22/11/2024 | 22:13 GMT+7, Hà Nội

Nhà đầu tư nước ngoài e ngại gì ở thị trường địa ốc Việt?

Cập nhật lúc: 17/09/2018, 07:21

Theo nhận định của giới chuyên gia quốc tế, thị trường bất động sản Việt Nam là một mảnh đất “màu mỡ” nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng vốn có. Bên cạnh đó, vấn đề về pháp lý được cho là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài e ngại ở thị trường địa ốc Việt Nam.

Sự khác biệt hệ thống pháp lý

Theo thống kê của tập đoàn CEN Group, năm 2017, Việt Nam ghi nhận khoảng 2.000 giao dịch là người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, trong đó có khoảng 10% đã được nhận nhà và làm thủ tục.

4 tháng đầu năm 2018, con số này cũng đã đạt khoảng 2.000 giao dịch, bằng cả năm 2017. Tuy nhiên, con số này được đánh giá là còn nhỏ bé so với tiềm năng của thị trường bất động sản trong nước.

Chia sẻ bên lề hội nghị Bất động sản Quốc tế IREC, ông Vinh Nguyễn, đạisứcủa Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hoa Kỳ tại Campuchia cho biết: Người Mỹ rất cẩn trọng khi đầu tư. Nhiều nhà đầu tư lớn chưa đầu tư vào Việt Nam vì Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản, trong đó, rào cản lớn nhất là vấn đề pháp lý.

Ví dụ, người nước ngoài đầu tư mua nhà ở Việt Nam, sau khi bán nhà, muốn chuyển tiền ra ngoài phải đáp ứng điều kiện như chấm dứt hoạt động đầu tư tại Việt Nam, giải thể, giảm vốn…(Khoản 1, Điều 9 Thông tư 19/2014), ngoại trừ trường hợp nhà đầu tư ấy không được cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc không tiếp tục thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam.

Ông Vinh Nguyễn, đại diện của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hoa Kỳ tại Campuchia

Ông Vinh Nguyễn, đại sứ của Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hoa Kỳ tại Campuchia (Thực hiện: Đức Anh)

Cùng quan điểm với ông Vinh Nguyễn, chuyên gia môi giới và tư vấn bất động sản người Mỹ, ông Furhad Waquad cho biết: “Việt Nam, Campuchia đã đạt mức tăng trưởng kinh tế vượt bậc trong vòng vài chục năm gần đây. Tuy vậy, do sự khác nhau về cách tổ chức chính quyền và hệ thống pháp lý mà nhiều người giàu phương Tây vẫn còn ngần ngại mua nhà ở hai nước này. Hiện nay, phần lớn là các nhà đầu tư vào Việt Nam và Campuchia là từ Trung Quốc và các nước châu Á”.

Cần gỡ bỏ “rào cản”

Theo Hiệp hội Bất động sản Quốc gia Mỹ, có những trường hợp các dự án của nhà đầu tư nước ngoài không kịp triển khai theo kế hoạch vì sự chồng chéo thủ tục pháp lý ở Việt Nam. Dưới góc nhìn của số đông các chuyên gia quốc tế, cần gỡ bỏ "rào cản" về pháp lý thì Việt Nam mới có thể thu hút nhiều và đa dạng về nguồn vốn FDI.

Ông Furhad Waquad cho rằng, điều Việt Nam nên làm là tìm cách biến Việt Nam trở thành một địa điểm các nhà đầu tư nước ngoài có thể dễ dàng, nhanh chóng rót vốn và thu lợi nhuận mà không phải chịu các rào cản về thuế và pháp lý.

Vị chuyên gia người Mỹ nêu ví dụ về mộtvấn đề mà chính ông đã từng gặp khi xin visa sang Việt Nam: “Tôi kể cho bạn một chuyện xảy ra với chính tôi. Vì công việc nên tôi phải bay từ Campuchia sang Việt Nam. Tôi đến đại sứ quán của các bạn ở Phnôm Pênh để xin visa.

Trước đó, tôi đã thuê công ty tư nhân viết một bức thư xin visa cho tôi, nhưng ngay cả khi có bức thư đó trong tay, tôi vẫn phải chờ tận hai tiếng để được đóng dấu xác nhận sau khi nộp đầy đủ giấy tờ và lệ phí. Các bạn nên tìm cách đơn giản hóa từ những thủ tục đơn giản nhất như việc xin visa. Đây là một trong những cách gây ấn tượng với nhà đầu tư nước ngoài để thu hút được nguồn vốn của họ.”

Ông Graeme Latta - chuyên gia môi giới bất động sản Công ty Show Vegas Realty

Ông Graeme Latta - chuyên gia môi giới bất động sản Công ty Show Vegas Realty

Mặt khác, các chuyên gia quốc tế cũng cho rằng, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển ngành bất động sản thông qua du lịch.

Lấy ví dụ về một thành phố du lịch, ông Graeme Latta - chuyên gia môi giới bất động sản thuộc Công ty Show Vegas Realty (Mỹ) cho biết: Las Vegas trở thành biểu tượng của một thành phố du lịch nhờ ngành công nghiệp đánh bạc và giải trí của mình. Hiện có đến 1 triệu khách du lịch đến thăm Las Vegas hằng ngày.

Chính quyền Nevada cũng đưa ra nhiều chính sách để khuyến khích đầu tư vào bất động sản nơi đây. Chẳng hạn, khách du lịch hay doanh nghiệp nước ngoài muốn xây một khách sạn ở Las Vegas thì chính quyền Nevada sẽ đứng ra giúp đỡ về pháp luật, về vay vốn.

Đổi lại, chính quyền Nevada sẽ dùng số tiền thuế khổng lồ thu được từ các sòng bạc, khách sạn,… cho việc phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ công mà không cần người dân bản địa đóng thuế.

Chính vì thế, càng có thêm nhiều người đến với Las Vegas, đến sòng bạc, khách sạn, thì Nevada càng có thêm khách hàng, chính quyền có thêm tiền thuế. Nếu Việt Nam xây dựng hệ thống pháp lý thông thoáng hơn sẽ khai thác được hết tiềm năng của các thành phố du lịch tương tự như vậy”.

Thông qua những đánh giá của các chuyên gia bất động sản quốc tế, thị trường bất động sản Việt Nam cần phải nhìn nhận lại “điểm yếu” của mình để xây dựng một hệ thống chính sách, pháp lý bền vững và mở cửa hơn, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản Việt Nam vươn tầm quốc tế.