18/01/2025 | 17:55 GMT+7, Hà Nội

Cho vay tiêu dùng “chui” ACS (2): Thông tin mập mờ, nhân viên “di động”

Cập nhật lúc: 12/06/2017, 13:20

Tự quảng bá khá ấn tượng với nhiều lời chào mời “có cánh” nhưng ACS không có website, không tư vấn thông tin cho khách hàng qua tổng đài và đường dây nóng, nhân viên ở các điểm bán hàng thường “di động” và chỉ xuất hiện khi có khách yêu cầu. Ngay cả khi gặp nhân viên, khách hàng cũng không được tư vấn gì nhiều, ngoại trừ việc lặp lại những bảng biểu lãi suất khá sơ sài.

Hoạt động mập mờ, khuất tất

Trong quá trình tìm hiểu về các dịch vụ của ACS, nhóm phóng viên gặp rất nhiều khó khăn khi các thông tin của công ty đều được “bảo mật” ở mức độ thái quá so với hoạt động của một công ty thông thường.

Cụ thể, hầu hết các thông tin về ACS mà chúng tôi tìm được đều là thông qua một đơn vị thứ 3 như hệ thống các siêu thị điện máy là đối tác của công ty này hoặc các website về trả góp như muahangtragop.com, vaytinchapnganhang.biz, taichinh.online,…

Trong khi đó, ACS, mặc dù tự quảng bá khá ấn tượng là “chính thức hoạt động từ năm 2008, được thành lập dưới hình thức liên doanh giữa ACS Capital Corporation và Aeon Thana Sinsap, Tập đoàn Aeon của Nhật, cùng các đối tác Việt Nam khác”, lại hoàn toàn không hề có bất kỳ website chính thức nào để cung cấp thông tin hay tương tác với khách hàng.

Không có website chính thức, hầu hết các thông tin về ACS đều được giới thiệu thông qua một đơn vị thứ 3.

Hình thức liên hệ dễ dàng nhất với ACS có lẽ là gọi điện thoại đến tổng đài (08) 3838.9999 của công ty này. Tuy nhiên, phóng viên phải gọi đến lần thứ 3 thì tổng đài của ACS mới có người nhấc máy dù trước đó tín hiệu đường truyền vẫn thông suốt, tổng đài cũng không báo các đường dây bận.

Đặc biệt, hoàn toàn trái ngược với sự niềm nở mà khách hàng dễ dàng nhận thấy ở hầu hết các nhân viên tổng đài thông thường, những người làm nhiệm vụ trực điện thoại ở ACS trả lời các câu hỏi rất nhát gừng và né tránh.

Ví dụ như khi được hỏi về địa chỉ website của công ty, chúng tôi nhận được câu trả lời “vui lòng gọi đến số….” để được tư vấn. Chỉ khi lặp lại câu hỏi về địa chỉ website rất nhiều lần, chúng tôi mới nhận được câu trả lời đầy e dè của người trực tổng đài: “Chúng tôi không có website”.

Còn khi hỏi về các điều khoản vay trả góp như lãi suất, thời gian vay,… thì tổng đài viên của ACS chỉ lặp đi lặp lại cùng một câu trả lời đã được “lập trình sẵn”: “Quý khách vui lòng đến các điểm giao dịch để được tư vấn trực tiếp”.

Nhân viên “di động”, “sợ” tư vấn  

Trong khi đó, không phải khách hàng cứ tới các siêu thị điện máy hay cửa hàng có liên kết mua trả góp với ACS là cũng có thể gặp được nhân viên ACS một cách dễ dàng.

Tại siêu thị điện máy Trần Anh, có địa chỉ tại tầng 2, TTTM Center Point, 85 Lê Văn Lương (Hà Nội), chúng tôi nhận thấy hầu hết các sản phẩm được bày bán đều có bảng niêm yết giá bán gốc và giá bán trả góp được thực hiện bởi các công ty như HD Saison, Home Credit và ACS.

Tuy nhiên, trong khi HD Saison, Home Credit đều có quầy phục vụ ngay tại siêu thị thì ACS lại hoàn toàn vắng bóng. Nếu khách hàng có nhu cầu mua trả góp sản phẩm qua ACS, nhân viên bán hàng tại siêu thị sẽ liên hệ qua điện thoại với ACS yêu cầu tư vấn viên tới siêu thị để thực hiện thủ tục vay mua cho khách.

Tại quầy hướng dẫn thủ tục thanh toán của siêu thị điện máy Trần Anh, tuy có quảng cáo của ACS nhưng không có nhân viên trực tại đây. Ảnh Hà Hoàng.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở đại lý xe máy Honda ở số 5 Nguyễn Khánh Toàn: Nhân viên tư vấn của ACS không hề có mặt, nếu muốn gặp, khách hàng sẽ phải chờ đợi khá lâu trong khi nhân viên của Honda tại điểm bán hàng này tìm mọi cách từ chối cung cấp bất kỳ thông tin nào liên quan đến dịch vụ trả góp qua ACS.

Ngay cả khi gặp được tư vấn viên của ACS tại một số điểm bán hàng như siêu thị điện máy HC hay Media Mart trên đường Phạm Văn Đồng thì chúng tôi cũng không được tư vấn gì nhiều, ngoại trừ việc lặp lại những bảng biểu lãi suất khá sơ sài và các yêu cầu về giấy tờ, thủ tục vay.

Biểu lãi suất, thủ tục vay mua trả góp của ACS tại cửa hàng xe máy Honda. Ảnh: Hà Hoàng.

Trong khi đấy, các công ty tài chính được cấp phép hoạt động chính thức tại Việt Nam như FE Credit, Home Credit hay HD Saison,… đều có website với đầy đủ thông tin, đặc biệt là thông tin về lãi suất, điều khoản trả góp dành cho khách hàng. Đặc biệt, các đơn vị này còn tạo các ứng dụng online để khách hàng tự tra cứu số tiền trả góp mỗi tháng và tổng tiền phải thanh toán nếu có nhu cầu sử dụng dịch vụ kể trên.