19/01/2025 | 01:56 GMT+7, Hà Nội

Thị trường thực phẩm sạch (6): Rừng luật và… “luật rừng”

Cập nhật lúc: 05/06/2017, 09:42

“Những quy định về vấn đề An toàn thực phẩm của chúng ta nghiêm khắc nhưng chẳng xử được ai, rất khó khăn cho Cơ quan điều tra và cơ quan bảo vệ pháp luật”, ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Luật chồng luật, “nghiêm khắc nhưng chẳng xử được ai”

Pháp lệnh về Vệ sinh An toàn thực phẩm (VSATTP 2003), Nghị định 178/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015, Luật ATTP 2015,… và còn rất nhiều quy định pháp luật khác đã được Nhà nước ban hành nhằm đảm bảo hành lang pháp lý cho hoạt động của thị trường thực phẩm.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy những quy định này dường như vẫn chỉ dừng lại trên giấy tờ khi số vụ vi phạm vẫn tiếp tục tăng, hình thức vi phạm càng đa dạng và tinh vi.

Nếu như cả năm 2016, cả nước phát hiện hơn 50.000 vụ vi phạm an toàn thực phẩm, thì chỉ trong 4 tháng đầu năm 2017 tổng số vụ vi phạm đã lên tới 40.000 vụ.

Cũng theo thống kê, từ tháng 12/2016 - giữa tháng 5/2017 cả nước xảy ra 44 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm trên 1.000 người ngộ độc, trong đó 16 trường hợp tử vong. Và chỉ riêng trong tháng 5 đã xảy ra 15 vụ ngộ độc thực phẩm khiến 251 người nhiễm độc.

Ảnh minh họa.

Đáng nói, những đối tượng vi phạm nhiều nhất lại là người dân và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ do thiếu hiểu biết. Minh chứng cho điều này chính là những trường hợp xử phạt rau củ còn tồn dư chất hóa học nhưng đã được đưa vào lưu thông trong thị trường, khi truy hỏi ra người bán hàng mới ngơ ngác trả lời rằng họ không biết về quy định rau phun thuốc sâu, thuốc diệt cỏ xong thì phải bao nhiêu ngày mới được mang bán hay quy định chuồng trại phải cách xa nơi xử lý rác thải bao nhiêu,…

Chúng tôi chỉ nuôi trồng trong vườn nhà, để nhà ăn không hết thì mang bán chứ có kinh doanh gì đâu”, anh Hải - một người bán rau tại chợ Nghĩa Tân cho biết. 

Đó là tình trạng “luật nhiều nhưng thấm chẳng được bao nhiêu”. Nhưng đôi khi, biết luật, rõ luật rồi nhưng lực lượng chức năng cũng chỉ còn biết... đứng nhìn.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức (TPHCM) cho biết: “Hiện chợ nông sản Thủ Đức mặc dù đang thực hiện quy trình quản lý và truy xuất nguồn gốc thực phẩm nhưng chưa dám khẳng định tất cả rau, củ kinh doanh tại chợ đều an toàn. Bởi lẽ ban quản lý chợ không thể biết người trồng sử dụng phân bón gì, dùng thuốc bảo vệ thực vật ra sao”.

Chưa dừng lại ở đó, việc áp dụng luật lại đang chồng chéo và có những điều luật vừa thừa vừa thiếu. Bởi như bà Nguyễn Thị Kim Thoa - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hành chính - Hình sự - Bộ Tư Pháp chia sẻ, nếu cơ quan nhà nước muốn xử phạt thì phải căn cứ vào hậu quả để xử phạt, nhưng để đợi nhìn thấy hậu quả mới phạt thì phải chờ “30, 40 năm đối với lĩnh vực môi trường, còn với thực phẩm thì cả đời người."

Còn ở góc độ đánh giá về việc thực hiện chính sách, pháp luật ATTP, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng thể hiện sự băn khoăn về các vụ vi phạm VSATTP khi gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe thì xử lý như thế nào? Bởi hành vi vi phạm dẫn đến chết người thì rõ ràng rồi, nhưng nếu nói ảnh hưởng sức khỏe thì không có bằng chứng chứng minh mức độ ảnh hưởng để xử lý?

Ông Hiển nhận định: “Chúng ta quy định như thế thì rất nghiêm khắc nhưng chẳng xử được ai. Rất khó cho Cơ quan điều tra và cơ quan bảo vệ pháp luật

Tình trạng luật nhiều nhưng thiếu minh bạch về thông tin và sự trùng lặp của một số luật cũng như quy mô quy định quá rộng đã khiến người thi hành luật rơi vào tình huống “khó xử” mỗi khi sự việc vi phạm xảy ra. Và chính việc thừa nhưng vẫn thiếu này của luật đã dẫn đến tình trạng bệnh “nặng và nguy cấp” hơn cho thị trường thực phẩm hiện thời.

Rừng luật hay… “luật rừng”

Đối với các vi phạm về ATTP hiện tại đang có rất nhiều mức xử phạt tùy theo cấp độ nặng nhẹ của vi phạm. Theo Bộ luật Hình sự 2015, mức phạt trung bình từ 100 - 200 triệu, với những hành vi có mức độ vi phạm nghiêm trọng cao thì mức xử phạt này tăng từ 3-7 lần, ngoài ra còn có các hình thức xử phạt rút giấy phép, ngừng hoạt động, phạt tù,…

Nhưng một câu hỏi đặt ra là vì sao luật nhiều như vậy, chế tài xử phạt nặng đến vậy mà doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn vi phạm vẫn “từng ngày từng giờ gây mối nguy hại tới sức khỏe của mọi người?

Dù chế tài xử phạt rất nặng nhưng doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn ngang nhiên vi phạm (Ảnh minh họa.)

Còn nhớ, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tổ chức ngày 27/4/2016, trước những đánh giá của Thủ tướng Chính phủ về thực trạng mất an toàn của thị trường thực phẩm, nhiều đơn vị đã ngần ngại khi nói về vai trò, trách nhiệm của mình trong hệ thống quản lý.

Thực tế, số lượng các vụ vi phạm tăng lên một phần là do sự thiếu quan tâm, thiếu tập trung trong quản lý của các địa phương. Hầu hết các vụ vi phạm được phát hiện đều do báo chí hoặc cơ quan chức năng trung ương phát hiện.

Dù với lực lượng đông đảo tại mỗi tỉnh, huyện cho tới cấp địa phương nhưng dường như lực lượng chức năng vẫn “nhắm mắt làm thinh”, để cho những vi phạm về ATTP diễn ra. Có những đơn vị có hàng chục lò mổ sai phạm đang hoạt động từng ngày nhưng khi hỏi đến thì cán bộ cấp xã, cấp huyện lại tỏ ra ngơ ngác, vô can vì không nắm được con số, không được khai báo,…

Điều đáng nói, đây không phải tình trạng riêng lẻ của một địa phương mà đã trở thành vấn nạn chung khi chính những người quản lý cũng thừa nhận rằng chế tài xử phạt đã đủ nặng nhưng chưa quản lý được chất lượng thị trường.

Vào năm 2016, ông Cao Đức Phát - người đứng đầu Bộ trưởng Bộ NNPTNT khi đó đã phải nhấn mạnh rằng luật đã đủ mạnh nhưng “Vấn đề là có làm nghiêm hay không? Ngành nông nghiệp đang soạn thảo một nghị định sửa đổi nhiều nghị định và sẽ sớm trình chính phủ thông qua để tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm.

TS Nguyễn Thị Kim Thoa đã có lần chia sẻ: “Có thể ở nhiều chỗ, nhiều nơi làm tốt nhưng có những trường hợp nhân viên cán bộ kiểm dịch nhưng lại không hề thực thi đúng quy trình khi tiến hành kiểm dịch, chỉ ngồi một chỗ và đóng dấu đủ tiêu chuẩn, an toàn một cách máy móc, vô trách nhiệm”.

Vậy để thấy, đến chính những người làm luật cũng đã thừa nhận rằng các quy định xử phạt hiện đã đủ và thừa để kiểm soát tình trạng an toàn thực phẩm, tuy nhiên, nhiều đơn vị lại đang kiểm soát sự an toàn ấy bằng thái độ thờ ơ và “hoang mang về luật”.

Phải chăng, mặc dù có cả rừng luật nhưng lực lượng chức năng ở các địa phương lại đang dùng “luật rừng” và khiến cho căn bệnh của thị trường thực phẩm không thuyên giảm đi mà chỉ ngày một nặng thêm?