Những trò quái chiêu 'giăng bẫy' khách hàng của thuốc và thực phẩm chức năng
Cập nhật lúc: 28/03/2019, 06:01
Cập nhật lúc: 28/03/2019, 06:01
Chưa bao giờ thị trường thực phẩm chức năng (TPCN), thuốc chữa các bệnh lại nhộn nhịp, phát triển mạnh như hiện nay. Các loại TPCN, thuốc chữa bệnh thu hút người tiêu dùng nhất là các sản phẩm giúp gan, thận, xương, tim,… khỏe mạnh, chống bệnh tật. Ngoài ra, những sản phẩm làm đẹp như trắng da, giảm cân, tăng cân, chống rụng tóc… được rất nhiều chị em phụ nữ (thậm chí cả đàn ông) rỉ tai nhau tới tấp mua về dùng. Một điều lạ là chỉ nghe qua quảng cáo mà họ lại tin đó những loại “thần dược”, cứ uống là khỏe, cứ dùng là đẹp.
Hiệu quả thì không rõ như thế nào, kết quả thì chưa được kiểm chứng nhưng nhờ vào truyền thông "bẩn" mà những đơn vị, cơ sở hay tư nhân bán các loại sản phẩm này ăn nên làm ra. Họ lôi kéo và tạo nên một hệ thống cộng tác viên bán hàng “chuyên nghiệp” chỉ ngồi và dạo trên các diễn đàn, nhóm hội trên mạng để post bài viết, video, thậm chí đội ngũ này còn tự bình luận tích cực về sản phẩm trong các bài viết của nhau để đánh vào tâm lý, nỗi sợ hãi của người tiêu dùng nhằm bán được hàng.
Chính cách truyền thông "bẩn” đánh vào tâm lý, nỗi đau của người tiêu dùng mà các công ty, đơn vị, cá nhân sản xuất và bán TPCN, thuốc này khiến cho người dân tin sái cổ. Họ coi những sản phẩm này như linh đan thần dược chữa được bách bệnh mà không cần phải đi đến các cơ sở y tế. Tuy nhiên, thực tế có đúng như vậy?
Để trả lời cho câu hỏi này, PV đã đi điều tra, tìm hiểu thị trường của các loại sản phẩm này và thấy thời gian vừa qua rất nhiều sản phẩm tăng giảm cân và mầm đậu nành, bột ngũ cốc được bán ra thị trường. Thuốc tăng giảm cân được quảng cáo làm từ nhiều loại thảo dược quý, không độc hại, lại có tác dụng tức thì ngay trong tuần đầu tiên, lại còn giúp thanh lọc cơ thể, tinh thần thư thái, da dẻ hồng hào... Khách hàng uống mầm đậu nành được “tâng bốc” giúp “vòng một căng đầy nhựa sống, lấy lại vóc dáng mi nhon, ngủ ngon giấc và giảm mệt mỏi…”, nghe theo quảng thì cứ ai uống vào rồi sẽ thấy mình đẹp như các người mẫu. Trong khi giá của các sản phẩm này không hề rẻ, từ vài trăm nghìn tới hàng triệu đồng 1 lọ, hộp.
Nhiều đơn vị quảng cáo sản phẩm thuốc gia truyền của mình như một loại thần dược chữa được bách bệnh
Trên các trang mạng xã hội nổ quảng cáo về các sản phẩm chữa bệnh gan như một loại “thần dược” chữa được các loại về bệnh gan từ đơn giản như làm mát gan, giải độc gan, điều trị xơ gan, gan nhiễm mỡ. Hầu hết các quảng cáo này đều na ná nhau như: Giúp thanh nhiệt, giải độc, mát gan; thanh lọc cơ thể, làm sạch các độc tố trong cơ thể, giúp làm đẹp da, chống lão hóa da; tăng cường khả năng giải độc, chống độc, bảo vệ gan trước các yếu tố độc hại như bia, thực phẩm không bảo đảm, virus viêm gan; hỗ trợ các trường hợp viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ, người bị gan do uống nhiều bia, hút thuốc lá.
Thị trường Việt Nam hiện có rất nhiều sản phẩm hỗ trợ chữa bệnh về xương khớp, chưa kể các sản phẩm thuộc dạng xách tay hoặc gia truyền không nhãn mác, xuất xứ khác. Hình thức của chúng cũng đa dạng như viên nang, cao đơn hoàn tán hoặc thuốc lỏng, thuốc Bắc, thuốc Nam… Sản phẩm được giới thiệu có nguồn gốc thiên nhiên như đỗ trọng, kim tiền thảo, khương hoạt, thục địa, cao xương dê, cao ngựa trắng… Giá được rao bán từ vài chục đến vài trăm nghìn/hộp, thậm có có những loại hàng triệu đồng. Tuy nhiên, nguồn gốc, xuất xứ, nguyên liệu, công nghệ sản xuất có đảm bảo hay không thì ít ai biết được.
Chưa kể, các sản phẩm này là thuốc giả những được truyền thông quảng cáo “như đúng rồi”.
Năm 2017, cơ quan chức năng khởi tố vụ án Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh và Buôn lậu và Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức của một số thành viên Công ty VN Pharma. Vụ việc gây rúng động dư luận khiến người dân vô cùng hoang mang, vì sản phẩm được làm giả là thuốc chữa bệnh ung thư - căn bệnh hiểm nghèo hiện nay chưa hề có biện pháp chữa khỏi.
Chính cựu Tổng giám đốc công ty cổ phần VN Pharma Nguyễn Minh Hùng thừa nhận chi cho các bác sĩ và đưa thuốc vào các hệ thống bệnh viện hàng đầu Việt Nam.
Kết quả, một số lượng rất lớn người dân đổ xô mua những sản phẩm này mặc dù cũng không hề biết nó có đảm bảo hay có tác dụng thật sự hay không. Như vậy, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cá nhân đã lợi dụng truyền thông biến nó thành công cụ, phương tiện để thổi phồng, đảo lộn giá trị thực của sản phẩm nhằm vụ lợi cho nhóm lợi ích hoặc cá nhân riêng.
Thực tế hiện nay có rất nhiều sản phẩm TPCN, thuốc thật – giả lẫn lộn trên thị trường khiến cho người tiêu dùng như rơi vào một ma trận mà ở trong đó không có đường ra. Vậy những sản phẩm này liệu thực sự có tác dụng như những lời quảng cáo hay không?
Bàn về vấn đề này, một bác sĩ tại bệnh viện Y học cổ truyền Bộ công an cho hay, "những loại thuốc hoặc cây, củ, quả,… để làm thực phẩm chức năng hay thuốc uống thì cần phải uống đủ liều lượng mới có tác dụng. Đó là lý do vì sao mà trong Tây y hay Đông y khi sản xuất thuốc, các nhà nghiên cứu phải phối trộn với nhiều loại sản phẩm khác với một liều lượng đạt tiêu chuẩn thì mới tạo ra được một loại thuốc uống có tác dụng cho bệnh nhân. Ngoài ra, người dùng phải uống theo liệu trình nhất định kèm theo sự theo dõi của bác sĩ thì may mới khỏi bệnh hoặc hỗ trợ cho cơ thể khỏe mạnh.
Còn đây, nhiều đơn vị sản xuất thực phẩm chức năng, thuốc sản xuất thành viên thuốc bé tí tẹo, lại không có thêm các thành phần thuốc khác và trong trường hợp không có kiểm tra, nghiên cứu đầy đủ mà đưa cho khách uống rồi quảng cáo bảo có tác dụng hiệu quả, triệt để? Điều này là không tưởng. Thực phẩm chức năng không phải là thuốc để điều trị bệnh, nó chỉ có tác dụng hỗ trợ sức khỏe cho chúng ta mà thôi. Nhưng vì những lời quảng cáo thái quá, lại đánh vào nỗi sợ hãi của con người nên nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra để mua bằng được chúng".
Hệ quả của truyền thông đánh vào nỗi sợ hãi của người tiêu dùng là khiến cho mọi người mất thời gian, tiền bạc và công sức.
Cũng theo vị bác sĩ này, hệ quả của việc sử dụng các loại TPCN hay thuốc một cách bừa bãi rất nhiều và nó ảnh hưởng tới hàng loạt vấn đề cho người dùng.
“Có những trường hợp chúng tôi đang điều trị cho bệnh nhân thì họ bỏ liệu trình chữa bệnh để tin theo lời của hàng xóm, bà bán nước, ông xe ôm,… ở đâu đó mách là chữa khỏi bệnh. Kết quả, một thời gian sau tình trạng càng tồi tệ thì họ lại quay lại. Lúc đó, họ lại phải điều trị theo liệu trình từ đầu, mất công, mất thời gian cho cả bác sĩ lẫn bệnh nhân, thậm chí bệnh của họ còn bị nhờn thuốc, mất thêm tiền bạc mà hiệu quả chữa bệnh lại không cao", bác sĩ cho biết thêm.
PGS.TS. Trần Thị Oanh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện nghiên cứu và phát triển sản phẩm thiên nhiên, nguyên Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo Bộ Y tế chia sẻ, truyền thông không đúng sự thật ảnh hưởng mạnh mẽ tới con người. Truyền thông có nhiều cách, có thể qua các TV hoặc qua các kênh quảng cáo chính thống và không chính thống như truyền miệng, nhưng nó để lại những hệ lụy không nhỏ cho người dùng. Ví dụ, trong những năm gần đây, có nhiều bé dùng thuốc cam bị ngộ độc chì thì đó là một truyền thông cũng ảnh hưởng tới sức khỏe của con người. Tiền bạc là nhỏ, những sức khỏe con người mới đáng quý. Vì nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì xử lý vô cùng khó khăn, có khi không xử lý được.
"Truyền thông dưới góc nhìn của tôi là một thông điệp mà người sản xuất ra sản phẩm đó muốn người tiêu dùng để người ta hiểu được sản phẩm đó có tác dụng như thế nào. Với người sản xuất ra sản phẩm của mình thì đương nhiên họ phải rất tin tưởng vào sản phẩm đó, bởi vì sự tin tưởng vào sản phẩm đó cho nên họ truyền tinh thần đó vào sản phẩm, truyền sang ngôn ngữ của người sử dụng. Cho nên đôi khi nó đi quá giới hạn cho phép, trong đó đặc biệt là thuốc", PGS.TS. Trần Thị Oanh nói.
Đón đọc kỳ tiếp theo: Luật sư nói gì về chiêu hái ra tiền của các nhãn hàng?
13:38, 26/03/2019
07:00, 25/03/2019
19:01, 15/03/2019