18/01/2025 | 17:57 GMT+7, Hà Nội

Điều gì đã xảy ra trên vỉa hè Hà Đông những năm qua?

Cập nhật lúc: 29/07/2020, 08:00

Lấn chiếm vỉa hè khiến đô thị trở nên nhếch nhác, không đảm bảo an ninh trật tự an toàn giao thông thế nhưng kinh doanh trên vỉa hè cũng là nguồn sống của không ít hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Lời tòa soạn: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại Thủ đô Hà Nội đã xảy ra và lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài. Dù thanh phố đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhưng ý thức của một số bộ phận người dân còn mang tính chống đối đã khiến hiệu quả của “cuộc chiến giành lại vỉa hè” chỉ mang tính thời điểm.

Vỉa hè bị chiếm dụng vì mục đích tư lợi - nếu còn tồn tại sẽ dần trở thành “điểm đen”, gây nguy cơ về mất an toàn giao thông và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm xảy ra do người dân phải đi bộ dưới lòng đường vì vỉa hè bị lấn chiếm nhưng không bị xử lý “đến nơi, đến chốn”.

Chính vì thế, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để thông qua đó, chung tay cùng các cấp chính quyền Thủ đô trong việc tuyên truyền, xử lý triệt để các sai phạm; lập lại trật tự công cộng, trật tự đô thị cho từng địa bàn dân cư.

Theo ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội chia sẻ tại buổi Tọa đàm "Vỉa hè, chống ùn tắc và trách nhiệm công dân" cuối tháng 3/2017, có nhiều người đang kinh doanh, làm giàu trên vỉa hè, nhưng cũng có nhiều người mưu sinh nhờ vỉa hè. Có nhiều đối tượng khác nhau nên chúng ta ứng xử phải tuỳ trường hợp cụ thể và không làm máy móc.

Pháp luật đã quy định rõ, vỉa hè là dành cho người đi bộ và cho phép sử dụng một phần vỉa hè, lòng đường vào hoạt động phi giao thông sau khi đã dành riêng vị trí cho người đi bộ. Vỉa hè có vai trò quan trọng trong tạo môi trường an toàn, thuận tiện cho người dân tiếp cận với dịch vụ giao thông công cộng cũng như những dịch vụ kinh doanh, văn phòng dọc các tuyến phố.

Kinh doanh trên vỉa hè cần hài hòa với mỹ quan, trật tự đô thị 

Đường Quang Trung (quận Hà Đông, TP Hà Nội) là tuyến đường lớn với chiều rộng lên tới 7m mỗi bên, vỉa hè rộng từ 2 - 3m, đi qua địa phận các phường Mộ Lao, Yên Nghĩa, Phú Lãm, Văn Khê (Hà Đông), hướng tuyến trên cơ sở Quốc lộ 6 hiện nay.

Song song với đường Quang Trung là đường Tô Hiệu, nhỏ bé hơn và đi qua một mặt của chợ Hà Đông. Nếu như đường Quang Trung bắt đầu từ cầu Trắng thì đường Tô Hiệu lại bắt đầu từ cầu Đen. Cùng với đường Tố Hữu, đây là hai con đường chính được người dân sử dụng để di chuyển theo hướng từ Thanh Xuân về Văn Phú, Ba La trong khung giờ tan tầm.

Cầu Đen Hà Đông cũng là nơi thường xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường

Khảo sát của phóng viên ngày 27/7 dọc đường Quang Trung và Tô Hiệu là nhan nhản các hàng quán lấn chiếm vỉa hè để bán hàng ăn uống, bày mặt hàng kinh doanh và thậm chí chỉ lấn chiếm để có chỗ ... ngồi hóng mát. Việc lấn chiếm này được nhiều người phản ánh đã tồn tại từ lâu, gây khó khăn và nguy hiểm cho người đi bộ khi buộc phải đi xuống lòng đường, đặc biệt là vào khung giờ cao điểm.

Theo đó, đường Tô Hiệu tồn tại nhiều hộ kinh doanh cá thể sử dụng vỉa hè để bày bàn, ghế nhựa phục vụ các thực khách. Đáng lưu ý, là khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng xuất hiện, thì các chủ quán mới chịu thu gọn bàn, ghế lại. Thế nhưng, họ cũng chỉ chờ khi lực lượng chức năng đi qua thì sẽ lại bày ra như cũ.

Khu vực vỉa hè trước cửa hàng Circle K trên đường Tô Hiệu, từ sáng đến đêm gần như lúc nào cũng được xếp kín xe. Điều đáng nói là tại đây đồng thời cũng là điểm đón, trả khách của xe buýt và ngã ba nhiều phương thiện giao thông qua lại. Trong khi Circle K trưng dụng vỉa hè làm nơi gửi xe, thì những người chờ xe buýt và người đi bộ phải mạo hiểm đứng xuống lòng đường vì không có chỗ đứng an toàn trên vỉa hè.

Circle K ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè tại khu vực đón, trả khách và ngã ba đường làm nơi đỗ xe

Tình trạng lấn chiếm tương tự cũng xảy ra với phố Quang Trung, tuy nhiên tuyến phố này lại được “chú trọng” hơn để bày bán hàng kinh doanh, chủ yếu là các cửa hàng bán xe đạp. Tận dụng lợi thể vỉa hè có diện tích rộng lớn, các chủ cửa hàng không ngần ngại bày ra cả trăm chiếc xe, gây mất diện tích đi lại cho người đi bộ, đồng thời mất mỹ quan đô thị.

Vỉa hè đường Quang Trung bị chiếm dụng làm nơi bày bán xe đạp, người đi bộ biết đi đường nào?

Anh Trần Minh Anh, một người dân sinh sống tại khu vực này cho hay, thực trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại tuyến phố nêu trên đã diễn ra nhiều năm. Không chỉ các điểm trông giữ xe, mà nhiều quán trà chanh, trà đá, ăn uống cũng tranh nhau lấn chiếm vỉa hè, đặc biệt là vào muà hè, khi tiết trời trở nên nóng bức và mọi người tìm đến một “vỉa hè” để cùng ngồi giao lưu, hóng mát.

Các hàng, quán sử dụng vỉa hè của người đi bộ để kinh doanh có thể là vì việc mưu sinh phải như vậy, thế nhưng họ cũng cần có ý thức hơn trong việc nhường một phần đường cho người đi bộ, kinh doanh xong thì quét dọn sạch sẽ. Đường xá chẳng phải của riêng ai, nhưng cũng là tài sản chung, giữ gìn nó sạch sẽ và biết chia sẻ với người khác thì cho dù có tồn tại các hàng quán cũng vẫn đẹp mặt dân, đẹp mặt thủ đô mà”, anh Minh Anh chia sẻ.

Cứ đến cuối giờ chiều, những hàng quán lại "sẵn sàng" bày biện bàn ghế lấn chiếm vỉa hè.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường phải mang tính bài bản, có hệ thống hơn nữa. Về vĩ mô, cần tổ chức, tuân thủ nghiêm các quy hoạch về xây dựng, giao thông, hoàn thiện hạ tầng đô thị nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân. Để làm được điều đó không chỉ cần sự vào cuộc mạnh mẽ, thống nhất của các cấp, các ngành trong việc tuyên truyền cũng như kiên quyết, kiên trì xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, cũng cần tuyên truyền tới người dân về những bất cập của việc lấn chiếm, đồng thời sớm tìm ra giải pháp có thể hài hòa, đem lại lợi ích cho cả hai.

Ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội từng chia sẻ: “Về chuyện lấy lại vỉa hè, một số người có thể bị ảnh hưởng trước mắt, nhưng cá nhân mỗi người sẽ tự nhận thấy rằng, khi tham gia giao thông, bản thân đi lại thuận tiện hơn, họ sẽ tự hiểu ra và điều chỉnh hành vi của mình. Điều quan trọng nhất là cần thay đổi nhận thức của nhân dân trước một chủ trương để nhận được sự đồng tình, ủng hộ và mọi việc đều phải hướng đến cuộc sống tốt nhất cho người dân”.

Kinh doanh trên vỉa hè, sao cho đúng luật?

Khoản 4 Điều 1 Nghị định 100/2013/NĐ-CP ngày 03/9/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã quy định rõ như sau:

Điều 25a. Sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông.

1. Việc sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông, không được gây mất trật tự, an toàn giao thông.

2. Hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông trong các trường hợp dưới đây:

a) Tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 30 ngày; trường hợp thời gian sử dụng tạm thời lớn hơn 30 ngày phải được Bộ Giao thông vận tải (đối với quốc lộ) hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với các hệ thống đường địa phương) chấp thuận;

b) Tổ chức đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám tang của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ, trường hợp đặc biệt không được quá 72 giờ;

c) Tổ chức đám cưới và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ;

d) Điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá thời gian tổ chức hoạt động văn hóa đó;

đ) Điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình; thời gian sử dụng từ 22 giờ đêm ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.

3. Vị trí hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông phải đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây:

a) Phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5 mét;

b) Hè phố có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được phép sử dụng tạm thời.

4. Đối với trường hợp sử dụng hè phố quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 2 Điều này, hộ gia đình phải thông báo với Ủy ban nhân phường, xã sở tại trước khi sử dụng tạm thời một phần hè phố. Đối với các trường hợp quy định tại các Điểm a, d, đ Khoản 2 Điều này, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định thủ tục hành chính về cho phép sử dụng tạm thời hè phố.

Người dân cần chú ý, nếu việc sử dụng vỉa hè không thuộc các mục đích trên theo quy định pháp luật sẽ trở thành hành vi lấn chiếm vỉa hè và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, cụ thể, tại Điều 12 Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 quy định mức xử phạt với một số hành vi lấn chiếm vỉa hè như sau:

– Phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đến 400.000 đồng với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau: Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 2, Điểm b Khoản 4, Điểm e Khoản 5 Điều này.

– Phạt tiền từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng với cá nhân, từ 4.000.000 đến 6.000.000 đồng với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau:

+ Sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 5; khoản 6; điểm a khoản 7 điều này;

+ Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố dưới 5 m2 làm nơi trông, giữ xe…”.

+ Các hành vi lấn chiếm vỉa hè làm nơi trông giữ xe có thể bị xử phạt đến 15.000.000 đồng với cá nhân; 30.000.000 đồng với tổ chức.

Theo Điều 26 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 và khoản 2 Điều 3 Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013, người kinh doanh, bán hàng, có hành vi lấn chiếm vỉa hè sẽ bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, nếu có hành vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức, dựa trên những căn cứ sau đây:

a) Vi phạm nghiêm trọng được thực hiện do lỗi cố ý;

b) Vật, tiền, hàng hóa, phương tiện là tang vật trực tiếp của vi phạm hành chính hoặc được trực tiếp sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính, mà nếu không có vật, tiền, hàng hóa, phương tiện này thì không thể thực hiện được hành vi vi phạm.

Theo quy định nói trên, cá nhân, tổ chức lấn chiếm vỉa hè có thể bị tịch thu phương tiện nếu cố ý thực hiện hành vi vi phạm và vi phạm đó bị coi là nghiêm trọng theo quy định pháp luật.

Việc lấn chiếm vỉa hè diễn ra công khai tại đường Quang Trung, Hà Đông đã diễn ra từ lâu

Theo Điều 12 Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cũng quy định:

"Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7, khoản 8 điều này còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: Buộc phải đỡ bỏ các công trình xây dựng trái phép, biển quảng cáo, di dời cây trồng trái phép, thu dọn rác, vật tư, vật liệu, chất phế thải, hàng hóa, máy móc, thiết bị, các loại vật dụng và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra."

Như vậy, tổ chức, cá nhân có hành vi lấn chiếm vỉa hè ngoài bị xử phạt hành chính, bị tịch thu phương tiện vi phạm còn bị buộc phải khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm gây ra, tức là hoàn trả lại phần diện tích vỉa hè đã lấn chiếm cho người đi bộ.