TPHCM: Vì sao đất nền khu Đông bỗng dưng "bớt sốt"?
Cập nhật lúc: 04/08/2018, 09:01
Cập nhật lúc: 04/08/2018, 09:01
Theo đó, khu Đông TPHCM (bao gồm các quận 2, 9 và Thủ Đức) vốn đang được xem là khu vực “nóng” về đất đai với cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh, sự xuất hiện của nhiều đại gia địa ốc cùng các dự án quy mô lớn.
Theo đánh giá của DKRA Việt Nam, những quý đầu năm 2018, khu Đông TP.HCM tiếp tục dẫn đầu về phân khúc đất nền. Cụ thể, chiếm 52% nguồn cung và 62% lượng tiêu thụ của toàn thị trường, tỷ lệ tiêu thụ đạt 100%. Cùng với đó, đất nền các địa bàn quận 2, 9, Thủ Đức luôn luôn trong tình trạng “cháy” hàng.
Chỉ tính riêng khu vực quận 2, giá đất đã tăng 15 - 20% so với quý trước. DKRA Việt Nam cũng cho biết, đây chính là nguyên nhân khiến thanh khoản và giá đất nền tại địa bàn này có sự biến động mạnh mẽ.
Tuy nhiên, hiện nay các điểm giao dịch “nóng” tại khu Đông khá trầm lắng so với những quý trước. Số lượng các sàn giao dịch đang hoạt động không nhiều, lượng giao dịch thành công tại các sàn vẫn thấp hơn khá nhiều so với thời điểm quý II/2018. Đất nền phân lô là sản phẩm “hiếm”, rất ít sàn có để giao dịch. Các sản phẩm giao dịch chủ yếu là biệt thự, căn hộ và nhà phố.
Thông tin từ các sàn giao dịch, sở dĩ việc giao dịch đất nền phân lô tại khu Đông giảm nhiệt phần lớn có nguyên nhân từ việc thị trường này không có nhiều nguồn hàng mới.
Việc tìm được nguồn hàng để phân phối ở khu vực này hiện rất khó. Bên cạnh đó, số lượng nhà đầu tư tìm mua đất nền khu Đông không có nhiều, số lượng sản phẩm chào bán cũng không đáng kể.
Hiện chỉ có vài dự án đất nền có kế hoạch chào bán trong các tháng cuối năm và cũng chỉ vài dự án có quy mô trên 100 - 200 nền.
Một số dự án nổi bật như: dự án đất nền phân lô Super Star của Đại Phúc Land; dự án Đông Thăng Long Garden (phường Trường Thạnh, quận 9) của Công ty Địa ốc Thăng Long Real; dự án Symbio Garden của DRH, ngoài ra chỉ còn vài chục dự án đất nền nhỏ ở Long Trường, Phú Hữu...
Theo số liệu thống kê, TP.HCM chỉ có khoảng 5 dự án đất nền bao gồm dự án mới và giai đoạn tiếp theo của dự án trước đó cung ứng ra thị trường khoảng 483 nền. Nguồn cung khu Đông sụt giảm mạnh, chỉ còn khoảng 18% với 87 nền chào bán,giảm mạnh so với nguồn cung cùng kỳ 2017.
Hiện nay, chỉ có những dự án đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý, có sổ riêng hoặc đã có biên nhận ra sổ hồng chủ đầu tư đưa ra giao dịch.
Còn doanh nghiệp sở hữu dự án quy mô nhỏ và chưa đủ điều kiện pháp lý thì vẫn trong tình trạng “bất động”, vì vậy, ngày càng ít sản phẩm mới giao dịch trên thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, dù đã qua giai đoạn cao điểm nhưng giá đất tại khu vực này vẫn rất cao. Nhiều chủ dự án đã tự điều chỉnh giá bán xuống từ 3 - 5 triệu đồng/m2 so với các đợt nóng sốt, nhưng so với giá bán các khu vực khác thì mức giá này vẫn cao hơn từ 20 - 30%.
Theo đánh giá, nguyên nhân một phần cũng do nhiều khách hàng tại khu Đông đã chọn hướng đầu tư đi các thị trường khác để phù hợp với điều kiện tài chính.
Bởi với giá đất hiện nay, những nhà đầu tư trung lưu và bình dân không đủ điều kiện tài chính để tiếp cận, nên đất khu vực này chỉ có thể lọt vào tầm tay của giới “nhà giàu”.
Nhiều nhà đầu tư đành phải chuyển hướng đi các thị trường khác để đầu tư cho phù hợp như huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, quận 12, hay các địa phương lân cận như Dĩ An, Thuận An, Bình Dương, Nhơn Trạch, Biên Hòa, Đồng Nai.
07:00, 30/07/2018
09:01, 27/07/2018
21:44, 18/07/2018
12:22, 18/07/2018
13:21, 15/07/2018