Vẫn cần duy trì chính sách hỗ trợ doanh nghiệp “vượt khó\" trong năm 2023
Cập nhật lúc: 10/01/2023, 09:30
Cập nhật lúc: 10/01/2023, 09:30
Nêu ý kiến tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ đầu năm mới 2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, từ cuối năm 2022, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chuẩn bị, nghiên cứu và đề xuất một loạt các giải pháp liên quan đế chính sách tài khóa và chính sách thuế để tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong năm 2023. Có thể thấy, những đề xuất của Bộ Tài chính đang được trông đợi.
Bộ Tài chính sẽ có các chính sách hỗ trợ về thuế trong năm 2023
Về cơ bản, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, các chính sách về thuế, phí, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân trong năm 2023 sẽ tương tự các chính sách áp dụng trong năm 2022. Mặc dù có một số điều chỉnh, song lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vẫn được duy trì. Đồng thời, các kịch bản khác cũng được chuẩn bị sẵn sàng nếu tình hình năm 2023 có những diễn biến mới, cần có sự tác động, hỗ trợ từ chính sách tài khóa.
“Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, đề xuất các chính sách về thuế, phí để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân trong năm 2023”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho biết, theo phương án huy động nguồn lực cho các chương trình phục hồi kinh tế, năm 2022 đã thực hiện bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển 38,15 nghìn tỷ đồng (gồm 18,58 nghìn tỷ đồng nhiệm vụ thuộc chương trình phục hồi và 19,57 nghìn tỷ đồng nhiệm vụ thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 sử dụng nguồn vốn của chương trình) theo Nghị quyết số 584/NQ-UBTVQH15. Để thực hiện các nhiệm vụ còn lại của chương trình, hiện Bộ Tài chính đang dự thảo đề án huy động khoảng 157.000 tỷ đồng cho các chương trình phục hồi kinh tế trong năm 2023.
“Trong đó, tập trung huy động từ nguồn trái phiếu Chính phủ nội tệ và vay ODA, ưu đãi nước ngoài; các nguồn vay hợp pháp khác cho chương trình sẽ chỉ sử dụng khi nhu cầu huy động vốn tăng cao và thị trường trái phiếu Chính phủ, vay nước ngoài không đáp ứng đủ", đại diện Bộ Tài chính nêu rõ.
Cũng tại họp báo Chính phủ thường kỳ đầu năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đề nghị nhanh chóng thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thực hiện giảm, giãn thuế, điều chỉnh giá bất động sản... để khơi thông dòng tiền giữa các khu vực trong nền kinh tế. Nếu quá phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng có thể gây hệ lụy và rủi ro trong tương lai vì các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng của Việt Nam đã và đang ở ngưỡng cảnh báo.
Về phía ngành ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngành ngân hàng sẽ tập trung thực hiện các giải pháp cải cách, đơn giản thủ tục cho vay để nâng cao khả năng tiếp cận vốn, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
“Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn, cần các giải pháp chính sách hỗ trợ khác từ phía Nhà nước như bảo lãnh tín dụng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được thực thi hiệu quả”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng gợi ý.
Vẫn cần duy trì chính sách gia hạn, giảm thuế cho doanh nghiệp trong năm 2023
Một số chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp hiện đã kết thúc trong năm 2022, song dự báo năm 2023, các thành phần của nền kinh tế vẫn khó khăn và rất cần sự hỗ trợ.
Trao đổi với Reatimes, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết: “Vấn đề giãn thuế và giảm thuế là yêu cầu của tất cả các nền kinh tế và đương nhiên tôi rất đồng tình. Hãy tìm mọi cách để giãn thuế, giảm thuế trong trường hợp có thể để giúp các doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng”.
Theo đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh, thứ nhất, cần đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, bằng một cơ chế đấu thầu công khai, minh bạch. Hiện các dự án chưa giải ngân hoặc số vốn đã giải ngân đạt rất thấp còn tương đối nhiều. Đây chính là nguyên nhân kéo tỷ lệ giải ngân của cả nước đạt thấp. Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 12 tháng năm 2022 đạt 67,27% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân đạt 75,11%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (77,30%).
“Có thể hiểu, việc giải ngân đầu tư công phụ thuộc rất nhiều vấn đề, như ách tắc ở giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án hay những điều kiện ràng buộc với hiệp ước thương mại, tài trợ của các cơ quan quốc tế nên nhiều khi có tiền nhưng không triển khai giải ngân được. Đặc biệt năm nay ở Việt Nam, nhiều địa phương gặp khó khăn nên triển khai đầu tư công rất chậm, nhưng vấn đề này cần quyết liệt hơn trong năm 2023”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận.
Thứ hai, chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong 2 năm tới được Quốc hội thông qua đầu năm 2022 với tổng giá trị khoảng 350.000 tỷ đồng nhưng việc giải ngân chậm đang ảnh hưởng đến sự hồi phục của các thành phần kinh tế. TS. Nguyễn Trí Hiếu đặt vấn đề: “Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho các doanh nghiệp vay từ đầu năm 2022 đến hết năm 2023 với kinh phí 40.000 tỷ đồng, nhưng hiện bao nhiêu doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ lãi suất đó? Chúng ta cần nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc để giải phóng nguồn lực tài chính giúp tất cả các thành phần kinh tế có vốn hoạt động sản xuất - kinh doanh”.
Thứ ba, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp đóng cửa vì dịch bệnh, Ngân sách Nhà nước rất eo hẹp. Tuy nhiên, trong năm 2022, Chính phủ đã ban hành một số chính sách hỗ trợ miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH13, các nghị quyết về giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, đã có tác dụng kiềm chế lạm phát của Việt Nam ở mức dưới 4% và phần nào hỗ trợ các thành phần kinh tế.
Riêng năm 2022, báo cáo tổng kết năm 2022 của Bộ Tài chính cho thấy, tổng thu ngân sách do ngành Thuế quản lý ước đạt 1.460.100 tỷ đồng, bằng 124,3% dự toán, tăng 8,5% so với thực hiện năm 2021, với 63/64 đơn vị thu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách được giao.
“Chính phủ có thể cân đối với việc giãn thuế, giảm thuế, hài hòa lợi ích với doanh nghiệp. Việc triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp sẽ góp phần quan trọng, quyết định tới mục tiêu ổn định, duy trì đà phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2023”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Anh Phong - Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết, cần tiếp tục chính sách hỗ trợ về thuế để tiếp sức cho doanh nghiệp.
“Cá nhân tôi vẫn ủng hộ Chính phủ tiếp tục duy trì chính sách gia hạn, giảm thuế như thực hiện trong năm 2022 vì đây chính là năm bản lề để các doanh nghiệp bắt đầu phục hồi sản xuất, tạo công ăn việc làm, các hoạt động dần hồi phục chứ chưa hoàn toàn phục hồi như trước đại dịch. Do vậy, việc duy trì chính sách gia hạn, giảm thuế là hết sức cần thiết nhằm giúp doanh nghiệp tiếp tục ổn định và phục hồi tổng cung, tổng cầu, góp phần tăng trưởng kinh tế tốt hơn, gia tăng phúc lợi cho các tầng lớp dân cư”, PGS.TS Nguyễn Anh Phong nói.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Anh Phong cũng đưa ra một số gợi ý để việc thực hiện chính sách tài khóa được hiệu quả hơn. Theo đó, Chính phủ cũng có thể sử dụng các biện pháp phi ngân sách, không có tác động ngay lập tức đến cân đối tài chính, như bảo lãnh tài trợ hay bảo lãnh tín dụng.
"Với tình hình giao thương gần như bình thường lại so với trước kia, do vậy bước sang năm 2023, Chính phủ cần đánh giá lại các gói nào cần duy trì để tiếp tục phục hồi kinh tế, gói nào cần cắt bỏ vì không còn phù hợp với bối cảnh mới", PGS.TS Nguyễn Anh Phong đề xuất./.
Nguồn: https://reatimes.vn/bo-tai-chinh-khang-dinh-duy-tricac-chinh-sach-ho-tro-dn-20201224000017009.html
11:20, 07/10/2022
06:52, 22/08/2022
09:39, 01/04/2022
06:15, 07/01/2022
13:28, 11/10/2021