19/01/2025 | 06:15 GMT+7, Hà Nội

Nhiều hoạt động thúc đẩy phong trào thi đua “Doanh nghiệp Thủ đô hội nhập và phát triển”

Cập nhật lúc: 22/04/2021, 13:37

Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 03/KH-HĐTĐKT về tổ chức phong trào thi đua “Doanh nghiệp Thủ đô hội nhập và phát triển” giai đoạn 2021-2025.

 

Nhiều hoạt động thúc đẩy phong trào thi đua “Doanh nghiệp Thủ đô hội nhập và phát triển”
Ảnh minh họa

Theo kế hoạch, đối tượng thi đua gồm các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị thuộc thành phố; các doanh nghiệp đăng ký theo Luật Doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố; các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn thành phố. Cá nhân gồm: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các tập thể nêu trên; cá nhân đang sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn thành phố.

Đối với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị thuộc thành phố: Thi đua xây dựng và thực thi cơ chế chính sách đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển với mục tiêu giảm thời gian và chi phí, nâng cao năng lực hội nhập cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp; khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân đầu tư ứng dụng, đổi mới, chuyển giao công nghệ mới, như: Công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối (blockchain), công nghệ sinh học, công nghệ môi trường... Áp dụng hệ thống quản lý, quản trị tiên tiến, các công cụ nâng cao năng suất, chất lượng, áp dụng các tiêu chuẩn hài hòa với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.

Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho doanh nghiệp; tạo môi trường và bảo đảm quyền kinh doanh bình đẳng của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực và cơ hội đầu tư; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Hỗ trợ doanh nghiệp tạo sản phẩm chủ lực, tạo sản phẩm mới; hỗ trợ áp dụng chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu sản phẩm, làng nghề... Tăng cường công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm bản quyền.

Vận động cán bộ, công chức, viên chức và đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng phong trào thông qua cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, giúp tăng cường sức tiêu thụ sản phẩm, nâng cao lòng tin đối với các sản phẩm trong nước, tham gia góp ý kiến vào các khâu cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp trong nước.

Thi đua đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục hành chính; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế theo các chuẩn mực của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế). Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa dịch vụ hành chính công, đảm bảo gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách hành chính với xây dựng chính phủ điện tử để công khai, minh bạch nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước thông qua môi trường mạng…

Tiếp tục tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Chính phủ và Thành phố. Căn cứ yêu cầu, đối tượng cụ thể, tổ chức phát động triển khai sâu rộng phong trào thi đua. Việc phát động phong trào thi đua cần được tiến hành với nội dung, tiêu chí cụ thể, phương thức phù hợp gắn với yêu cầu hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, trong đó, tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo, khuyến khích khởi nghiệp. Tiếp tục đổi mới công tác khen thưởng, tôn vinh và nhân rộng các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu; duy trì việc tôn vinh, biểu dương doanh nghiệp hằng năm tại các hội nghị.

Quán triệt cán bộ, công chức về đạo đức công vụ, cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị, tọa đàm tiếp nhận thông tin kiến nghị về khó khăn, vướng mắc, đề xuất của doanh nghiệp góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong và ngoài nước. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, thương hiệu, đổi mới sáng tạo... nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Trong kế hoạch này cũng cụ thể việc các doanh nghiệp thi đua đổi mới quản lý, quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như từng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cụ thể; tăng doanh thu, lợi nhuận; đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước theo tiến độ, kế hoạch đã đề ra…

Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/nhieu-hoat-dong-thuc-day-phong-trao-thi-dua-doanh-nghiep-thu-do-hoi-nhap-va-phat-trien-235872.html