Thị trường nấm Việt - những câu hỏi khó trả lời
Cập nhật lúc: 07/07/2017, 10:32
Cập nhật lúc: 07/07/2017, 10:32
Là loại thực phẩm rất được ưa chuộng trong bữa ăn hàng ngày của các gia đình người Việt nhưng thời gian gần đây, người tiêu dùng ngày càng khó khăn hơn trong việc lựa chọn loại thực phẩm này cho gia đình.
Nấm dù là nguồn gốc nội địa hay nhập khẩu thì đều có mặt tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh nhỏ lẻ, cả siêu thị lớn với đa dạng mức giá và chủng loại.
Thời điểm hiện tại, giá nấm bán buôn tại một số chợ đầu mối tại Hà Nội và giá nấm gắn mác hàng Việt Nam bán trong các siêu thị chênh lệch nhau khá nhiều.
Nấm nhập khẩu ở các chợ đầu mối với số lượng lớn, nấm đẹp, bản quản ở nhiệt độ từ 1-5 độ C thì để được lâu từ 45-60 ngày. Trong khi đó nấm Việt Nam có giá xuất xưởng cao hơn nấm nhập khẩu khoảng 40.000 – 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên hình thức không được đẹp mắt, số lượng không nhiều và không thường xuyên, bảo quản ở nhiệt độ từ 1-5 độ C thì chỉ được 5-15 ngày.
Phóng viên đã ghi nhận về giá của một số loại nấm Việt Nam được bày bán trong các siêu thị lớn tại Hà Nội như Vin Mart: nấm Mỡ 281.000 đồng/ kg, nấm sò yến 100.000 đồng/kg, nấm đùi gà 129.000 đồng/kg. Tại Big C: nấm đùi gà 167.000 đồng/kg, nấm hỗn hợp 101.000 đồng/kg, nấm Yến 124.000 đồng/kg; tại Fivi Mart: nấm đùi gà 129.000/kg, nấm ngọc châm 169.000 đồng/kg.
Đáng lưu ý hơn, nấm tươi ngoài chợ thì được bày bán khắp nơi mà không có bất cứ biện pháp bảo quản lạnh nào trong khi trên bao bì sản phẩm nhà sản xuất luôn ghi rõ phải giữ trong nhiệt độ 1-5 độ C. Còn nấm khô thì được bán từng túi nhỏ, bán theo cân thậm chí chẳng có một tem nhãn nào thể hiện xuất xứ.
Khi được hỏi, chị H. (một tiểu thương tại chợ thực phẩm Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) tặc lưỡi: “Nấm nhập về nhiều một lúc, chia ra các túi nhỏ thì lấy đâu ra tem với mác. Mà trước giờ mọi người vẫn ăn thế, có làm sao đâu.”
Bên cạnh một bộ phận người tiêu dùng vẫn có tâm lý “khuất mắt trông coi”, dễ dàng mua hàng tại chợ nhưng bên cạnh đó, đại đa số khách hàng thấy lo lắng về xuất xứ của nấm nhập khẩu, đặc biệt là các loại nấm từ Trung Quốc, tràn lan với giá rẻ tại các chợ đầu mối.
Vậy nên, tâm lý chung của người tiêu dùng là đến các siêu thị lớn, cửa hàng thực phẩm sạch để mua nấm, ưu tiên chọn lựa nấm sản xuất trong nước để phần nào thấy yên tâm hơn về chất lượng và độ an toàn.
Tuy nhiên, nhiều người đang đặt ra câu hỏi: tất cả sản phẩm nấm mang xuất xứ Việt có thực sự “Việt” hay không ngay cả khi nó được bày bán trong các siêu thị lớn ?
Thực tế cho thấy, nền sản xuất nấm trong nước những năm gần đây đã phát triển sôi động hơn nhưng vẫn còn thủ công, manh mún. Cơ sở vật chất, trình độ kỹ thuật đều chưa thực sự cao nên sản lượng nấm không nhiều, không liên tục mà bấp bênh theo thời vụ, đi kèm là hình thức chưa được đẹp, bảo quản cũng ngắn hạn hơn, nhất là với một số loại nấm khó trồng như nấm kim châm, ngọc châm, đùi gà…
Ngay cả một nhà máy được coi là hiện đại và năng suất nhất Việt Nam với công nghệ hiện đại từ Nhật Bản như nhà máy công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (Đốc Kính, Đốc Tín, Mỹ Đức, Hà Nội) hiện nay cũng chỉ sản xuất được 700kg nấm kim châm/ngày.
Vậy nhưng trên thị trường, nấm mang nhãn Việt lại la liệt khắp các chợ, siêu thị. Điều này khiến chúng ta bắt buộc phải đặt ra câu hỏi có chắc chắn rằng 100% nấm mang nhãn Việt thực sự có “Việt”?
Có hay không việc trà trộn nấm nhập khẩu vào mác nấm Việt nhằm trục lợi? Và nếu như vậy thì thứ “nấm nhập khẩu” nếu được trà trộn nhằm mục đích trục lợi thì ắt hẳn không thể là nấm Hàn Quốc, nấm Nhật Bản mà sẽ là thứ nấm nhập lậu không rõ nguồn gốc?
Những câu hỏi khó trả lời này sẽ đẩy câu chuyện nấm Việt đi xa hơn. Không chỉ là việc nấm nào, khách hàng chọn gì mà đó còn là câu chuyện của sự cạnh tranh công bằng giữa các đơn vị sản xuất, phân phối nấm Việt Nam và sự trung thực với khách hàng, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
11:31, 13/05/2018
08:03, 01/07/2017
23:32, 09/05/2017
06:51, 09/05/2016