Rau an toàn phải đảm bảo những điều kiện gì?
Cập nhật lúc: 09/04/2017, 08:28
Cập nhật lúc: 09/04/2017, 08:28
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định, rau quả an toàn là loại rau củ đảm bảo các yêu cầu sau:
- Dư lượng của các hoá chất bảo vệ thực vật và sản phẩm phân huỷ bao gồm: thuốc trừ sâu, trừ bệnh, trừ ốc, trừ cỏ dại, tuyến trùng; hàm lượng đạm Nitorat (NO3-); hàm lượng kim loại nặng (Cu, Pb, Hg, As,...) phải đạt dưới mức cho phép đối với từng loại rau củ quả cụ thể.
- Sản phẩm rau quả phải được thu hoạch đúng lúc, phù hợp với yêu cầu của từng loại rau quả cụ thể như đúng độ già về kỹ thuật hay thương phẩm, không dập lát hư thối, không lẫn tạp chất, sâu bệnh....
- Đối với những loại rau quả dùng cho mục đích xuất khẩu phải tuân thủ những qui định cụ thể về chất lượng, mẫu mã, yêu cầu về kiểm dịch thực vật và các yêu cầu khác của từng nước nhập khẩu.
Có 4 yêu cầu cơ bản để sản xuất rau quả an toàn:
Thứ nhất, về đất trồng. Đất trồng rau quả an toàn không bị ảnh hưởng của các chất thải công nghiệp, chất thải của khu dân cư tập trung, bệnh viện, nghĩa trang, không nhiễm các hoá chất độc hại cho con người và môi trường.
Thứ hai, về phân bón cho rau quả an toàn. Người trồng chỉ được phép dùng phân xanh hoặc phân chuồng đã ủ hoai mục, tuyệt đối không được dùng phân hữu cơ còn tươi như phân bắc, phân chuồng, phân rác còn tươi... để tưới hoặc bón cho rau quả.
Cần sử dụng hợp lý và cân đối giữa các loại phân hữu cơ và vô cơ. Số lượng phân bón phải dựa trên qui trình qui định cho từng loại rau quả cụ thể, đặc biệt đối với rau ăn lá phải kết thúc bón đạm trước khi thu hoạch tối thiểu từ 12 đến 15 ngày.
Lưu ý, hạn chế tối đa việc sử dụng các chất kích thích và điều hoà sinh trưởng của cây trồng đối với rau quả an toàn.
Thứ ba, về nước tưới. Chỉ được phép dùng các nguồn nước từ giếng khoan, nước từ các sông suối không bị ô nhiễm các hoá chất độc hại và vi sinh vật gây bệnh.
Tuyệt đối không được dùng nước thải từ khu công nghiệp, thành phố, bệnh viện, khu đông dân cư, nước ao tù đọng, nước gần các nghĩa trang để tưới rau.
Thứ tư là về công tác phòng trừ sâu bệnh.
Người trồng cần áp dụng triệt để các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên nguyên tắc hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây lên, nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao, ít hoặc không độc hại cho con người và môi trường.
Ngoài ra, người trồng cũng cần lưu ý, đối với rau an toàn phải chọn giống tốt, cây giống phải đảm bảo an toàn về sâu bệnh trước khi đưa ra vườn sản xuất.
Đồng thời, cần vận dụng triệt để các biện pháp canh tác để góp phần hạn chế đến mức thấp nhất các điều kiện và nguồn phát sinh các loại dịch hại trên rau quả.
Chú ý thực hiện tốt các biện pháp luân canh, xen canh giữa các loại rau khác họ hoặc luân canh với lúa nước nhằm giảm thiểu thiệt hại do sâu bệnh gây lên.
Chỉ được phép dùng thuốc phòng trừ sâu bệnh khi thật cần thiết (sâu bệnh hại đến ngưỡng phòng trừ), tuyệt đối không được dùng các loại thuốc cấm và thuốc nằm trong danh mục hạn chế sử dụng ở Việt Nam để phun cho rau quả.
Chỉ được sử dụng các loại thuốc sinh học, thuốc thảo mộc, thuốc có độ độc thấp, nhanh phân huỷ, ít độc hại đến thiên địch có ích trên đồng ruộng... (thuốc nằm trong danh mục được phép sử dụng trên rau theo qui định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Phải tuân thủ nghiêm nghặt thời gian cách ly trước khi thu hoạch đối với với từng loại thuốc được qui định cụ thể trên bao bì. Tuyệt đối không được dấm ủ rau quả tươi bằng các hoá chất bảo vệ thực vật.
07:24, 05/03/2018
16:01, 21/05/2016
07:47, 21/05/2016