưa ra để lý giải cho tình trạng chậm trễ trong xử lý dứt điểm các sai phạm về trật tự xây dựng như khung pháp lý chưa hoàn thiện; chưa có chế tài hoặc chế tài chưa hoàn thiện; hồ sơ, nguồn gốc đất phức tạp qua nhiều giai đoạn của khung chính sách pháp luật; việc xử lý đúng luật lại có thể dẫn đến phát sinh vấn đề xã hội phức tạp... Thậm chí, có cả những nguyên nhân do những hành vi hành chính không phù hợp, vận dụng sai quy định pháp luật hoặc vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức được giao quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, quy hoạch...

Có thể nói, việc buông lỏng trong công tác quản lý đất đai, để xảy ra nhiều trường hợp vi phạm trật tự xây dựng sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng chung đến kinh tế, xã hội. Những công trình, dự án sai phạm nếu không có sự can thiệp, xử lý dứt điểm của các cơ quan chức năng có thẩm quyền thì không những tác động tiêu cực tới quy hoạch đô thị, quỹ đất, ngân sách nhà nước mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, cuộc sống của những người dân xung quanh những sai phạm trật tự xây dựng trên.

Thực trạng về câu chuyện xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị tại Hà Nội nói riêng trong nhiều năm qua đã thực hiện nhưng chưa chạm đến gốc, đến rễ vấn đề khiến các vi phạm vẫn tiếp tục phát sinh ở nhiều nơi, nhiều cấp, tồn tại như một vấn nạn, gây thiệt hại chung cho xã hội. Nhiều chuyên gia cho rằng cần luật hóa các chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nhằm khắc phục một cách cơ bản những vướng mắc, tồn tại sẵn có, đơn giản hóa những vấn đề phức tạp.

Để công tác xử lý những sai phạm về trật tự xây dựng đem lại hiệu quả, Hà Nội nói riêng và các địa phương khác nói chung cần tiếp tục huy động sự vào cuộc quyết liệt, có trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chức năng có thẩm quyền, biến chủ trương thành những hành động cụ thể, giám sát chặt chẽ, kiên quyết không để tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", khắc phục các điểm còn hạn chế và giải quyết, xử lý dứt điểm từng sai phạm của từng dự án.

Ngày 18/2/2020, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã ban hành văn bản 1316/SXD-TTr đề nghị UBND các quận, huyện tập trung chỉ đạo các lực lượng của quận, huyện, UBND các xã, phường xử lý, giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm tồn đọng. UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước UBND TP về tiến độ, thời gian xử lý dứt điểm từng trường hợp vi phạm.

Văn bản cũng nêu rõ: Trách nhiệm trước hết thuộc về người đứng đầu các xã phường, nếu để xảy ra vi phạm sẽ bị đình chỉ công tác. “Trường hợp cần thiết, có thể tạm dừng công tác điều hành của các chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn cho đến khi xử lý xong vi phạm”

Ngày 26/2/2020, trong buổi làm việc với Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng đã liệt kê những vấn đề nóng, phức tạp mà Thủ đô Hà Nội đang gặp phải, trong đó có vấn đề quản lý trật tự xây dựng, quản lý đất đai trên địa bàn. Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, Thành ủy đang chỉ đạo rất quyết liệt. Đây cũng là dịp sàng lọc để đảm bảo không để những người tiêu cực, tham nhũng, có những khuyết điểm nghiêm trọng lọt vào cấp ủy các cấp.