Giảm giấy tờ là những kỳ vọng lớn nhất của doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ số
Cập nhật lúc: 16/04/2021, 17:00
Cập nhật lúc: 16/04/2021, 17:00
Phát biểu tại “Diễn đàn Kinh tế số và Thương mại điện tử" do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức, TS Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, xu hướng kinh tế số đang gia tăng chóng mặt, nhất là ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Kinh tế số đáp ứng ược xu hướng phát triển bền vững gắn với trách nhiệm xã hội, tạo nên những trải nghiệm hấp dẫn qua cách thức giao diện mới.
Theo đó, kinh tế số và thương mại điện tử đang định hình lại phương thức sản xuất kinh doanh khi nó tạo ra nhiều lĩnh vực mới, làm mờ ranh giời giữa các ngành truyền thống, thông minh hóa quy trình sản xuất và tối ưu hóa chuỗi giá trị. Cùng với đó, kinh tế số và thương mại điện tử cũng tạo đột phá trong nâng cao khả năng và chất lượng quản trị.
Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến văn hóa và chiến lược kinh doanh số, gắn kết và tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng, tối ưu quy trình, công nghệ hóa cũng như lưu ý khâu phân tích bảo quản dữ liệu, ông Thành khuyến nghị.
Còn theo TS Lương Minh Huân - Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI), Covid-19 là cú huých trăm năm để doanh nghiệp nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và yêu cầu cấp bách hơn nữa trong chuyển đổi số.
Dẫn chứng về vai trò của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp, ông Huân cho hay, trong một thống kê mới đây cho thấy, các doanh nghiệp đã bắt đầu nhận thức được việc ứng dụng công nghệ số là 50.9%.
Tuy nhiên tỷ lệ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số kể từ khi có Covid-19 tăng mạnh, trong đó các doanh nghiệp lớn là 65.7%, doanh nghiệp nhỏ và vừa là 42.4%. Bên cạnh đó, chỉ có khoảng 2% số doanh nghiệp không kỳ vọng vào chuyển đổi số. Đáng lưu ý là các doanh nghiệp lớn thì kỳ vọng nhiều hơn vào công nghệ số còn doanh nghiệp nhỏ và vừa ít "quan tâm" hơn.
Theo ông Huân, việc giảm chi phí, giảm giấy tờ là những kỳ vọng lớn nhất của doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ số. Vì vậy, trách nhiệm của doanh nghiệp là phải đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số, hướng tới các mục tiêu sáng tạo, bền vững.
Cùng với đó doanh nghiệp phải hướng đến đổi mới tổ chức trên nền tảng văn hóa sáng tạo và sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng từ bỏ các mô hình kinh doanh truyền thống để thiết lập mô hình kinh doanh mới, sáng tạo..., ông Huân nhấn mạnh.
Nguồn: https://congluan.vn/giam-giay-to-la-nhung-ky-vong-lon-nhat-cua-doanh-nghiep-trong-viec-ung-dung-cong-nghe-so-post128240.html
07:00, 05/03/2021
09:06, 03/01/2021
17:44, 26/11/2020
14:30, 26/11/2020
15:00, 11/01/2019