Kỳ 4: Đòi lại công bằng cho nước mắm truyền thống
Cập nhật lúc: 26/03/2019, 13:38
Cập nhật lúc: 26/03/2019, 13:38
Nhìn tổng thể thị trường nước mắm nội địa hiện nay thì nước mắm công nghiệp đang thống lĩnh thị trường, còn nước mắm truyền thống đang dần được coi là thị trường ngách và là nguồn đầu vào cho nước mắm công nghiệp. Khi đã lâm vào hoàn cảnh yếu thế như vậy mà nước mắm truyền thống vẫn bị nhiều thế lực thiếu thiện chí chèn ép bằng những thủ đoạn mờ ám như đã nêu ở những kỳ trước thì quả là không thể chấp nhận.
Tuy nhiên, trước khi đi đòi lại sự công bằng cho nước mắm truyền thống thì cũng cần có cái nhìn công bằng về nước mắm công nghiệp.
Thật khó có mặt hàng truyền thống nào của Việt Nam khi áp dụng công nghệ tiên tiến vào lại phát triển nhanh như nước mắm. Sau khoảng trên dưới chục năm mà nước mắm công nghiệp đã chiếm 70 - 80% thị phần thì có thể đánh giá là một kỳ tích. Điều đó chứng tỏ rằng đông đảo người tiêu dùng đã chấp nhận nước mắm công nghiệp.
Tiếp theo, cho đến nay, mặc dù được pha chế nhiều loại hóa chất khác nhau, như chất bảo quản, chất tạo màu, chất điều vị... nhưng nước mắm công nghiệp chưa gây ra sự cố đáng kể nào cho sức khỏe người dùng, và cũng chưa có một văn bản có tính pháp lý nào phán xét về sự tồn tại của chúng trên thị trường.
Tiếp nữa, nước mắm công nghiệp đã và đang phát triển, lan tỏa và tôn vinh một sản phẩm truyền thống của Việt Nam ra thị trường thế giới, tạo nên một tấm gương cho nỗ lực khai thác các nguồn lực sẵn có của Việt Nam vào công cuộc kiến thiết đất nước.
Đó là chưa kể đến việc nền công nghiệp mới mẻ này đã tạo ra hàng nghìn, hàng vạn công ăn việc làm, tạo ra những thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế, sản sinh ra thêm một tỷ phú đô la...
Để công bằng, tất cả những điều ấy đều cần ghi nhận cho nền công nghiệp nước mắm non trẻ của Việt Nam, và bên cạnh đó là việc cần thiết đòi lại sự công bằng cho nước mắm truyền thống.
Cho dù ai có ác ý đến đâu chăng nữa thì cũng không thể phủ nhận việc nước mắm công nghiệp được sinh ra từ nước mắm truyền thống. Chúng tồn tại được, thăng hoa được như hiện nay cũng là nhờ những nền tảng vững chắc ngàn đời của nước mắm truyền thống. Vậy mà giờ đây, chúng cư xử với cái nôi của mình như thế, về cả đạo lý và pháp lý đều dễ dàng dẫn đến sự phẫn nộ của tâm cảm con người.
Không thành lập được Hiệp hội ngành nghề, nước mắm truyền thống không đủ sức mạnh để tự bảo vệ mình trước những “ngón đòn” ở tầng vĩ mô nên đã bị thiệt đơn thiệt kép trong những năm qua mà không biết bấu víu vào đâu.
Trước hết, đó là sự thiên lệch của một số cơ quan quản lý Nhà nước khi soạn thảo và ban hành các văn bản pháp quy đã luôn luôn tạo thêm lợi thế cho nước mắm công nghiệp trong cạnh tranh trên thị trường. Như bài trước đã phân tích, việc xây dựng và ban hành 2 bộ Tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến nước mắm (một cái đã ban hành và một cái đã tạm dừng) đều có xu hướng gây bất lợi cho nước mắm truyền thống. Nếu thực hiện, những lợi thế về giá trị văn hóa, lịch sử và hiện trạng thực tại của khoảng 2.800 cơ sở sản xuất cùng với hàng vạn người lao động đã bị loại bỏ, và sản phẩm của họ luôn luôn bị tuyên bố là “không đạt chuẩn”. Vậy làm sao có thể tạo niềm tin cho người tiêu dùng để tồn tại và phát triển?
Thứ hai là sự trì trệ, thiếu công tâm và thiếu trách nhiệm của một số bộ, ngành với nước mắm truyền thống. Một trong những điều uất ức mà những nhà sản xuất nước mắm truyền thống nêu trên công luận gần đây là sự ngăn trở hình thành hiệp hội ngành nghề. Lược lại các thông tin cho thấy, sau bê bối “nước mắm nhiễm asen” năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ xây dựng quy chuẩn về nước mắm cho Bộ NN&PTNT và cho phép thành lập một hội về nước mắm, lấy tên là Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam. Nhưng cho đến nay, sau 3 năm mà hội ngành nghề này vẫn chưa ra đời được.
Tìm hiểu ra thì được biết, các nhà sản xuất nước mắm công nghiệp cũng đã tranh thủ sự ủng hộ của Bộ Y tế và một số quan chức để hình thành một bộ hồ sơ xin thành lập Hội nước mắm Việt Nam, trong danh sách có 6 doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Masan cộng thêm một số nhà cung cấp muối cho tập đoàn này.
Một câu hỏi được đặt ra, về mặt pháp lý cũng như hoàn cảnh xã hội và đặc điểm sản xuất của 2.800 hộ ngành nghề kia, đồng thời lại có sự khuyến khích và đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, tại sao quyền thành lập hội ngành nghề của họ lại bị sự ngăn trở ngần ấy năm trời? Hiện mối quan hệ giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp trên thị trường đang như nước với lửa, rồi công nghệ sản xuất, quản trị doanh nghiệp, cách tiếp cận thị trường... của các bên rất khác nhau, làm sao họ có tiếng nói chung?
Không thành lập được Hiệp hội ngành nghề, nước mắm truyền thống không đủ sức mạnh để tự bảo vệ mình trước những “ngón đòn” ở tầng vĩ mô nên đã bị thiệt đơn thiệt kép trong những năm qua mà không biết bấu víu vào đâu.
Liền với đó nữa là sự “ỷ mạnh hiếp yếu” và lòng tham quá đà của các nhà sản xuất nước mắm công nghiệp. Đến nay, theo con số thống kê không chính thức, nước mắm công nghiệp đã chiếm đến 70-80% thị phần, vậy mà các thế lực bí hiểm vẫn ra những chiêu không thể chấp nhận về cả mặt pháp lý lẫn yếu tố kỹ thuật để định dồn nước mắm truyền thống vào bước đường cùng(!?).
Để kết thúc bài viết cũng đã khá dài này, xin kiến nghị:
Thứ nhất, tuy cùng là nước mắm nhưng nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp rất khác nhau, về cả tập quán sản xuất, quy mô, quy trình công nghệ, thành phần hóa học, hương vị đặc trưng... Vì thế, khi thiết kế các bộ tiêu chuẩn có tính pháp lý về mặt hàng này cần phải tách biệt. Nếu để chung thành một bộ như hiện nay sẽ gây thiệt hại không thể cưỡng nổi cho nước mắm truyền thống.
Thứ hai, đến nay đã hơn 3 năm rồi, Bộ Nội vụ cần xem xét và cho phép thành lập Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam riêng mà không cần phải hỏi ý kiến ai và chờ đợi ai, bởi đây là một ngành sản xuất đặc thù, có lịch sử lâu đời, đặc biệt là đã bị tổn thương lớn trên thị trường trong những năm gần đây. Hơn nữa, việc này đã có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hiện giờ, có ý kiến nhận xét về “lợi ích nhóm” trong vấn đề này. Mong rằng ý kiến này không phải là hiện thực.
Cuối cùng là sự chia sẻ chứ không phải một kiến nghị, đó là mong muốn nước mắm công nghiệp nước nhà hỗ trợ và hợp tác với nước mắm truyền thống để cạnh tranh thành công trên thị trường quốc tế, đặc biệt là với nước mắm Thái Lan. Chứ “gà nhà đá nhau” mãi thì vừa thiệt hại lợi ích quốc gia và cũng chẳng vinh quang gì!
Nghe nói, chỉ mấy ngày sau khi vụ bê bối về “quy chuẩn sản xuất nước mắm” xảy ra, giá cổ phiếu của Tập đoàn Masan đã “bốc hơi” gần 4.000 tỷ đồng. Đúng là sự nổi giận của người tiêu dùng không thể coi thường. Đừng “khôn” quá, tham quá mà hóa dại!
07:00, 25/03/2019
19:01, 18/03/2019