19/01/2025 | 13:24 GMT+7, Hà Nội

Chuyển đổi số cho doanh nghiệp BĐS:Yếu tố tiên quyết là thay đổi tư duy, tầm nhìn của người lãnh đạo

Cập nhật lúc: 07/10/2022, 11:20

Sáng 7/10, dưới sự bảo trợ của Hiệp hội BĐS VN, Reatimes và Viện Nghiên cứu BĐS VN phối hợp cùng Meey Land tổ chức Hội nghị Xúc tiến chuyển đổi số cho thị trường bất động sản Việt Nam.

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các chuyên gia về kinh tế - bất động sản, công nghệ cùng lãnh đạo các doanh nghiệp. Điểm nhấn nổi bật của Hội nghị là phiên Tọa đàm cấp cao về Chuyển đổi số và công nghệ mới cho doanh nghiệp bất động sản dưới sự điều phối của TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, bên cạnh đó là Lễ ký kết hợp tác, xúc tiến chuyển đổi số. 

Tại Hội nghị, các chuyên gia đã bàn luận sôi nổi về các vấn đề: Thực tiễn chuyển đổi số trong ngành bất động sản hiện nay; Tiềm năng, cơ hội và thách thức trong phát triển, ứng dụng công nghệ vào thị trường bất động sản tại Việt Nam; Vai trò của công nghệ đối với hoạt động của doanh nghiệp bất động sản trong thời đại 4.0; Nhận diện xu hướng phát triển công nghệ bất động sản mới trong giai đoạn tiếp theo.  

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhận định, xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực tư vấn thiết kế, thi công xây lắp công trình, sử dụng dữ liệu lớn trong phân tích hiệu quả đầu tư, chăm sóc khách hàng, công nghệ đầu tư tài chính, định giá bất động sản và giao dịch, bán hàng đang phát triển mạnh mẽ. Nhiều quốc gia bắt buộc các công trình công cộng khi đầu tư xây dựng phải đáp ứng tiêu chí công trình xanh, công trình thông minh, nhiều đô thị thông minh với quy mô cấp thành phố đã được triển khai xây dựng mới hoặc chuyển đổi từ các đô thị cũ.

Tọa đàm cấp cao tại Hội nghị xúc tiến chuyển đổi số cho thị trường Bất động sản Việt Nam
Tọa đàm cấp cao tại Hội nghị xúc tiến chuyển đổi số cho thị trường Bất động sản Việt Nam

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, trước yêu cầu bắt kịp với xu thế của thế giới, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhu cầu về chuyển đổi số trong ngành bất động sản là rất lớn, tập trung vào một số lĩnh vực sau: Các giải pháp công nghệ, thiết bị cho phát triển công trình xanh, thông minh; sử dụng số liệu lớn trong phân tích hiệu quả đầu tư, chăm sóc khách hàng; số hoá trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý đất đai; công nghệ định giá bất động sản tự động; quản trị rủi ro trong đầu tư kinh doanh bất động sản; các ứng dụng mua, bán bất động sản; kinh tế chia sẻ trong bất động sản.

“Công nghệ số và chuyển đổi số không còn là nhu cầu, sự lựa chọn, mà là yếu tố bắt buộc để giúp các doanh nghiệp bất động sản vượt qua những khó khăn trong bối cảnh hiện nay; đồng thời, là cơ sở để xây dựng và phát triển thị trường bất động sản chuyên nghiệp, lành mạnh và bền vững”, ông Nguyễn Mạnh Hà khẳng định.

Chuyển đổi số bất động sản Việt Nam đang nhanh hay chậm?

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, bối cảnh khủng hoảng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng các hoạt động điều chỉnh chính sách đã gây ra những tác động nhất định tới thị trường bất động sản. Cụ thể, 9 tháng vừa qua, nguồn cung mới của thị trường bất động sản chỉ bằng khoảng 20% so với cùng thời điểm năm trước. Cơ cấu các sản phẩm cũng chưa thực sự phù hợp khi nguồn cung phân khúc cao cấp dư thừa, trong khi sản phẩm giá rẻ đáp ứng nhu cầu ở thực của người dân lại đang thiếu.

Sau giai đoạn biến động, thị trường bất động sản đang có sự điều chỉnh, sàng lọc và cho thấy những biểu hiện phục hồi. Giai đoạn cuối năm nay và năm 2023, một số phân khúc bất động sản đang có điểm sáng, dư địa, tiềm năng lớn, đó là bất động sản nghỉ dưỡng; bất động sản công nghiệp và nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. 

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Văn Đính cho rằng, thị trường đang phải đối mặt với nhiều điểm nghẽn, khó khăn cần phải vượt qua. Theo đó, xu hướng mới của thị trường về việc ứng dụng các công nghệ vào lĩnh vực bất động sản sẽ gia tăng so với thực tế đang rất thấp hiện nay. 

“Muốn thị trường bất động sản phục hồi và phát triển bền vững, cần áp dụng những giải pháp công nghệ mới một cách mạnh mẽ và toàn diện”, TS. Nguyễn Văn Đính khẳng định và cho biết thêm, dịch Covid-19 đã khiến phần lớn hoạt động cuộc sống thường ngày dịch chuyển lên các nền tảng trực tuyến. Thời gian qua, để thích ứng cũng như nắm bắt được cơ hội mới trong bối cảnh đại dịch, các doanh nghiệp bất động sản đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới chuyển đổi số. 

Dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, công tác chuyển đổi số của thị trường bất động sản hiện nay ở góc độ nào đó vẫn rất chậm so với các yêu cầu đặt ra từ thực tiễn hoạt động của thị trường. 

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

“Riêng trong lĩnh vực bất động sản, việc chuyển đổi số là tất yếu mang tính sống còn. Nhưng chuyển đổi số tại thị trường bất động sản Việt Nam còn chậm bởi các chủ thể tham gia thị trường hiện nay không phải ai cũng nhận thức về công nghệ một cách đầy đủ.

Thực tế hiện nay, việc xác định quyền sử dụng đất, đánh giá thuế nhà, thuế chuyển nhượng vẫn đang rất khó khăn, chưa có cách xác định giá chính xác vì chưa có các số liệu về giao dịch bất động sản thực tế. Do đó, trước tiên, cần có hệ thống thông tin chuẩn xác nhất về thị trường mới thực hiện được”, ông Nguyễn Mạnh Hà cho hay. 

Ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động Việt Nam cũng cho rằng, nhìn ở góc độ doanh nghiệp và khách hàng, việc chậm ứng dụng chuyển đổi số trên thị trường bất động sản đồng nghĩa với việc sẽ khiến nhiều người mất thời cơ và cơ hội phát triển. Tuy nhiên, khi đứng ở góc độ nhà cung cấp thì Việt Nam đi như vậy là nhanh, điển hình như Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land. Vấn đề lo sợ nhất của khách hàng khi giao dịch hiện nay là giá cả và quy hoạch, Meey Land đã cập nhật được nền tảng công nghệ để giải quyết nỗi sợ này.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhận định, để khẳng định chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản thời gian qua nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào nhiều thứ nhưng chắc chắn là việc ứng dụng công nghệ bất động sản chưa đủ như mong đợi. 

“Điều này còn phụ thuộc vào tư duy, chính sách, kỹ năng, phần mềm… Đằng sau đó chúng ta phải hiểu cuộc cách mạng này không phải thuần túy là công nghệ mà là cách mạng về thể chế (chính sách, cách làm, quy định…)”, ông Thành nói thêm. 

Cần cả một quá trình để chuyển đổi số thành công

TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho biết, nguyên nhân khiến bất động sản vẫn là một trong những lĩnh vực chậm chân trong vấn đề chuyển đổi số, trước hết nằm ở nhu cầu chuyển đổi số. Chúng ta đang thiếu một lượng dữ liệu lớn - Big Data. Khi Big Data còn thiếu thì sẽ khó để chuyển đổi số. 

Thứ hai là vấn đề an ninh, bảo mật. An ninh, bảo mật không tốt sẽ đem đến nguy hiểm rất lớn cho việc áp dụng công nghệ. Thứ ba là vấn đề liên quan đến đầu tư, nhân lực. Khi áp dụng chuyển đổi số thì hiệu quả sẽ tăng lên, đồng thời nhân lực sẽ bị đào thải rất nhiều. Thứ tư là vấn đề kết nối công nghệ, chọn lựa công nghệ. Nếu công nghệ không đủ tốt thì cũng không thực sự hiệu quả, thậm chí là sẽ dẫn tới một loạt những đổ vỡ khác.

“Chuyển đổi số bất động sản là một hành trình dài. Ở đó doanh nghiệp không chỉ phải nỗ lực không ngừng mà còn cần có một chiến lược chuyển đổi số cụ thể, rõ ràng dựa trên những phân tích thực tế cũng như sự kiên định, quyết đoán trong quá trình triển khai”, TS. Nguyễn Minh Phong khẳng định. 

Đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp bất động sản, ông Nguyễn Công Chính, Giám đốc Công nghệ, Trưởng Ban Chuyển đổi số Công ty Cổ phần Dịch vụ & Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc chia sẻ rằng, công cuộc chuyển đổi số đối với doanh nghiệp thực sự rất vất vả. Nguyên nhân là do hiện nay khách hàng vẫn chuộng thanh toán tiền mặt bởi khi giá trị giao dịch lớn thì chi phí thanh toán online rất cao. Bên cạnh đó, sự dịch chuyển nhân sự giữa các công ty cũng là một trong những thách thức khiến việc đào tạo về ứng dụng công nghệ số trở nên kém hiệu quả. 

Lễ ký kết MOU tại Hội nghị xúc tiến chuyển đổi số cho thị trường bất động sản
Lễ ký kết MOU tại Hội nghị xúc tiến chuyển đổi số cho thị trường bất động sản

Nhấn mạnh thêm điều này, ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Meey Land cho biết, thị trường bất động sản đang có nhiều vấn đề mà ngay các hiệp hội hành nghề, cơ quan Nhà nước cũng nhìn thấy điều này và đau đáu tìm kiếm các giải pháp để đưa thị trường phát triển phù hợp, lành mạnh và bền vững. 

“Với doanh nghiệp bất động sản, thực hiện chuyển đổi số rất khó bởi không tìm được người làm về công nghệ cho bất động sản. Đó là những người chỉ đạo đường hướng thực hiện về công nghệ nhưng có tư duy của bất động sản. 

Các doanh nghiệp hiện nay thường thành lập bộ phận công nghệ riêng để phát triển ứng dụng nhận được những phản hồi hay tiêu chí tìm kiếm sản phẩm của khách hàng. Tuy nhiên, bộ phận công nghệ tại doanh nghiệp lại khá yếu và thực sự không có nhiều nhân lực để phát triển. Nếu trong trường hợp các doanh nghiệp không thể làm được tốt hơn, tôi cho rằng doanh nghiệp có thể ký kết với một đơn vị bên ngoài để có hệ thống chuyên nghiệp về công nghệ”, ông Chung nói. 

Là đơn vị tiên phong chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản, Meey Land với hệ sinh thái công nghệ bất động sản gồm 26 sản phẩm chuyên biệt ở nhiều mảng có thể giúp giải quyết bài toán về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, sàn giao dịch, nhà môi giới bất động sản, góp phần tăng tính thanh khoản, gia tăng tính minh bạch trong các giao dịch bất động sản… Trong đó, Meey CRM và Meey Map là những sản phẩm gây được sự chú ý trên thị trường trong thời gian gần đây. 

Chuyển đổi số nên bắt đầu từ tư duy của người lãnh đạo

Theo các chuyên gia, để chuyển đổi số thành công thì không có khuôn mẫu nào mà cần định hướng rõ ràng theo từng chiến lược phát triển và ứng dụng của doanh nghiệp, lĩnh vực, ngành nghề. Do tính đặc thù nên mỗi doanh nghiệp không thể bê khuôn mẫu chuyển đổi số của đơn vị, doanh nghiệp này để ứng dụng sang doanh nghiệp, đơn vị, lĩnh vực khác.

“Quan trọng, không phải khi nói “tôi chuyển đổi số là đã chuyển đổi số được ngay”, mà đó là cả quá trình kéo dài. Tôi cho rằng, chuyển đổi số trong tư duy của người lãnh đạo là quan trọng, tư duy để hiểu được khó khăn, thách thức và đồng hành cùng với cả quá trình thực hiện chuyển đổi số”, ông Nguyễn Công Chính nhấn mạnh. 

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Hà, yếu tố quan trọng nhất trong chuyển đổi số là việc tiếp cận các chủ trương, chính sách. Cần phải có sự vào cuộc của hệ thống chính quyền đến các doanh nghiệp. Ngoài ra, yếu tố quan trọng khác chính là kinh phí. Nếu phải bỏ quá nhiều tiền nhưng rủi ro trên 50% thì rất ít doanh nghiệp dám tham gia vào lĩnh vực này. Vì vậy, cần có sự cân đối một cách chi tiết của các doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ phía cơ quan Nhà nước. 

TS. Võ Trí Thành phân tích thêm, điều kiện cần để chuyển đổi số thành công là phải có tầm nhìn và quyết tâm của lãnh đạo đứng đầu, đồng thời phải gắn chiến lược chuyển đổi số với chiến lược kinh doanh thực của doanh nghiệp. Ông Thành cũng cho rằng, phải bắt đầu chuyển đổi số từ những việc nhỏ nhất và làm theo một cách tốt nhất. Trong đó, phải tạo ra dòng tiền để có vốn đầu tư.

“Có thể thấy, muốn chuyển đổi số thành công theo nghĩa lớn thì cần quyết tâm, quyết liệt, từ những vấn đề lớn lao cho đến những vấn đề nhỏ mang tính đặc thù của ngành bất động sản như: Giá trị tài sản lớn, tính thanh khoản không cao, cần nhiều dữ liệu và tạo dựng lòng tin đối với khách hàng… Điều quan trọng nhất, theo tôi là phải tăng cường hợp tác. Các doanh nghiệp đừng ôm đồm hết một mình. Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa phải đi cùng nhau. Còn muốn đi vừa nhanh, vừa xa thì phải “ôm” nhau”, TS. Võ Trí Thành kết luận. 

 

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/chuyen-doi-so-cho-doanh-nghiep-bdsyeu-to-tien-quyet-la-thay-doi-tu-duy-tam-nhin-cua-nguoi-lanh-dao-20201231000007633.html