23/11/2024 | 16:41 GMT+7, Hà Nội

Phát triển kinh tế số: Cần bảo đảm môi trường an toàn, an ninh mạng

Cập nhật lúc: 26/11/2020, 14:30

Đây là một trong những giải pháp được đưa ra để thảo luận tại hội thảo “Phát triển kinh tế số Việt Nam trong thời kỳ hậu COVID-19: Một số yêu cầu và lộ trình cải cách thể chế" do viện Nghiên cứu QLKT TW (CIEM) tổ chức.

Thế giới đang chứng kiến những chuyển biến nhanh như vũ bão của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 - xuất phát từ đột phá trên nhiều lĩnh vực, trong đó có làn sóng số hóa của lĩnh vực sản xuất. Nhận thức được tầm quan trọng đó, nhiều nước đã quan tâm và cụ thể hóa các ưu tiên phát triển KTS. Chẳng hạn, các lãnh đạo của G20 đã thông qua Tuyên bố Osaka vào tháng 6/2019 nhằm thúc đẩy sự phát triển của KTS. Ủy ban Kinh tế APEC đã thông qua báo cáo Chính sách kinh tế năm 2019, tập trung vào các nội dung cải cách cơ cấu nhằm phát triển KTS. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các nước càng đẩy nhanh tiếp cận và phát triển KTS, coi đây là một động lực quan trọng cho phục hồi kinh tế.

Với bối cảnh tại Việt Nam, Đảng và Chính phủ đều đã dành nhiều sự quan tâm đối với cuộc CMCN 4.0 nói chung và Kinh tế số nói riêng thông qua việc ban hành hàng loạt chủ trương, chính sách và chương trình hành động như Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/05/2019, Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 và Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2020. Sự quan tâm của Nhà nước là đúng đắn bởi dù Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, không nhất thiết Việt Nam phải đi sau trong phát triển kinh tế số. Tuy vậy, hệ thống các văn bản pháp luật hiện nay của Việt Nam còn chậm cải thiện và chưa thực sự mở đường cho kinh tế số phát triển. Do vậy, cải cách thể chế là một yêu cầu cấp thiết để hỗ trợ cho công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam diễn ra thuận lợi và thành công.

Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảhh: D.L

Tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết: báo cáo “Phát triển kinh tế số ở Việt Nam trong thời kỳ hậu COVID-19: Một số yêu cầu và lộ trình cải cách thể chế” hướng tới mục tiêu tổng thể là xác định các yêu cầu và điều kiện cải cách thể chế nhằm phát triển KTS ở Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0, nhấn mạnh đến giai đoạn hậu COVID-19, trên cơ sở đó đề xuất lộ trình thực thi trong thời gian tới. Việt Nam đã thể hiện tinh thần cầu thị, ham học hỏi, nỗ lực tạo hành lang pháp lý thúc đẩy KTS phát triển. Quá trình hoạch định chính sách cũng như thực tiễn phát triển KTS của Việt Nam về cơ bản trong tư duy phát triển thể hiện sự nhất quán với kinh nghiệm quốc tế. Thứ nhất, hành lang chính sách phát triển KTS được xây dựng và hoàn thiện theo hướng mở, hỗ trợ doanh nghiệp. Thứ hai, Chính phủ nói riêng và khu vực kinh tế nhà nước nói chung đã giữ vai trò động lực quan trọng trong thúc đẩy phát triển KTS phát triển. Thứ ba, quyết tâm chuyển đổi số, cũng như tinh thần đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp được thể hiện khá rõ nét.

Ngoài ra, ông Dương cho rằng: để hướng tới phát triển KTS trong thời gian tới, Việt Nam cần cân nhắc một số nhóm giải pháp như: bảo đảm môi trường an toàn, an ninh mạng song song với tạo thuận lợi cho KTS, hoàn thiện chính sách cạnh tranh đối với KTS, bổ sung, sửa đổi các quy định về thuế để điều chỉnh các hoạt động trên nền tảng số, tăng cường hiệu lực bảo hộ sở hữu trí tuệ, đặc biệt gắn với thực hiện các FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA)...

Các đại biểu tham dự Hội thảo đều đồng quan điểm rằng, để đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững cần phải có những kịch bản, lộ trình, giải pháp hỗ trợ đồng bộ và nỗ lực từ cả doanh nghiệp và nhà nước, trong đó có việc tạo ra các hành lang pháp lý thuận lợi kèm theo các tài liệu quy phạm phù hợp với nền kinh tế số, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, trang bị các giải pháp công nghệ kỹ thuật số hiện đại, đưa ra chính sách ưu đãi thuế đối với hoạt động đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và bảo mật thông tin. Lấy doanh nghiệp làm trung tâm; thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số. Có cơ chế, chính sách kinh tế, tài chính khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ…

Bảo đảm môi trường an toàn, an ninh mạng song song với tạo thuận lợi cho KTS. Ảnh minh họa

TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh: " Phát triển kinh tế số cần phải bao trùm để mọi người dân được hưởng thành quả của kinh tế số. Không một ai bị bỏ lại phía sau. Vì vậy, phát triển kinh tế số cần tính đến đi đôi với những chính sách an sinh xã hội, giáo dục và đào tạo để giúp cho nhóm yếu thế trong xã hội có điều kiện và cơ hội tiếp cận những thành tựu của nền kinh tế số. Cùng với đó phải triển khai nhanh và quyết liệt ngay từ thời điểm này. Đặc biệt, sự phát triển kinh tế số đặt ra những thách thức về an toàn, an ninh mạng, bảo vệ thông tin quốc gia và của người dân. Xây dựng Luật để hạn chế những tác động tiêu cực của các vụ tấn công, lấy cắp thông tin mạng, tin tức giả.v.v. là quan trọng và cần thiết".

Theo nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore), kinh tế số của Việt Nam đạt 3 tỷ USD vào năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD vào năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Còn theo một nghiên cứu khác của Tổ chức Data 61 thì GDP của Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm nếu chúng ta chuyển đổi số thành công. Tuy nhiên, để hiện thực được điều đó có rất nhiều thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức đan xen.