Luật sư nói gì về vụ khách hàng phản ánh Honda Việt Nam gian dối?
Cập nhật lúc: 21/04/2020, 14:56
Cập nhật lúc: 21/04/2020, 14:56
Như chúng tôi đã phản ánh từ trước về vụ khách hàng Nguyễn Mỹ Xuyên (trú tại Phường 2, Quận 8, TP HCM), phản ánh việc mua xe Honda City 1.5V-TOP sản xuất năm 2020, tại Showroom Honda ô tô Sài Gòn – Quận 7, thuộc Công ty Cổ phần Hợp tác và Đầu tư Thái Hưng (Nhà A, Khu chức năng số 4, Trung tâm thương mại ven sông Tân Phong, đường Nguyễn Văn Linh, phường Tân Phong, quận 7, TP HCM) nhưng khi nhận giấy tờ xe, khách hàng phát hiện chiếc xe được sản xuất năm 2019. Nhận thấy xe không đúng năm sản xuất như tư vấn và hợp đồng mua bán, chị Xuyên đã phản ánh tới đại lý Honda để giải quyết. Sau 3 lần làm việc, chị Xuyên không đồng ý với câu trả lời của lãnh đạo đại lý, vì trong tất cả các buổi làm việc, phía đại lý cho rằng mình không sai và giao xe đúng hợp đồng.
Bức xúc trước cách làm việc không rõ ràng, chị Xuyên đã gửi đơn tới cơ quan báo chí để phản ánh vụ việc nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo hồ sơ chị Xuyên cung cấp, trên Hợp đồng mua bán xe ô tô số 2002076/HĐMB, ngày 19/2/2020 thì chiếc xe ô tô Honda City 1.5V-TOP có số khung là RLHGM6669KY922188. Đồng thời trong hợp đồng ghi rõ chiếc xe được sản xuất năm 2020.
"Tôi đi lại làm việc 3 lần, cả 3 lần lãnh đạo bên đại lý đều nói họ làm đúng. Báo chí phản ánh, họ cho nhân viên sale gọi điện thương lượng đền bù. Trong khi đó Honda có cả một bộ phận truyền thông để xử lý và trả lời cho khách hàng, nhưng họ lại im lặng. Đó là một sự thiếu tôn trọng khách hàng", chị Xuyên cho biết.
Để phản ánh một cách khách quan, PV đã phỏng vấn Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số chuyên gia về xe ô tô. Căn cứ vào thông số số khung (VIN), các chuyên gia đều khẳng định chiếc xe được sản xuất năm 2019. Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng nhận định tương tự và có hướng dẫn chi tiết cách nhận biết năm sản xuất xe qua số khung.
Với mong muốn đảm bảo quyền lợi của khách hàng, làm rõ trách nhiệm của Honda Việt Nam trong việc quản lý các đại lý về quy trình bán hàng và giải quyết khiếu nại phản ánh của khách hàng. PV đã nhiều lần liên hệ với người phụ trách truyền thông của Honda Việt Nam, tuy nhiên thông tin PV nhận được chỉ là... sự “im lặng”.
Trước sự im lặng khó hiểu của Honda Việt Nam, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Diệp Năng Bình – Đoàn Luật sư TP HCM. Theo Luật sư Bình, căn cứ theo hướng dẫn của Cục Đăng kiểm Việt Nam có thể nhận định chiếc xe ô tô Honda City 1.5V-TOP của chị Nguyễn Mỹ Xuyên, có số khung RLHGM6669KY922188 được sản xuất năm 2019.
Theo quy định hiện hành tại Bộ luật Dân sự 2015, thì việc thực hiện nghĩa vụ giao vật được quy định như sau:
Bên có nghĩa vụ giao vật phải bảo quản, giữ gìn vật cho đến khi giao.
Khi vật phải giao là vật đặc định thì bên có nghĩa vụ phải giao đúng vật đó và đúng tình trạng như đã cam kết; nếu là vật cùng loại thì phải giao đúng số lượng và chất lượng như đã thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận về chất lượng thì phải giao vật đó với chất lượng trung bình; nếu là vật đồng bộ thì phải giao đồng bộ.
Bên có nghĩa vụ phải chịu mọi chi phí về việc giao vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
"Trong hợp đồng được ký giữa bên Honda và chị Xuyên thỏa thuận là năm sản xuất là năm 2020. Như vậy, theo hợp đồng và theo quy định của pháp luật thì Honda phải giao cho chị Xuyên đúng xe được sản xuất vào năm 2020. Việc giao xe cho khách hàng được sản xuất vào năm 2019, nhưng vẫn cứ biện minh là xe sản xuất vào năm 2020 như báo chí phản ánh là có dấu hiệu của việc lừa dối, bởi hơn ai hết phía Honda phải biết chiếc xe này được sản xuất năm nào", Luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh.
Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
Điều 127 Bộ luật Dân sự quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép như sau: Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Điều 131. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu
1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.
07:18, 19/04/2020
16:06, 01/04/2020
16:13, 27/03/2020
14:03, 26/03/2020