19/01/2025 | 10:15 GMT+7, Hà Nội

Asia Times: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng dương bất chấp đại dịch

Cập nhật lúc: 25/11/2020, 09:50

Asia Times đánh giá thành công của Việt Nam có phần đáng ngạc nhiên, khi chính phủ nước này luôn khẳng định không đặt vấn đề phục hồi kinh tế lên trên sức khỏe cộng đồng.

Mạng tin Asia Times vừa đăng bài viết ghi nhận Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới đạt được mức tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020 bất chấp sự sụp đổ toàn cầu về thương mại, du lịch, đầu tư do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra, đồng thời chỉ ra những yếu tố quan trọng đứng sau thành công này của Việt Nam.

Bài viết của Asia Times đánh giá thành công trên của Việt Nam có phần đáng ngạc nhiên, khi chính phủ nước này luôn khẳng định không đặt vấn đề phục hồi kinh tế lên trên sức khỏe cộng đồng. Cách đây vài tháng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ, Việt Nam chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân.

Theo Asia Times, khả năng phục hồi của Việt Nam không chỉ khiến các nước láng giềng Đông Nam Á nể phục mà còn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Tháng 10 vừa qua, Viện nghiên cứu Lowy (Australia) công bố Chỉ số quyền lực châu Á cho thấy hình ảnh quốc tế của Việt Nam được cải thiện tốt nhất ở châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2020, với số điểm về sức ảnh hưởng ngoại giao tăng 6 điểm phần trăm. Hồi đầu năm, Viện Lowy cho biết Việt Nam có mức tăng cao thứ 3 về danh tiếng quốc tế nhờ kiểm soát tốt đại dịchCOVID-19.

Một doanh nghiệp chế biến cá hộp xuất khẩu. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Bài viết cho rằng Việt Nam có một chút lợi thế hơn các nước láng giềng Đông Nam Á. Giống như Trung Quốc, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam được thúc đẩy bởi sản xuất và xuất khẩu, vốn dễ duy trì đà tăng trưởng hơn trong thời kỳ đại dịch so với các lĩnh vực phụ thuộc vào tiêu dùng nội địa.

Năm 2019, ngành dịch vụ chiếm 45% GDP của Việt Nam nhưng chỉ tăng trưởng 3,2% trong quý 1/2020, giảm từ mức 6,5% trong cùng kỳ năm ngoái.

Nền kinh tế Việt Nam cũng ít phụ thuộc hơn vào du lịch so với các nước Đông Nam Á khác khi chỉ chiếm 9% GDP trong năm 2018, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 32% của Campuchia và 20% của Thái Lan. Do đó, Việt Nam chịu ít áp lực hơn trước sự sụp đổ của ngành du lịch quốc tế.

Theo bài viết, Việt Nam bước vào năm 2020 với lợi thế hai năm liên tiếp nhận dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ. Đó là chưa kể việc Việt Nam vừa phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) và chủ trì lễ ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), giúp tăng trưởng kinh tế và thương mại.

Bài viết dẫn báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng “các bước đi mang tính quyết định của Việt Nam trong việc ngăn chặn tình trạng suy thoái kinh tế và sức khỏe từ dịch COVID-19” là động lực chính cho mức tăng trưởng kinh tế dương trong năm nay. Đây rõ ràng là sự ghi nhận đối với cách thức phản ứng nhanh và hiệu quả của Đảng và Nhà nước.

IMF dự báo GDP của Việt Nam trong năm 2020 sẽ tăng 2,4% và tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 với mức tăng trưởng 6,5% “khi hoạt động kinh tế trong và ngoài nước trở lại bình thường”. Trong 9 tháng đầu năm 2020, Việt Nam ghi nhận 21,2 tỉ USD đầu tư nước ngoài vào các dự án mới và rót vốn ra nước ngoài, tương đương khoảng 80% tổng vốn đầu tư mà Việt Nam nhận được so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều khoản đầu tư trong năm nay phải chờ đến năm 2021 hoặc muộn hơn mới được triển khai - điều này cũng cho thấy chỉ dấu phục hồi kinh tế ổn định.