Cho vay tiêu dùng “chui” ACS (5): Các đơn vị bán lẻ đang “tiếp tay” cho ACS?
Cập nhật lúc: 28/06/2017, 11:20
Cập nhật lúc: 28/06/2017, 11:20
Tại siêu thị điện máy Trần Anh địa chỉ 159 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội. Nhân viên quản lý bán hàng tại đây khẳng định ACS là một trong những đơn vị tài chính cho vay trả góp có uy tín.
“Chúng tôi đã bán hàng cùng ACS từ lâu không thấy xảy ra vấn đề gì. Khách hàng hoàn toàn yên tâm, vì chỉ những đơn vị có uy tín, thì một hệ thống siêu thị lớn như Trần Anh mới liên kết để bán hàng. Bên Trần Anh cũng đã bán hàng với ACS cho rất nhiều khách, chưa thấy ai phàn nàn về ACS cả”.
Khi được hỏi về việc ACS thực hiện hoạt động cho vay trả góp tại các cửa hàng, siêu thị khi chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, nhân viên quản lý một lần nữa khẳng định: “không có chuyện một đơn vị trả góp chưa được cấp phép được thực hiện việc bán hàng trả góp tại Trần Anh”.
Để củng cố cho quan điểm của mình, người quản lý ở siêu thị Trần Anh cho biết không chỉ riêng siêu thị này mà các cửa hàng, siêu thị khác như FPT Shop, Điện máy Xanh, MediaMart,… cũng đều có liên kết với ACS, khách hàng có thể dựa vào đấy để tin tưởng.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại nhiều cửa hàng, siêu thị điện máy khác trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Cụ thể, tại cửa hàng FPT Shop, địa chỉ số 20 Đông Các, Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội. Sau khi hỏi về việc trả góp sản phẩm qua ACS,các nhân viên bán hàng tại đây khẳng định ACS là một trong những đơn vị cho vay trả góp liên kết với FPT Shop từ lâu và còn khẳng định đây là đơn vị uy tín.
Nhân viên còn cho biết thêm, lãi suất của ACS đưa ra tại cửa hàng luôn là lãi suất “dễ chịu” so với các đơn vị cho vay trả góp khác. Nhưng một vướng một số bất cập là nhân viên “di động”, không túc trực tại cửa hàng và thủ tục thẩm định mất thời gian hơn các đơn vị khác.
Khi chúng tôi bày tỏ sự băn khoăn về việc ACS chưa được NHNN cấp phép hoạt động cho vay trả góp, nhân viên tại FPT Shop khẳng định khách hàng nên yên tâm vì ACS đã được cấp phép từ lâu, chứ không có chuyện là chưa được cấp phép.
Không chỉ riêng FPT Shop hay Trần Anh, việc các điểm bán lẻ, siêu thị điện máy khác như Media Mart, Home Center, Honda,.. sẵn sàng ký kết hợp tác và tạo điều kiện cho ACS ngang nhiên hoạt động công khai cho thấy sự lỏng lẻo trong khâu kiểm chứng thông tin của các đơn vị này.
Bên cạnh đó, cũng không loại trừ khả năng những tên tuổi lớn trong ngành bán lẻ đã “nhắm mắt làm ngơ” hoặc thậm chí là cố tình “tiếp tay” khi hợp tác với ACS nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao hơn so với các thương hiệu uy tín và được cấp phép đầy đủ như Home Credit, FE Credit,… bởi lẽ, ngay từ cái tên Công ty TNHH Thương mại ACS Việt Nam cũng cho thấy đây là một công ty thương mại chứ không phải công ty tài chính.
Theo danh sách các công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước công bố, cả nước hiện chỉ có 16 đơn vị được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, bao gồm các thương hiệu như FE Credit, HD Saison, Home Credit,… nhưng hoàn toàn không hề có tên ACS.
Trong khi đó, hoạt động của ACS lại khá đa dạng, bao gồm cho vay mua sắm trả góp, cho vay tín dụng và vay nóng trong ngày. Các hoạt động này đều trái pháp luật, “núp bóng” các tổ chức tín dụng nhưng được thực hiện khá công khai suốt nhiều năm trên diện rộng mà hoàn toàn không hề bị “tuýt còi” dù báo chí rất tích cực phản ánh vấn đề này.
Đây cũng là lý do khiến người tiêu dùng không khỏi băn khoăn về vai trò của cơ quan nhà nước trong việc quản lý thị trường tài chính tiêu dùng mà ở đây cụ thể là Cơ quan Thanh tra - Giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Cục quản lý cạnh tranh – Bộ Công thương.
05:08, 19/06/2017
13:06, 15/06/2017
20:26, 12/06/2017
13:20, 12/06/2017
05:12, 09/06/2017