19/01/2025 | 09:26 GMT+7, Hà Nội

VLXD đồng loạt tăng giá: Nhà thầu xây dựng, doanh nghiệp BĐS canh cánh nỗi lo

Cập nhật lúc: 01/04/2022, 09:39

Giá vật liệu xây dựng tăng cao khiến nhà thầu cùng nhiều chủ đầu tư đau đầu. Nếu không tăng giá nhà thì sợ lỗ vốn mà tăng cao thì sợ không bán được nhà. Đặc biệt, bài toán xây nhà ở xã hội trở nên khó khăn hơn.

Giá thép tăng 3 lần trong vòng nửa tháng qua

Mới đây, một loạt doanh nghiệp cung cấp thép xây dựng đã đồng loạt thông báo điều chỉnh giá bán với sản phẩm thép cuộn xây dựng và thép cây. Hiện giá thép tại một số doanh nghiệp đã vượt 19 triệu đồng/tấn.

Cụ thể, từ ngày 15/3/2022 Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên, Công ty TNHH Thép Đặc biệt Shengli Việt, Công ty TNHH Thép Kyoei Việt Nam, Công ty Liên doanh Sản xuất Thép Vinausteel đã thông báo điều chỉnh giá bán trên phạm vi toàn quốc đối với sản phẩm thép cuộn xây dựng và thép cây tăng 600.000 đồng/tấn.

Tại khu vực miền Bắc và miền Trung, Công ty CP Sản xuất Thép Việt Đức thông báo tăng 600 đồng/kg đối với sản phẩm thép cây, thép cuộn các chủng loại VGS.

Riêng Công ty CP Tập đoàn VAS Nghi Sơn tăng 600 đồng/kg bắt đầu từ ngày 16/3 đối với sản phẩm thép cuộn, thép thanh mang thương hiệu VAS so với giá bán tại thời điểm hiện tại, phạm vi áp dụng đối với các tỉnh miền Bắc đến Hà Tĩnh.

Đây là lần tăng giá thép thứ 3 trong vòng nửa tháng qua của các doanh nghiệp. Cũng giống như các lần tăng giá trước, lý do tăng giá được các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đưa ra là do tình hình giá phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao nên phải điều chỉnh giá bán.

Sản phẩm thép cuộn xây dựng và thép cây tăng 600.000 đồng/tấn (Ảnh minh hoa)
Sản phẩm thép cuộn xây dựng và thép cây tăng 600.000 đồng/tấn (Ảnh minh hoa)

Ngoài thép, hàng loạt nguyên vật liệu xây dựng khác như xi măng, cát, bê tông,... cũng đua nhau tăng giá.

Nhiều nhà sản xuất mới đây thông báo, từ ngày 20/3 sẽ tăng giá bán xi măng thêm 100.000 đồng/tấn sản phẩm để bù đắp đà tăng của chi phí đầu vào. Giá nguyên vật liệu đầu vào trong sản xuất xi măng hiện đều tăng, đặc biệt giá xăng dầu và than đá tăng mạnh, nguồn cung khan hiếm dẫn đến giá thành sản xuất xi măng tăng cao.

Ngoài ra, giá cát san lấp tại Hà Nội cũng tăng khoảng 150.000 - 200.000 đồng/m3, cát xây tô có giá từ 400.000 - 450.000 đồng/m3; gạch ống có giá dao động từ 1.300 - 1.400 đồng/viên; các loại đá xây dựng có giá 310.000 đồng/m3. Nhìn chung, giá các loại vật liệu xây dựng này hiện tăng khoảng 10% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.

Tại TP.HCM, giá các loại vật liệu xây dựng cũng tăng cao. Đơn cử, xi măng tăng 18%, gạch xây dựng tăng khoảng 10, gạch ốp trang trí tăng 10 - 15%, giá cát tăng 10.000 đồng/m3 so với đầu năm.

Không chỉ các loại vật tư xây dựng tăng giá mà giá các mặt hàng trang trí nội thất nhà cửa cũng tăng theo. Mặt hàng gạch men tăng khoảng 50.000 đồng so với tháng trước, lên 250.000 đồng/m2; tấm nhựa giả gỗ lót sàn tăng 45.000 đồng/m2, lên 185.000 đồng/m2; sàn gỗ công nghiệp tăng 50.000 đồng/m2, lên 350.000 đồng/m2...

Nhà thầu lo lỗ vốn, doanh nghiệp bất động sản ngại làm nhà NOXH

Theo Tổng cục Thống kê, chi phí thép chiếm 12 - 16% tổng chi phí xây dựng công trình. Vì vậy, khi giá thép tăng mạnh sẽ ảnh hưởng lớn đến giá thành xây dựng. Cụ thể, nếu giá thép xây dựng tăng 10% thì giá thành xây dựng các công trình sẽ tăng 1%.

Theo các chuyên gia, khi giá thép tăng, giá thành xây dựng đội lên cao, không chỉ nhà thầu xây dựng, doanh nghiệp bất động sản mà cả khách hàng cũng chịu nhiều ảnh hưởng.

Ông Lê Quốc Kiên – Chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư và phát triển bất động sản cho biết, với các công trình đang thi công, nhà thầu khó đàm phán hỗ trợ giá từ chủ nhà/chủ đầu tư để tăng giá với lý lẽ “sau khi ký hợp đồng thi công, trường hợp giá nguyên vật liệu giảm, nhà thầu cũng chưa chắc giảm giá cho chủ đầu tư”. 

Với các công trình mới chưa ký hợp đồng, chắc chắn nhà thầu phải điều chỉnh tăng giá thi công. Và khi tăng giá thi công, chắc chắn số lượng công trình sẽ bị sụt giảm do ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính của người có nhu cầu xây nhà.

Với những người xây nhà ở, giá thi công tăng có thể sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính của họ trong việc xây nhà, trong khi thu nhập bản thân chưa bắt kịp. Điều này dễ làm giảm quyết tâm của họ trong việc xây nhà. 

Với các nhà đầu tư theo mô hình xây nhà để bán, nếu nhà chưa ký hợp đồng thi công với nhà thầu, chắc chắn phải tăng giá bán ra để bù đắp chi phí thầu tăng giá thi công. Thậm chí, nhà đầu tư dù đã ký hợp đồng thi công cũng có thể sẽ tăng giá bán ra để kiếm thêm lợi nhuận, dù có thể họ chưa chắc đã chấp nhận hỗ trợ giá thi công cho nhà thầu do giá nguyên vật liệu tăng. 

“Rủi ro vì chi phí nguyên vật liệu tăng cao bất định cũng làm nhà đầu tư ngại xây nhà hơn, chỉ muốn để đất đó cho tự tăng giá, giảm thiểu rủi ro tăng chi phí đầu vào trong khi khó đẩy nhanh việc tăng giá bán đầu ra”, ông Lê Quốc Kiên nhìn nhận.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch GP.Invest cũng bày tỏ quan ngại về việc giá vật liệu liên tục tăng từ đầu năm 2022 đến nay, đặc biệt là giá thép. 

Theo ông Hiệp, giá vật liệu tăng đẩy giá thành sản phẩm tăng là chuyện bình thường. Nhưng vấn đề ở đây là nó còn ảnh hưởng đến nhiều câu chuyện khác. Trong bối cảnh nền kinh tế đang chớm hồi phục sau khoảng thời gian dài chịu tác động từ đại dịch Covid-19, việc vật liệu xây dựng tăng giá như một “cú đấm bồi” gây cản trở hơn cho quá trình hồi phục và phát triển của các nhà thầu xây dựng, doanh nghiệp bất động sản.

Nhiều nhà thầu vì ký hợp đồng thi công trọn gói nên tìm cách kéo dài tiến độ, chờ giá xuống cho đỡ lỗ. Nhưng giá vật liệu xây dựng vẫn tăng dựng đứng, dự án bị chậm tiến độ khiến chủ đầu tư bị khách hàng phạt do chậm giao nhà.

Hệ lụy này khách hàng cũng phải gánh chịu. Giá thành xây dựng tăng khiến các chủ đầu tư bắt buộc phải tăng giá bán bất động sản. Bởi hiện nay, chi phí vật liệu xây dựng chiếm 60 - 70% giá trị dự toán xây dựng công trình. Vì vậy, nếu không tăng giá nhà sẽ bị lỗ mà tăng cao sợ không bán được nhà.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch GP.Invest
Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch GP.Invest

“Ngoài ra, năm 2022 Bộ Xây dựng đang quyết tâm cải thiện số lượng nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cho công nhân lao động, người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, trong bối cảnh quỹ đất ngày càng đắt đỏ, lợi nhuận thấp, cộng thêm chi phí cho vật liệu xây dựng công trình tăng cao khiến các doanh nghiệp sẽ ngại tham gia vào phát triển phân khúc này. Bài toán nhà ở vẫn tiếp tục bế tắc, thị trường bất động sản tiếp tục “nóng” theo xu hướng chênh lệch cung cầu”, ông Nguyễn Quốc Hiệp chia sẻ thêm.

Nhận định về việc tăng giá vật liệu xây dựng trong thời gian tới, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, giá các mặt hàng như gạch, đá, xi măng, thép... được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do ảnh hưởng từ giá nhiên liệu tăng. Vì vậy, nhà thầu xây dựng cũng như các doanh nghiệp bất động sản cần phải chuẩn bị sẵn tinh thần, kế hoạch cho các dự án, công trình sắp tới./.

Nguồn: https://reatimes.vn/vat-lieu-xay-dung-dong-loat-tang-gia-nam-2022-20201224000010657.html