18/01/2025 | 14:47 GMT+7, Hà Nội

Chén nước mắm và 4000 tỷ đồng!

Cập nhật lúc: 18/03/2019, 19:01

Trong cơn bão nước mắm do chính mình gieo gió, chỉ chưa đầy một tuần giao dịch, Masan Group “bốc hơi” gần 4000 tỷ đồng vốn hóa trên thị trường chứng khoán! Sau sóng gió có thể 4000 tỷ đồng ấy trở về nhưng vị mặn chát họ đã nếm có lẽ không chỉ thêm chất điều vị là xong...

Tôi không kêu gọi tẩy chay nước chấm công nghiệp hay bảo rằng phải dùng nước mắm truyền thống mới là người tiêu dùng thông minh. Tôi càng chẳng muốn doanh nghiệp nào phải lao đao, lận đận chỉ vì những hiểu sai không đáng có. Nhưng cái gì ra cái đó, không lập lờ, không gian lận và không dùng chiêu trò để “tiêu diệt” người khác.

Sau những phẫn nộ, tức giận, choáng váng và cả sốc thì bên nào cũng hiểu ra rằng thị trường bao la, nhu cầu rộng lớn có đủ chỗ cho tất cả. Ở đó có người thích vị đậm đà và hương xưa, quê cũ của nước mắm truyền thống, nhưng kề bên ấy cũng còn người ưa vị vừa phải, mới mẻ của những chén mắm thêm chút chất này, bỏ vào ít chất kia, miễn sao đừng để lại hậu quả lâu dài. Người tiêu dùng thông minh, thị trường sòng phẳng, khách hàng công bằng... là những thứ mà ai không quá tham chắc chắn hiểu rõ và tôn trọng.

Những câu chữ như “Giá cổ phiếu Masan Group giảm mạnh kể từ 8/3 sau những “sóng gió” liên quan đến dự thảo tiêu chuẩn về sản xuất nước mắm. Cụ thể, từ 8/3 – 16/3, giá cổ phiếu MSN mất 3.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng giảm 3,67% giá trị...”, chỉ giá trị nhiều với nhà đầu tư. Còn với dân chúng, dư luận thì cái gì tốt với họ, đàng hoàng với số đông và rõ ràng với công chúng sẽ mặc nhiên được lựa chọn. Còn ngược lại 4000 hay 40000 tỷ, thậm chí có thể hơn thế nữa vẫn dễ dàng biến vào hư không.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Vedan đã từng cay đắng chấp nhận tẩy chay trong thời gian dài, Tân Hiệp Phát đã phải ngậm ngùi nhìn doanh số sụt giảm thảm hại... sau những sự cố bị cho là “thiếu tôn trọng” khách hàng. Không chỉ ở Việt Nam, nhiều nhãn hàng lớn như Coca, Samsung, Iphone, Starbucks... đã từng bị ngó lơ ở nơi này hay nước nọ. Khi khách hàng quyết định thì dù có chiếm đến 70 - 80% thị phần như tuyên bố, là tỷ phú hay đại gia đầu ngành, chi phối thị trường hay dẫn đầu doanh số cũng phải lo sợ và quay đầu nhìn lại.

4000 tỷ, khoảng chưa đầy 200 triệu đô không quá lớn với một tỷ phú và càng nhỏ với một doanh số của Masan. 4000 tỷ chỉ có tính ước lệ trong một thị trường chứng khoán nay xuống mai lên ngày kia lại rớt thảm hại. Nhưng đủ để cảnh báo, đủ để cho thấy rằng có điều bất ổn và đủ để chứng minh quyền lực của đám đông không chấp nhận lập lờ, đánh tráo khái niệm.

Chén nước mắm như một giọt muối giữa đại dương 4000 tỷ nhưng có thể quyết định còn hay mất của 4000 tỷ ấy. Cuộc chiến giữa nước mắm truyền thống và nước chấm công nghiệp đôi khi như châu chấu đá xe nhưng coi chừng xe nghiêng. Nhu cầu của 90 triệu dân đủ chỗ cho nước mắm truyền thống và nước chấm công nghiệp chung sống chứ không phải là ngày đêm toan tính triệt tiêu nhau. Mắm có vị mặn nhưng vị hậu sẽ là gì hoàn toàn do người tạo ra và sử dụng quyết định.

Không ai chắc ngày mai sẽ ra sao, không người nào đảm bảo cơn bão nước mắm sẽ cuốn thêm ngàn tỷ nào nữa nhưng không gieo gió chắc chắn sẽ ít gặp bão. Chén nước mắm ấy có vị chát của 4000 tỷ vừa bốc hơi hay ngọt hậu, đậm đà của những ngàn tỷ quay lại có lẽ tùy thuộc rất nhiều vào người có muốn nước mắm là nước mắm và nước chấm phải là nước chấm hay không?

Phan Bình