29/03/2024 | 21:12 GMT+7, Hà Nội

Việt Nam: Hội nhập và phát triển bền vững trong đại dịch

Cập nhật lúc: 31/08/2020, 17:20

Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong việc kiểm soát dịch Covid-19 trong khi GDP 6 tháng đầu năm 2020 vẫn đạt mức tăng trưởng dương.

Từ đầu năm nay, diễn biến dịch bệnh Covid-19 vô cùng phức tạp đã làm đảo lộn tình hình thế giới với những thiệt hại to lớn về sức khỏe, sinh mạng con người, làm suy giảm nghiêm trọng về kinh tế… Với nhiều nỗ lực, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong việc kiểm soát dịch Covid-19 trong khi GDP 6 tháng đầu năm 2020 vẫn đạt mức tăng trưởng dương, đạt gần 2% và đặc biệt có nhiều hoạt động và sáng kiến quan trọng, kịp thời trên cương vị được giao tại các tổ chức quốc tế.

Hội nhập quốc tế toàn diện, chủ động

Việt Nam đã bước đầu đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch Hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA 41) và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), làm tốt cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ trong tháng 1/2020.

Đến nay, vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam được đánh giá cao trong việc tích cực điều phối các nỗ lực của các quốc gia Đông Nam Á và nhiều đối tác ứng phó hiệu quả với dịch Covid-19; Ủng hộ các sáng kiến của ASEAN về tăng cường hợp tác ứng phó đại dịch Covid-19.

Không chỉ là một trong những quốc gia được đánh giá đã kiểm soát dịch Covid-19 với mô hình chống hợp lý, hiệu quả, chi phí thấp, được Nhân dân đồng tình ủng hộ, trong khối ASEAN, Việt Nam đã có nhiều sáng kiến, đóng góp tích cực, thể hiện tốt vai trò đầu tàu dẫn dắt cùng vượt qua thách thức.

Đánh giá vai trò của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN, Lim Jock Hoi khẳng định Việt Nam đã làm được nhiều việc và "thể hiện tầm lãnh đạo mạnh mẽ trong việc dẫn đầu một phản ứng tập thể của khu vực trước đại dịch”.

Năm Chủ tịch ASEAN 2020 càng thêm có ý nghĩa khi sự kiện này đánh dấu cột mốc 25 năm Việt Nam bước vào mái nhà chung ASEAN (Ảnh: Reuters)

Việt Nam cũng đã khởi động các cuộc thảo luận về tầm nhìn ASEAN sau năm 2025. Đây là điều rất quan trọng, giúp ASEAN gắn kết và thích ứng tốt hơn trong tiến trình hội nhập khu vực, đồng thời thích nghi với trạng thái “bình thường mới” hiện nay và rút ra các bài học quan trọng.

Tổng Thư ký LHQ, ông Antonio Guterres khẳng định, Việt Nam đã luôn là đối tác mạnh mẽ của LHQ kể từ khi gia nhập tổ chức vào năm 1977 và luôn đi đầu trong thực hiện các mục tiêu phát triển của LHQ.

“Lực lượng Quân đội Việt Nam đang tham gia các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ; Vai trò đầu tàu trong việc đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ là nền tảng vững chắc giúp các bạn triển khai Chương trình Phát triển bền vững đến năm 2030. Tầm nhìn và khát vọng của các mục tiêu phát triển bền vững sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi chúng ta phục hồi sau đại dịch Covid-19. Đặc biệt, với tư cách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam đã và đang có những đóng góp quan trọng trong việc ủng hộ hòa bình bền vững”, Tổng Thư ký LHQ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, trước tình hình đại dịch diễn biến phức tạp, Việt Nam cũng đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao, hợp tác quốc tế với nhiều hình thức sáng tạo, linh hoạt; Hỗ trợ vật tư, trang thiết bị y tế cho 40 quốc gia, tổ chức. Từ tháng 2/2020 đến nay, đã có 30 hội nghị cấp cao trực tuyến, điện đàm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội với lãnh đạo các nước, những tổ chức quốc tế lớn, ASEAN, Tổ chức Y tế thế giới, G20, IPU, Phong trào không liên kết…

Giữ vững kinh tế, ổn định sản xuất

Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo kinh tế toàn cầu sẽ ở mức âm 3% và có thể phải trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái diễn ra vào những năm 1930.

Tuy nhiên, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đạt được mức tăng trưởng dương và chịu ảnh hưởng của dịch thấp hơn các nước khác. Mặc dù bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch nhưng với nền tảng vĩ mô tốt, kinh tế Việt Nam vẫn ổn định. GDP 6 tháng đầu năm 2020 vẫn đạt mức tăng trưởng dương, đạt gần 2%. Cán cân thương mại thặng dư gần 11 tỷ USD.

Sau những tháng đầu năm 2020 bị chững lại, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh trong các tháng vừa qua. Trong bảng xếp hạng sức khỏe tài chính 66 nền kinh tế mới nổi của The Economist hồi tháng 5/2020, Việt Nam đứng thứ 12, thuộc nhóm an toàn sau dịch Covid-19 nhờ các chỉ số tài chính ổn định. Bảng xếp hạng của tạp chí The Economist dựa trên 4 chỉ số sức mạnh tài chính, bao gồm nợ công, nợ nước ngoài, chi phí đi vay và dự trữ ngoại hối.

Sự hội nhập toàn diện, chủ động đã ghi lại những dấu ấn Việt Nam trên trường quốc tế, trong đó EVFTA là một dấu mốc mới trên hành trình hội nhập của nền kinh tế Việt Nam (Ảnh: AP/ Hau Dinh)

Tiếp theo phê chuẩn của Nghị viện Châu Âu (EP), ngay đầu tháng 6/2020, Quốc hội Việt Nam, đã phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA).

Việc Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, cùng với thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các Hiệp định FTA khác, đang mở ra những cơ hội thị trường to lớn, sẽ là bước đột phá rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam; Giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng nước ta vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Việc mở rộng thị trường xuất khẩu được coi như là một chiến lược dài hạn nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu và cạnh tranh. Từ đó sẽ tạo thêm lực đẩy cho kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh, vượt lên mạnh mẽ sau đại dịch và những thập niên tới đây. Tờ Nikkei Asia Review cho biết, EVFTA đưa Việt Nam trở thành quốc gia Đông Nam Á thứ hai (sau Singapore) có hiệp định thương mại như vậy với Liên minh Châu Âu (EU).

Hãng tin Đức DPA bình luận về những lợi ích từ việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan mà EVFTA mang lại cho doanh nghiệp hai bên, đồng thời cho biết Việt Nam dự tính thỏa thuận sẽ giúp tăng 44% kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU vào năm 2030.