Thế chấp giấy tờ khi vay trả góp: Đừng đẩy cái khó cho dân
Cập nhật lúc: 08/07/2017, 01:48
Cập nhật lúc: 08/07/2017, 01:48
Anh Minh (Hàng Bài, Hà Nội) cho biết anh có vay 40 triệu đồng từ một công ty tài chính để mua xe máy trả góp trong vòng 1 năm.
Theo quy định, công ty sẽ giữ giấy tờ đăng ký gốc của xe cho đến khi khách hàng hoàn thành 100% nghĩa vụ thanh toán. Trong thời gian này, anh Minh và các khách hàng có khoản vay tương tự có thể sử dụng bản sao có xác nhận của ngân hàng.
Tại thời điểm mua và cho đến bây giờ là gần 8 tháng kể từ khi ký hợp đồng vay trả góp, anh Minh thấy quy định này hoàn toàn bình thường và phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, những ngày gần đây, khi dư luận rộ lên việc cảnh sát giao thông xử phạt người đi xe máy không có giấy tờ đăng ký bản gốc thì anh Minh cảm thấy khá lo lắng.
“Công việc của tôi phải đi lại ở ngoài đường rất nhiều, nếu cứ vài bữa lại bị cảnh sát phạt vì lỗi này thì chắc đi làm không đủ tiền nộp kho bạc mất”, vị khách hàng này tếu táo.
Không chỉ anh Minh mà nhiều người “cùng chung cảnh ngộ” khác cũng đang tỏ ra lo ngại trước quy định có phần kỳ lạ này khi mà Luật dân sự cho phép ngân hàng, công ty tài chính giữ giấy tờ đăng ký gốc như một tài sản thế chấp trong khi Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch đảm bảo lại viết ngược lại.
Cụ thể, Điều 320 Bộ luật Dân sự 2015 sửa đổi quy định về nghĩa vụ của bên thế chấp tài sản như sau: ”Giao giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác”
Còn Điều 20 Nghị định 11/2012/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm lại quy định bên thế chấp (người mua xe) được giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký xe trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực.
Trong đó, Nghị định 163 được phía Cảnh sát Giao thông sử dụng làm căn cứ xử phạt người tham gia giao thông không có đăng ký xe bản gốc còn Luật Dân sự được ngân hàng, công ty tài chính sử dụng làm căn cứ để giữ bản gốc đăng ký xe khi cho khách hàng vay mua ô tô, xe máy.
Theo luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn luật sư Hà Nội), việc ngân hàng, công ty tài chính giữ lại giấy tờ đăng ký ô tô, xe máy bản gốc của khách hàng khi cho vay mua những tài sản này là một biện pháp đúng luật nhằm đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của khách hàng, tránh rủi ro khi cho vay.
Trong khi đó, việc cảnh sát giao thông yêu cầu xuất trình giấy tờ đăng ký bản gốc nhằm mục đích thuận tiện cho việc xử lý phương tiện giao thông khi vi phạm cũng không phải là một yêu cầu vô lý nếu căn cứ theo Nghị định 163/2016.
Tuy nhiên, nếu so sánh giữa sự thuận tiện trong việc kiểm tra của cảnh sát giao thông và sự rủi ro mất vốn của ngân hàng, công ty tài chính thì có thể dễ dàng nhận thấy rủi ro của các ngân hàng, công ty tài chính đang ở mức độ cao hơn bởi nguy cơ khách hàng vay mua xe xong có thể sẽ mang cầm cố, sang tên tài sản đấy là hoàn toàn có thật.
“Nếu không được giữ giấy tờ gốc của xe, đồng thời khách hàng cũng không có một tài sản nào khác để thế chấp thì bên cho vay không khác gì “thả gà ra đuổi”, luật sư Nguyễn Danh Huế cho biết.
“Có thể nói một quy định về xuất trình giấy tờ gốc để thuận lợi cho cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ nhưng nó làm phát sinh rất nhiều vấn đề đối với các ngân hàng, công ty tài chính và cả người dân. Chính vì thế khi ban hành một chính sách hay các quy định mới thì các cơ quan chức năng cần cùng ngồi lại, tính toán thật kỹ các hệ lụy phát sinh và trên hết cần tính đến quyền và lợi ích của người dân, tránh việc đẩy cái khó cho người dân”, Luật sư Huế nhấn mạnh.
Cùng chung nhận định, một chuyên gia cao cấp của công ty tài chính cho biết, nếu vướng mắc này không sớm được giải quyết có thể khiến người dân lo ngại khi vay tiêu dùng để mua xe, vừa gây ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, vừa tác động xấu đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
06:31, 03/07/2017
11:20, 28/06/2017
20:26, 12/06/2017