Quận Tây Hồ: Dễ "vỡ" quy hoạch vì loạt sai phạm trong sử dụng đất và TTXD
Cập nhật lúc: 15/05/2020, 07:20
Cập nhật lúc: 15/05/2020, 07:20
Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.
Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.
Tháng 02/2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo thành phố trong buổi làm việc với Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo kiên quyết xử lý và xử lý triệt để các vi phạm về đất đai, xây dựng trái phép, thu hồi các dự án có sử dụng đất nhiều năm không triển khai; có giải pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn, giảm thiểu ô nhiễm không khí, ô nhiễm các con sông, nguồn nước, thực hiện phân loại xử lý rác thải, đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành…
Trong khi chính quyền Thủ đô đang quyết liệt xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng và đô thị theo kế hoạch thì dường như tại phường Quảng An (quận Tây Hồ), công tác này lại đang diễn ra ngược lại!?
Theo phản ánh của người dân địa phương, trên địa bàn phường Quảng An đang xuất hiện thêm hàng loạt những công trình sai phạm, hiện trạng xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp tồn tại trong thời gian dài nhưng không hề bị xử lý gây bức xúc trong dư luận.
Cụ thể, tại công trình số 20 ngõ 5; số 124 phố Từ Hoa (phường Quảng An) đang được thi công ngày đêm, có dấu hiệu vi phạm cả về chiều cao và mật độ, phá vỡ quy hoạch đô thị. Cư dân tại đây cho biết trong quá trình xây dựng, nhiều công trình đã không thực hiện che chắn đúng cách khiến gạch, vữa, bụi, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn tai nạn xây dựng.
Chị T. Thảo - một cư dân cho hay: “Công trình này xây dựng từ năm 2019, tôi được biết chủ đầu tư làm để cho thuê, nhưng chưa rõ cho thuê phòng dạng chung cư mini hay khách sạn. Họ xây cao ngút mà không thấy ai kiểm tra. Quy hoạch 4 - 5 tầng nhưng họ xây thế này, cư dân có ý kiến lên phường thì dừng vài hôm rồi lại đâu vào đấy”.
Công trình số 20 ngõ 5; số 124 phố Từ Hoa, phường Quảng An được thi công ngày đêm, có dấu hiệu vi phạm cả về chiều cao và mật độ, phá vỡ quy hoạch đô thị.
Liên quan tới công tác quản lý TTXD trên địa bàn, ngày 25/3/2019 HĐND TP Hà Nội đã tổ chức phiên giải trình về công tác quản lý TTXD từ năm 2016 đến nay. Theo báo cáo, thời gian qua Hà Nội đã xử lý 98 cán bộ, công chức và các lao động hợp đồng thuộc lực lượng thanh tra xây dựng do có liên quan đến các sai phạm xây dựng.
Trong đó có 72 trường hợp bị khiển trách, 16 trường hợp bị cảnh cáo, 3 trường hợp bị hạ bậc lương, 2 trường hợp bị giáng chức, 5 trường hợp bị buộc thôi việc. Trong số 98 trường hợp bị áp dụng các hình thức kỷ luật trên có 20 trường hợp là cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, trong đó có 2 phó Chánh thanh tra, 7 trưởng phòng/đội trưởng, 11 phó phòng/đội phó…
Tiếp tục ghi nhận thông tin cư dân phản ánh về hiện trạng xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp ở phường Quảng An, được biết nằm sâu trong con ngõ 238 phố Đường Hoa là khu dân cư với hàng chục hộ dân được hình thành trên diện tích đất nông nghiệp. Cụ thể tại ngách số 6 - 6A; số 37; số 68... các công trình này được đưa vào sử dụng với mục đích làm nhà ở, nhà hàng kinh doanh dịch vụ.
Qua ghi nhận thực tế, trong vai nhà đầu tư mua các khu đất nông nghiệp giá rẻ để tiến hành xây dựng được người dân chia sẻ: “Giá đất ở đây chỉ từ 15 - 20 triệu/m2. Thủ tục mua bán bằng giấy viết tay, khi xây dựng nhà chỉ cần “làm luật” khoảng 3 triệu/m2 cứ thế nhân lên. Ở đây nhà nào xây đều làm luật hết”.
Nhà hàng The 100 được xây dựng kiên cố trên đất nông nghiệp tại phố Đường Hoa, phường Quảng An đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa bị xử lý.
Để làm rõ các thông tin nêu trên, PV đã trao đổi với ông Đặng Văn Hồi, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng An. Qua trao đổi, ông Hồi cho biết, các cư dân tại phố Đường Hoa xây dựng là hiện trạng tồn tại từ lâu. Về hai dự án tại phố Từ Hoa, ông Hồi từ chối cung cấp thông tin.
Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn luật sư TP Hà Nội): Điều 207, Luật đất đai 2013 quy định về Xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai như sau:
1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm sau đây:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với quy định của pháp luật trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quản lý hồ sơ địa chính, ra quyết định hành chính trong quản lý đất đai;
b) Thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất;
c) Vi phạm quy định về lấy ý kiến, công bố, công khai thông tin; vi phạm quy định trình tự, thủ tục hành chính; vi phạm quy định về báo cáo trong quản lý đất đai
Điều này được hướng dẫn bởi Chương 9 Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Cụ thể:
Điều 96. Đối tượng bị xử lý vi phạm
1. Người đứng đầu tổ chức, Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quyết định về quản lý đất đai mà có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.
2. Cán bộ, công chức thuộc cơ quan quản lý đất đai các cấp và cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn có hành vi vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục hành chính trong quản lý đất đai.
3. Người đứng đầu tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên của tổ chức được Nhà nước giao đất để quản lý thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 8 của Luật Đất đai mà có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai đối với đất được giao để quản lý.
Theo đó, những hành vi vi phạm được quy định tại Điều 97 của Nghị định này bao gồm:
- Điểm b, khoản 3: Vi phạm quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất bao gồm các hành vi sau: Giao đất, giao lại đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
- Điểm a,b, khoản 6: Vi phạm quy định về quản lý đất do được Nhà nước giao để quản lý bao gồm các hành vi sau: Để xảy ra tình trạng người được pháp luật cho phép sử dụng đất tạm thời mà sử dụng đất sai mục đích; Sử dụng đất sai mục đích;
Như vậy, trong vấn đề xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp mà hiện nay dư luận đang hết sức bức xúc, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà những người thi hành công vụ có liên quan có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 229, Bộ luật hình sự 2015. Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai hoặc các tội phạm về chức vụ được quy định tại Chương XXIII của Bộ luật hình sự 2015.
Việc người dân xây dựng nhà trên đất nông nghiệp chưa chuyển mục đích là vi phạm pháp luật về đất đai, phá vỡ quy hoạch, làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, đồng thời có nguy cơ đe dọa an ninh lương thực. Vì vậy, đối với những trường hợp mới xây dựng Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền cần kịp thời ra quyết định xử phạt hành chính về hành vi xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; Có biện pháp giáo dục, tuyên truyền và khuyến khích người vi phạm tự tháo dỡ.
Đối với các trường hợp xây dựng cũ, cố tình tiếp tục thực hiện việc sử dụng trái phép mặc dù đã bị xử phạt hành chính thì có thể bị buộc phá dỡ công trình hoặc bị thu hồi đất.
Đồng thời, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về Quản lý đất, cần nâng cao năng lực làm việc và quán triệt về trách nhiệm, hậu quả pháp lý đối với cán bộ phụ trách chính trong lĩnh vực đất đai vẫn tiếp tục được thực hiện nghiêm túc.
Có thể thấy được việc xây dựng trái phép, lấn chiếm sử dụng đất nông nghiệp tại phường Quảng An nói riêng và quận Tây Hồ nói chung đang là vấn nạn nhức nhối. Hơn thế, hệ luỵ của việc mua bán, xây dựng nhà qua giấy viết tay tiềm ẩn rủi ro lớn cho nhà đầu tư, phần nào đó vô hình tạo ra cơ hội cho "cò mồi" tung hoành, lừa đảo người dân...
Cùng đó dư luận cũng đặt ra câu hỏi: Tại sao xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, vi phạm trật tự xây dựng nhưng không hề bị UBND phường Quảng An xử lý hay cưỡng chế? Các tồn tại vì sao đến nay chưa được giải quyết triệt để?
Sâu trong ngách số 6 và 6A các nhà ở cấp bốn được xây dựng, các lô đất quây tôn chờ xây dựng.
Trước đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 14/1/2014 về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp và đất công, UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về quản lý quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn về các trường hợp vi phạm mà không bị xử lý theo quy định của pháp luật. Yêu cầu chủ tịch các UBND phường, xã, thị trấn phải cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp (đặc biệt là các trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép) theo đúng thẩm quyền.
Nội dung Chỉ thị cũng nêu rõ, địa phương nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý thì Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, quyết định tạm dừng công tác điều hành của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để chỉ đạo xử lý cho đến khi vi phạm được xử lý, khắc phục.
Để có những biện pháp xử lý không chỉ ở phần ngọn rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc, nhanh chóng thanh kiểm tra các dự án, công trình xây dựng có dấu hiệu vi phạm, sai phạm. Bên cạnh đó, UBND quận Tây Hồ cũng cần làm rõ trách nhiệm đơn vị quản lý để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng, phá vỡ quy hoạch đô thị.