24/04/2024 | 08:08 GMT+7, Hà Nội

Lấn chiếm vỉa hè, vườn hoa quận Tây Hồ: Mệnh lệnh 10 ngày tạm dừng?!

Cập nhật lúc: 31/07/2020, 08:55

"Đêm qua trật tự đô thị quận Tây Hồ vừa báo, trong 10 ngày tới chuẩn bị cho kỳ họp quan trọng nên không được bày bán hàng quán trên vỉa hè, vườn hoa...", một người bán nước ven hồ Tây chia sẻ.

Lời tòa soạn: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại Thủ đô Hà Nội đã xảy ra và lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài. Dù thanh phố đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhưng ý thức của một số bộ phận người dân còn mang tính chống đối đã khiến hiệu quả của “cuộc chiến giành lại vỉa hè” chỉ mang tính thời điểm.

Vỉa hè bị chiếm dụng vì mục đích tư lợi - nếu còn tồn tại sẽ dần trở thành “điểm đen”, gây nguy cơ về mất an toàn giao thông và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm xảy ra do người dân phải đi bộ dưới lòng đường vì vỉa hè bị lấn chiếm nhưng không bị xử lý “đến nơi, đến chốn”.

Chính vì thế, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để thông qua đó, chung tay cùng các cấp chính quyền Thủ đô trong việc tuyên truyền, xử lý triệt để các sai phạm; lập lại trật tự công cộng, trật tự đô thị cho từng địa bàn dân cư.

Sẽ có 10 ngày tạm dừng "lấn chiếm vỉa hè" ở Hồ Tây?!

Mỗi buổi chiều, khu vực vườn hoa đoạn qua 75 Trích Sài (quận Tây Hồ, Hà Nội) lại được kê sẵn một loạt bàn, ghế nhựa, chiếu cói và cốc chén... người bán hàng thoăn thoắt chuẩn bị cho một ngày kinh doanh bận rộn của mình. Thấy tôi (PV) chị đon đả: "Ngồi đi em, ngồi trên chiếu ấy. Còn bàn ghế này không ngồi được đâu, đêm qua có người vừa báo, 10 ngày tới đây không được bán hàng vì chuẩn bị cho kỳ họp quan trọng, nên chị phải cất bàn ghế đi, bán chui..."

Thực trạng lấn chiếm vỉa hè, vườn hoa  đang diễn ra công khai tại đường ven Hồ Tây, (quận Tây Hồ, Hà Nội).

Thấy khách ngồi xuống, chị bán hàng tiếp tục chia sẻ: "Hàng tháng phải đóng tiền mới được bán hàng ở đây. Nhưng tối qua họ báo là 10 ngày tới phải hạn chế, không được bán hàng lộ liễu. Họ đã báo rồi mà chống đối, họ thu bàn ghế thì tự chịu, mà họ thu rồi thì mình thiệt chứ ai thiệt...". Nói chưa hết câu, chị lại vội vàng để thùng đá lạnh, bàn, ghế nhựa để lấp ló sau những bụi cây. 

Câu chuyện mà chị bán nước chia sẻ chỉ là một góc khuất rất nhỏ về thực trạng lấn chiếm vỉa hè, vườn hoa công cộng ven Hồ Tây. 

Vỉa hè công cộng  biến thành nơi giữ xe, chỗ bán hàng của người dân. 

Năm 1995, Nghị định 36-CP về bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị ra đời, đã đưa ra nhiều quy định chặt chẽ về việc cấm lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường. Đây là cơ sở pháp lý để người dân cũng như chính quyền lấy lại vỉa hè bằng các quy phạm pháp luật cụ thể. Thế nhưng, vấn nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường vẫn không có nhiều chuyển biến tích cực.

Những chiếc chiếu được trải trên vỉa hè đường Nguyễn Đình Thi để làm nơi kinh doanh.

Trên nhiều tuyến phố ven Hồ Tây như Nguyễn Đình Thi, Trích Sài, Nhật Chiêu... vỉa hè đã bị các hộ dân trong khu vực "xâm chiếm" để phục vụ mục đích kinh doanh làm chỗ để xe, bán nước giải khát, quán nhậu. Người dân buộc phải đi bộ xuống lòng đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông nguy hiểm. 

Vỉa hè, vườn hoa Hồ Tây biến thành quán cà phê ngoài trời. 

Đáng nói nhất là "chợ cóc" bán hoa, cây cảnh trên đường Hoàng Hoa Thám, đoạn tiếp giáp với chợ Bưởi. Tại đây, lòng đường đã hẹp còn các hộ kinh doanh bày hoa, cây cảnh ngập tràn vỉa hè, lòng đường khiến tình trạng giao thông tại khu vực vô cùng phức tạp. 

Mặc dù chính quyền và công an phường sở tại thường xuyên tổ chức giải tỏa các trường hợp vi phạm trật tự đô thị, nhưng tình trạng vi phạm lại tái diễn. 

Người dân phải đi bộ dưới lòng đường Hoàng Hoa Thám vì vỉa hè đã bị lấn chiếm. 

Ai "đánh cắp" vỉa hè?

Thực trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại các tuyến phố nói trên đã kéo dài nhiều năm nay, ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến giao thông. Hơn nữa, việc tụ tập, buôn bán trên vỉa hè, lòng đường còn là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm trên địa bàn.

Năm 2017, chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ bắt đầu diễn ra từ thành phố Hồ Chí Minh rồi lan tới thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố, địa phương khác ở Việt Nam. Ban đầu, chiến dịch cũng đã thu được nhiều kết quả khả quan, nhưng đã đến nay gần như đã thất bại hoàn toàn. 

Hình ảnh trong chiến dịch dành lại vỉa hè năm 2017.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khi đó đã từng khẳng định: Nếu lần này không dẹp được lấn chiếm vỉa hè, ông sẽ chỉ đích danh chỗ nào là của bí thư quận, chỗ nào của chủ tịch quận, chỗ nào có trưởng công an phường và kể cả lãnh đạo sở cũng có người nhà liên quan. Ông Chung cũng công khai khẳng định gần như các cơ sở kinh doanh bia hơi đều có 'chống lưng'. 

"Cách làm của Hà Nội không thể ra quân rầm rộ mà làm như thế nào cho bền vững, để người dân không tái lấn chiếm, mọi người phải tâm phục khẩu phục và thấy mình phải có ý thức với Thủ đô, không vứt rác, lấn chiếm vỉa hè. 

Chứ còn ra quân, phá dỡ xong lại bán hàng. Tôi thống kê, hơn 180 quán bia vỉa vè thì có trên 150 quán bia có công an đứng đằng sau nên tất cả các ông công an bỏ mà thôi. Mà có quán triệt là tôi nói trật tự hết.

Các bí thư, chủ tịch quận ngồi đây dám cam đoan với tôi các điểm trông giữ xe dưới phường có người nhà, có bãi đỗ xe của bí thư, chủ tịch không? Có đấy. Tôi xin nói các đồng chí có cả. Các đồng chí phải quán triệt, về bảo người nhà thôi thì sẽ đỡ đi rất nhiều rồi", Chủ tịch TP khẳng định tại hội nghị quán triệt, triển khai kế hoạch về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị diễn ra vào 2017.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Nguyên Quân - Trưởng Ban đô thị HĐND TP Hà Nội cho biết, nhiều năm qua TP đều ra quân, thực hiện các biện pháp xử lý. Tuy nhiên sau mỗi đợt, mọi việc lại trở lại ban đầu, lấn chiếm vỉa hè lại xảy ra. Theo ông Quân, để giải quyết được tình trạng lấn chiếm vỉa hè, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống. Và chỉ khi người dân tự giác, cơ quan và lực lượng thực thi gương mẫu, khi đó trật tự vỉa hè mới được quản lý theo đúng nghĩa.

Những biện pháp mạnh, không có “vùng cấm” và chấp nhận động chạm, thể hiện một quyết tâm lớn và một chủ trương đúng đã tạo được sự đồng thuận của nhiều người dân. Vậy nhưng, đây không phải lần đầu câu chuyện quản lý vỉa hè được đặt ra đối với các đô thị lớn, song hiệu quả lâu dài vẫn là dấu hỏi còn bỏ ngỏ. 

Phải chăng, đã đến lúc Hà Nội cần những biện pháp quyết liệt hơn nữa trong việc xử lý vấn nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đang diễn ra nhiều năm qua.

Ngày 28/2/2017, Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ CA đã gửi công điện chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, kiên quyết không để tái diễn vi phạm. 

Thế nhưng cho đến nay, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, vườn hoa công cộng vẫn tiếp tục tái diễn.