22/11/2024 | 12:31 GMT+7, Hà Nội

TP.HCM: Vì sao thị trường khu Đông tăng trưởng thần kỳ, vượt mặt khu Nam?

Cập nhật lúc: 08/08/2018, 03:01

Thị trường bất động sản ở khu Đông TP.HCM đã có những bước tăng trưởng thần kỳ, vượt qua các khu vực Nam thành phố.

Từ một vùng đất đầm lầy, hoang vu, khu Nam Sài Gòn bao gồm quận 7, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, đã chuyển mình nhanh chóng. Toàn khu Nam giờ là phố thị sầm uất, văn minh, tấp nập người qua lại, các khu biệt thự cũng dần hình thành và phát triển.

Với nhiều tiềm năng sẵn có, nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn khu Nam để xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo đó, Khu chế xuất Tân Thuận, Đại lộ Nguyễn Văn Linh, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Khu công nghiệp Hiệp Phước, Long Hậu, Cảng Container Trung Tâm Sài Gòn (SPCT),… lần lượt ra đời.

Sau khi cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, cầu nối giữa khu Nam với trung tâm thành phố được hình thành, những khu dân cư mới xuất hiện, rồi các công trình lớn lần lượt được đầu tư.

Qua thời gian, khu Nam TP.HCM được xem là tâm điểm về quy mô thị trường, giá cả lẫn sự hấp dẫn người ở. Các chuyên gia đã từng đánh giá, khu Nam TP.HCM được xem là khu đô thị tiêu biểu không chỉ ở riêng TP.HCM, mà còn của cả nước. Đây là khu đô thị tiêu biểu cho tư duy phát triển đô thị hiện đại, có chất lượng sống tốt và năng lực cạnh tranh mạnh mẽ.

Tuy nhiên, thời gian gần đây khu Nam đã phải đối mặt với nhiều áp lực không giải quyết được, khiến thị trường bất động sản trầm lắng hơn và nhường vị trí thượng phong cho khu vực phía Đông thành phố.

Khu Đông Sài Gòn phát triển vượt bậc

Thị trường bất động sản khu Đông phát triển vượt bậc

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, ở thời điểm hiện nay, khu Đông có sự tăng trưởng gấp 3-4 lần so với khu Nam. Xét về nguồn hàng và giá trị vốn hóa, theo khảo sát của nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, khu Đông luôn chiếm gần 50% nguồn cung toàn thị trường. Còn Khu Nam đã từng dẫn đầu, nhưng trong vài năm trở lại đây, nguồn cung chỉ chiếm trung bình 25%.

Theo thống kê từ năm 2015 đến nay, ở khu Đông thành phố có ít nhất 300.000m2 sàn thương mại mới là khối đế của hàng loạt dự án nhà ở đi vào hoạt động.

Còn đối với khu Nam, tính đến cuối năm 2017, chỉ có thêm khoảng 80.000m2 mặt bằng mua sắm, chủ yếu đến từ cụm khối đế bán lẻ của các dự án căn hộ cao tầng. Bên cạnh đó, giá cả và sự hấp dẫn đối với giới đầu tư lẫn người mua, bất động sản khu Đông cũng đang có sự vượt trội hơn so với khu Nam.

Cũng dễ hiểu, hiện nay khu Đông có đến khoảng 400 dự án bất động sản, gồm cả các dự án có quy mô lớn lẫn dự án có quy mô vừa phải, tuy nhiên, các chủ đầu tư đã “lượng sức” mình, họ có đủ năng lực nên dự án được triển khai phát triển rầm rộ. Còn ở khu Nam, số lượng dự án ít hơn và nhiều dự án có quy mô lớn nhưng nhà đầu tư không đủ năng lực để triển khai, do đó đã xuất hiện nhiều dự án “treo”.

Ngoài ra, xét theo yếu tố thị trường và nhu cầu sử dụng, khu Đông phát triển bất động sản nghiêng về thương mại dịch vụ, còn khu Nam là khu vực có mục tiêu phát triển nhà để ở, cho nên khu vực nào nghiêng về thương mại dịch vụ sẽ nắm bắt thời cơ, có sức hấp dẫn và được ưa chuộng hơn so với lĩnh vực bất động sản nhà ở.

Bên cạnh đó, nếu tính về sự phát triển dài lâu, khu Đông sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn so với khu Nam về cả vị trí địa lý đến đời sống dân cư.

Bởi khu Nam đang xảy ra tình trạng quá tải về cơ sở hạ tầng, dân số ngày càng gia tăng, trong khi quỹ đất để mở rộng đô thị và các trục đường thì không thể tăng lên được, nên tình trạng kẹt xe ngày diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Còn khu Đông được xem là vị trí cửa ngõ phát triển liên vùng từ TP.HCM đi các tỉnh Đông Nam Bộ, với độ cao cốt san nền vượt trội, nền đất cứng, nên rất phù hợp để phát triển đô thị vì ít tốn kém chi phí xây dựng.

Đồng thời, khu Đông có quỹ đất lớn, được triển khai sau nên quy hoạch đồng bộ hơn các khu vực khác và đặc biệt hơn cả là diện mạo đang thay đổi từng ngày để xứng đáng với “danh hiệu” trung tâm tri thức và công nghệ cao của TP.HCM.

Mặt khác, việc xây dựng tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, dự án cầu Sài Gòn 2, hầm Thủ Thiêm và việc khởi công xây dựng tuyến tàu điện metro đầu tiên đã thúc đẩy sự phát triển bất động sản của trục đô thịở khu vực này.

Chính vì vậy mà rất nhiều nhà phát triển bất động sản lớn và nhỏ đều đồng loạt tiến về khu Đông để đầu tư. Đồng thời, hiện nay nhiều người từng sinh sống ở khu Nam có xu hướng chuyển sang khu Đông để mua nhà sinh sống.

Theo nhận định về xu hướng, sự phát triển của khu Đông sẽ tiếp tục vượt xa so với khu Nam trong tương lai.