19/01/2025 | 06:58 GMT+7, Hà Nội

Nấm kim châm mang nhãn Việt có thực “Việt”?

Cập nhật lúc: 10/07/2017, 21:45

Kim châm là loại nấm ngon và bổ dưỡng rất được ưa chuộng tại Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, năng lực sản xuất của các nhà máy nấm kim châm trong nước đang còn rất hạn chế so với nhu cầu tiêu thụ. Vậy xuất xứ thật sự của những túi nấm kim châm mang nhãn hàng Việt mà bạn đang ăn hàng ngày là từ đâu?

Vào bất cứ một quán lẩu nướng nào hay một bữa cơm bình dân của bất cứ gia đình nào chúng ta cũng có thể bắt gặp nấm kim châm. Để mua được chúng thật dễ dàng. Chỉ với giá khoảng 15.000 – 25.000 đồng là đã có một túi nấm kim châm khoảng 150g trong siêu thị hay là chợ rau nhỏ. Xuất xứ được ghi trên bao bì thì đa dạng, từ Việt Nam, nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản hay thậm chí là Trung Quốc.  

Trong đó, những loại nấm có dán nhãn mác xuất xứ từ Việt Nam dường như được ưa chuộng nhất bởi cảm giác an toàn và tâm lý "người Việt dùng hàng Việt. Các loại nấm này, tất nhiên cũng có giá cao hơn khá nhiều so với nấm cùng loại từ Hàn Quốc hay Trung Quốc. 

Cụ thể, giá một gói nấm kim châm 200gram mang nhãn hiệu Việt đang bán tại hệ thống cửa hàng Sói Biển có giá gần 30.000 đồng (tương đương 150.000 đồng/kg) nhưng ở ngoài chợ dân sinh, với cùng trọng lượng nấm như vậy, người tiêu dùng chỉ phải bỏ ra số tiền 13.000 đồng. 

Nấm kim châm rất phổ biến tại các quán ăn lẩu, nướng hoặc tại mỗi gia đình. Ảnh: Việt Chinh

Nấm kim châm rất phổ biến tại các quán ăn lẩu, nướng hoặc tại mỗi gia đình. Ảnh: Việt Chinh

Bên cạnh đó, việc trồng nấm kim châm cũng không phải dễ dàng do kim châm là loài chỉ ưa xứ lạnh, yêu cầu cao về việc đảm bảo nhiệt độ, từ khâu nuôi trồng nấm đến khâu chế biến, bảo quản nên việc trồng loại nấm này ở Việt Nam là rất khó khăn. Nếu có trồng thì với kiểu sản xuất thủ công, manh mún, kỹ thuật chưa cao, dây chuyền công nghệ kém hiện đại như của ngành nấm Việt Nam hiện nay thì cũng không thể sản xuất ra sản lượng nhiều được.

Vậy nên khá nhiều người lo ngại rằng nấm kim châm mà họ đang sử dụng phải chăng là nấm nhập lậu giá rẻ tuồn về các chợ đầu mối và trá hình dưới tem nhãn Việt Nam?

Nấm kim châm bày trên các sạp rau tại chợ, không hề được bảo quản lạnh. Ảnh: internet

Nấm kim châm bày trên các sạp rau tại chợ, không hề được bảo quản lạnh trong khi các chuyên gia về nấm đều khẳng định nấm kim châm phải bảo quản ở  nhiệt độ dưới 10 độ C. Ảnh: internet

Cũng nhân cuộc tranh cãi nảy lửa về nguồn gốc nấm Việt giữa các nhà phân phối tại thị trường Việt Nam, Công ty TNHH Hai thành viên Thực phẩm Lý tưởng Việt Nam tổ chức chuyến thăm quan thực địa tại Nhà máy công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (Đốc Kính, Đốc Tín, Mỹ Đức, Hà Nội). Chuyến thăm quan có sự tham gia của đại diện các siêu thị, hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch, người tiêu dùng và một số phóng viên từ các cơ quan báo chí.

Nấm được sản xuất bằng công nghệ Nhật Bản tại Nhà máy TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (Mỹ Đức, Hà Nội). Ảnh: Việt Chinh

Nấm được sản xuất bằng công nghệ Nhật Bản tại Nhà máy TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (Mỹ Đức, Hà Nội). Ảnh: Việt Chinh

Bà Dương Thị Thu Huệ - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko chia sẻ: “Hiện nay năng suất của nhà máy mới chỉ đạt khoảng 700kg/ngày. Sản phẩm chỉ được phân phối đến các cửa hàng thực phẩm sạch và các hệ thống siêu thị lớn ở Việt Nam.

Như vậy, một nhà máy chuyên sản xuất nấm kim châm với công nghệ hiện đại nhất Việt Nam hiện nay cũng mới có thể sản xuất ra số lượng đó thì các nhà máy, cơ sở sản xuất với công nghệ cũ liệu có thể cho ra sản lượng được bao nhiêu trong khi nhu cầu tiêu thụ của cả nước chắc chắn không dừng lại ở con số nhỏ bé là 700 kg/ngày?

Nấm kim châm Việt Nam nhãn hiệu Kinoko được bán trong các hệ thống siêu thị

Nấm kim châm Việt Nam thương hiệu Kinoko được bán trong các hệ thống siêu thị

Nấm kim châm sản xuất ra trong nước không nhiều nhưng nấm kim châm mang nhãn hàng Việt thì vẫn tràn lan không lúc nào thiếu trên thị trường. Một câu hỏi lớn lại được đặt ra: Vậy có chắc là tất cả các sản phẩm nấm kim châm mang nhãn hàng Việt đều là nấm sản xuất tại Việt Nam? Và nếu không phải từ Việt Nam thì nguồn gốc, xuất xứ thực sự của nó là ở đâu?

Ông Nguyễn Hoàng Phương (người sáng lập hệ thống thực phẩm sạch Greener Việt Nam) trong chuyến đi thực địa cũng đã bày tỏ sự trăn trở: “Nấm sản xuất ở nhà máy tại Việt Nam là có thật. Nhưng số lượng không phải quá nhiều. Liệu khi nấm đến tay người tiêu dùng có còn 100% là nấm Việt với chất lượng ban đầu?

Thứ nhất, hoàn toàn có khả năng nấm mà người tiêu dùng Việt đang sử dụng bị trộn lẫn với nấm nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm mục đích trục lợi. Tuy nhiên, không phải cứ nghe đến nấm Trung Quốc là chúng ta sợ hãi. Vấn đề là cần sự trung thực về nguồn gốc của sản phẩm và sự khác biệt thật sự giữa nấm Việt và nấm Trung Quốc là như thế nào, có nguy hại gì với người tiêu dùng?

Thứ hai, từ nhà sản xuất đến nhà phân phối đến các điểm bán sản phẩm thì khâu bảo quản sản phẩm đã đảm bảo chưa? Câu chuyện về nấm còn rất nhiều câu hỏi mà chúng ta cần giải đáp.

Theo chỉ dẫn của nhà sản xuất thì sản phẩm nấm kim châm cần được bảo quản ở nhiệt độ từ 1-5 độ C.

Theo chỉ dẫn của nhà sản xuất thì sản phẩm nấm kim châm cần được bảo quản lạnh, có thể ở mức 1-5 độ C hoặc cao hơn nhưng thường chỉ tối đa là 10 độ C. Tuy nhiên, tại các khu chợ và nhiều cửa hàng thì nấm lại được để ở ngoài trời trong nhiều giờ, thậm chí là nhiều ngày mà không có biện pháp bảo quản lạnh nào.

Bên cạnh những trăn trở như vậy của nhiều người tiêu dùng thì có một số khách hàng lại bàng quan với vấn đề này. Anh Tuấn (Phạm Văn Đồng, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi không quan tâm lắm đến việc nó là nấm nước nào. Vì nấm chỉ là thứ ăn chơi, thỉnh thoảng ăn chứ đâu phải ngày nào cũng dùng nên tôi không thấy có vấn đề gì nghiêm trọng cả.

Kiên quyết hay bàng quan? Thái độ của người tiêu dùng cũng có thể là nguyên nhân và là động lực để giải quyết phần nào những vấn đề đang khúc mắc trên của thị trường nấm Việt Nam.