19/01/2025 | 07:19 GMT+7, Hà Nội

Trải nghiệm khó quên ở một nhà máy nấm

Cập nhật lúc: 08/07/2017, 08:52

Trước chuyến đi, chúng tôi háo hức được thăm quan quy trình chế biến, xử lý nấm bao nhiêu thì khi đến nơi, nhìn thấy cảnh nhà máy "vắng như chùa bà đanh", chúng tôi lại hụt hẫng bấy nhiêu. Bởi thay vì được tận mắt chứng kiến quá trình sản xuất nấm tại đây thì các bên liên quan lại tổ chức buổi thực tế giữa giờ công nhân nghỉ trưa khiến cho chuyến tham quan trở thành buổi giới thiệu... máy móc thiết bị.

Ngày 5/7, Công ty thực phẩm Lý tưởng Việt Nam – một đơn vị phân phối nấm tại Hà Nội đã tổ chức chuyến “Thăm quan thực địa nhà máy sản xuất nấm kim châm Công nghệ Nhật Bản” tới nhà máy của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao ở thôn Đốc Kính, xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức, Hà Nội cho gần 30 người là những người tiêu dùng, đại diện một số siêu thị và các nhà báo, phóng viên.

Phần lớn những người này là thành viên nhóm Tiêu dùng hữu cơ – một nhóm tự phát trên mạng xã hội facebook với cùng chung một mục tiêu là “Ăn sạch”.

Theo thông báo, 8h mọi người sẽ bắt đầu khởi hành nhưng thực tế đến 8h40 xe mới xuất phát.

Dự kiến 10h sẽ có mặt tại nhà máy, nhưng đường gập ghềnh, nhiều lúc vào những con đường nhỏ loanh quanh và thời tiết thì thất thường lúc mưa lúc nắng lại cộng thêm việc cả tài xế và người tổ chức chương trình tham quan, chị Vũ Hoài Thu, cũng là chủ công ty Thực phẩm Lý tưởng Việt Nam không nhớ đường nên cả đoàn cứ loay hoay mãi tới gần 11h mới đến nơi.

Nhà máy sản xuất nấm của Công ty Kinoko.

Ra đón chúng tôi là một phụ nữ đậm người có làn da màu mật của người lao động ngoài trời. Chị giới thiệu chị là Dương Thị Huệ, Giám đốc của Kiniko Thanh Cao. Kinoko tiếng Nhật là nấm, Thanh Cao là địa điểm đầu tiên công ty đặt chân tới để trồng nấm.

Theo lời giới thiệu, nhà máy sản xuất nấm của Công ty Kinoko được đầu tư trang thiết bị, công nghệ Nhật Bản hoàn toàn và mới được khánh thành ngày 30/4 vừa qua, sau 1 xây dựng năm với vốn đầu tư ban đầu là 3 triệu USD.

Theo chị Huệ, công suất tối đa của nhà máy này là 3 tấn nấm/ngày. Khách ký hợp đồng đến đâu thì sản xuất đến đấy, hiện Kiniko đang phân phối cho Công ty Thực phẩm Lý tưởng Việt Nam và 1 đơn vị khác trong TPHCM.

Tuy nhiên, điều đáng nói là khi chúng tôi đến thì cả nhà máy đang nằm im lìm vào lúc 11h trưa.

Giải thích nguyên nhân “vắng như chùa bà đanh”, chị Huệ cho biết: “Ở đây công nhân làm việc từ 6h sáng đến 10h trưa thôi, chiều làm từ 2h-4h, công việc vất vả nên thời gian làm ngắn.

Khi nghe chị Huệ giải thích như vậy chúng tôi bỗng hụt hẫng bởi thay vì được tận mắt chứng kiến quá trình sản xuất nấm tại đây thì các bên liên quan lại cố tình tổ chức buổi thực tế giữa giờ công nhân nghỉ trưa khiến cho chuyến tham quan trở thành buổi giới thiệu... máy móc thiết bị. 

Chị Dương Thị Huệ, Giám đốc Kinoko Thanh Cao giới thiệu về dây chuyền sản xuất.

Theo lời chị Huệ, ở phương thức trồng nấm truyền thống người dân thường trộn nguyện liệu rồi đóng vào túi nilong, sau khi thu hoạch nấm thì vứt toàn bộ túi đi, điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường.

Do đó, “Kinoko sử dụng toàn bộ chai lọ nhựa nhập khẩu từ Nhật Bản với độ tuổi sử dụng là 20 năm để chứa nguyên liệu sẽ giảm tác động của ngành này tới môi trường”, chị Huệ cho hay.

Chị Huệ chia sẻ, sau khi được hấp khử trùng ở nhiệt độ 100 độ C trong vòng 10h các lọ nấm đã được đóng nguyên liệu sẽ được đưa vào phòng làm lạnh, tiếp đến là phòng cấy giống cấy giống dung dịch trong 1h, công đoạn này chỉ cần 1 lao động

Sau đó, các lọ nấm được đưa sang phòng ươm. Khách thăm quan không được vào xem phòng giống bởi lý do là muốn vào thì phải mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang và khử trùng, rất lích kích.

Ở phía cửa ngoài của mỗi phòng đều có gắn các thiết bị điều chỉnh nhiệt, độ ẩm và báo động.

Bước vào phía trong khu sản xuất, chúng tôi chỉ gặp được 2 người, 1 người đàn ông Việt Nam và 1 người đàn ông Nhật. Chị Huệ cho hay chị mới phải đón vị giám đốc người Nhật này từ Hà Nội về để kiểm tra các thông số cho nấm.

Chúng tôi được chị Huệ dẫn tới phòng ươm sợi và phòng mà nấm đã lên cây. 

Những khay nấm đã được ươm giống đặt trong môi trường nhiều lạnh và ẩm.

Những khay nấm đã được ươm giống đặt trong môi trường nhiều lạnh và ẩm.

Sau khi nấm đã lên cây sẽ được chuyển sang một phòng khác với các yếu tố nhiệt độ và độ ẩm khác.

Sau khi nấm đã lên cây sẽ được chuyển sang một phòng khác với các yếu tố nhiệt độ và độ ẩm khác.

Những cây nấm bắt đầu nhú lên.

Những cây nấm bắt đầu nhú lên.

Nấm cùng được nuôi trồng trong 1 môi trường nhưng lại có sự phát triển khác biệt nhau rất nhiều.

Nấm cùng được nuôi trồng trong 1 môi trường nhưng lại có sự phát triển khác biệt nhau rất nhiều.

Sau đó là tới phòng đóng gói, ở đó cũng chẳng có ai, giống như chúng tôi đang lạc vào một bộ phim khám phá thành phố bỏ hoang nhiều năm, may mắn là không có mạng nhện hay bụi bám thành tầng.

Mọi thứ khiến tôi hụt hẫng, tôi không biết 3 triệu USD lớn ngần nào và xây dựng tốn kém hết bao nhiêu, nhưng không nhân công, không được nhìn cảnh làm việc khiến tôi thấy ở đây chỉ như 1 khu vực chuyên dùng để thăm quan…

Tại phòng đóng gói có bàn cân, có máy dập tem mác, có những bìa tem mác được giới thiệu là nhập từ Nhật Bản về, các loại thùng chứa phin - giấy, bao bì bọc nấm. Và chưa đầy 5 phút chúng tôi đã lướt qua được cả quá trình sản xuất, đóng gói, tất nhiên là chỉ qua lời kể của chị Huệ.

Được giới thiệu là Nhật Bản thì chúng tôi biết thế chứ có phải chuyên gia thẩm định hay đơn vị chuyên trách đâu mà xác nhận được đúng sai.

Lỗi của người tiêu dùng chúng tôi là vậy, buông bỏ trách nhiệm cho cơ quan quản lý, cho lương tâm của nhà sản xuất của người bán hàng. Tuy nhiên, nếu bắt chúng tôi phải am hiểu tất cả về những thứ chúng tôi mua về, ăn vào bụng, uống vào người thì chắc khi ấy thế giới không còn chiến tranh hay loạn lạc, ô nhiễm, khói bụi như ngày nay…

Bữa trưa, chúng tôi được mời lại ăn cơm, như kế hoạch. Cơm có xôi, có 1 chú gà ri luộc và nấm rắc thính cùng bát canh nấm kim châm.

Đúng là rất khác biệt. Nấm kim châm ở đây giòn, ngọt ăn không ngấy như nấm kim châm ở hàng quán bên ngoài hay mua ở chợ về. Và ở góc độ người tiêu dùng, tôi thực sự muốn thêm nhiều người khác nữa được biết đến hương vị nấm thực sự như thế này…

Tuy nhiên, khi được hỏi cách nào để phân biệt nấm Việt và nấm Trung Quốc, đặc biệt là với dòng nấm kim châm mà Kinoko đang sản xuất, chị Huệ chỉ cho hay để phân biệt thì những túi nấm có hình con nấm cười là của Kinoko còn với những loại nấm khác thì chị Huệ chưa rõ cách phân biệt.

Chúng tôi trở về địa điểm xuất phát, và sau cả một chuyến đi dài, tôi vẫn chưa hiểu cách phân biệt nấm Việt với nấm Trung Quốc ra sao...

Niềm tin của tôi vào các cơ sở sản xuất nấm Việt Nam dần lớn lên nhưng đi kèm với đó vẫn là lo ngại, với mức giá cao hơn sản phẩm truyền thống của thực phẩm sạch và an toàn, liệu chăng những sản phẩm kém chất lượng sẽ lợi dụng cơ hội ấy để len lỏi vào thị trường thực phẩm hiện nay.