29/03/2024 | 11:49 GMT+7, Hà Nội

Thí điểm thành lập đội QLTTXDĐT: Vì sao sai phạm xây dựng vẫn diễn ra ở Hà Nội?

Cập nhật lúc: 27/07/2020, 08:11

Sau 2 năm thí điểm thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị (QLTTXDĐT), vai trò của lực lượng này vẫn chưa hể hiện được rõ ràng trong việc xử lý vi phạm TTXD trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.

Đội QLTTXDĐT quận Tây Hồ: Phớt lờ chỉ đạo của Chủ tịch quận 

Ngày 22/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 26/2018/QĐ-TTg về việc Thí điểm thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội trong thời hạn 2 năm (10/8/2018 - 10/8/2020). 

Theo quy định, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị là lực lượng quan trọng giúp UBND cấp huyện quản lý trật tự xây dựng đô thị từ khâu kiểm tra, thiết lập hồ sơ, đề xuất biện pháp xử lý đến việc tổ chức thực hiện các quyết định xử lý vi phạm. 

UBND quận, huyện, thị xã được tăng thẩm quyền trong điều hành, chỉ đạo, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, hạn chế tình trạng đùn đẩy, né tránh giữa các đơn vị; các hành vi vi phạm được phát hiện và xử lý kịp thời.

Nhưng sau gần 2 năm thực hiện thí điểm, vai trò của Đội QLTTXDĐT vẫn còn mờ nhạt, bởi những sai phạm về TTXD trên địa bàn thành phố còn tồn tại không ít, thậm chí còn phát sinh thêm nhiều sai phạm mới mà không hề được xử lý.

Đơn cử tại quận Tây Hồ, nhiều công trình xây vượt tầng, vượt chiều cao, ngang nhiên xây dựng trên đất nông nghiệp, phá vỡ quy hoạch nhưng vẫn được thi công hoàn thiện, điển hình tại các phường: Nhật Tân, Thuỵ Khuê, Tứ Liên... Thậm chí tại phường Tứ Liên, sai phạm TTXD khiến nhiều người dân buộc phải gửi đơn tố cáo lãnh đạo chính quyền phường này tới cơ quan điều tra. 

Theo người dân tại phường Nhật Tân cho biết, khu vực ngách 442/3 đường Âu Cơ có nhiều ô đất nông nghiệp dùng để trồng đào và hoa nên không có sổ đỏ, còn một số còn lại là đất trồng cây lâu năm nên được cấp sổ xanh. Thế nhưng thời gian gần đây xuất hiện một số công trình xây dựng quy mô lớn có, nhỏ nằm trên đất nông nghiệp mà không bị các cơ quan chức năng xử lý.

Cách đó không xa, công trình số 8 ngách 18 ngõ 464 đường Âu Cơ xây dựng trên đất nông nghiệp cũng được xây dựng và hoàn thiện với chiều cao là 5 tầng +1 hầm, hiện công trình đã được chủ đầu tư cho lắp đặt các thiết bị để chuẩn bị đưa và sử dụng.  -

Công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ vi phạm TTXD nghiêm trọng cũng "chình ình" mọc lên trên địa bàn quận Tây Hồ như số 66A ngõ 97 Trịnh Công Sơn được xây dựng 6 tầng + 1 hầm+ 1 tum + 1 tum thang máy, có dấu hiệu xây dựng sai mật độ, phá vỡ quy hoạch đô thị. 

Bên cạnh đó, tại khu vực số 8 ngõ 128 Thuỵ Khuê chỉ được xây theo kiến trúc biệt thự đơn lập với chiều cao 4 tầng, phần tầng 4 được xây theo hình dáng mái chéo. Tuy nhiên, tại công trình này chủ đầu tư lại cho đập bỏ phần mái chéo, đổ bằng và lên thêm 2 tầng. Hiện đang được cải tạo, xây dựng với chiều cao 6 tầng+ 1 tum thang kỹ thuật, vi phạm TTXD. 

Trong khi đó, theo Quy hoạch phân khu đô thị A6, tỷ lệ 1/5.000, đặc điểm cơ bản kiến trúc ở Hồ Tây theo kiểu nhà ở liền kề tạo thành dãy phố kết hợp cửa hàng, dịch vụ, mật độ xây dựng tương đối cao, chất lượng khá, tầng cao trung bình chỉ được phép xây dựng là khoảng 3- 5 tầng trên các đường phố lớn, 3- 4 tầng trên các đường nhỏ, đường nhánh. 

Công trình số 8 ngõ 128 Thuỵ Khuê hiện đang được cải tạo, xây dựng với chiều cao 6 tầng+ 1 tum thang kỹ thuật. 

Ngoài ra, tại dự án "Cải thiện môi trường vệ sinh khu dân cư xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê" cũng có nhiều vấn đề bất cập. Theo tìm hiểu của PV, năm 2011, UBND quận Tây Hồ khởi công xây dựng dự án “Cải thiện môi trường vệ sinh khu dân cư xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê”. Đây là dự án cống hóa với quy mô mặt cắt ngang rộng từ 9 đến 11m, hai làn xe cơ giới, hệ thống chiếu sáng, thoát nước được thiết kế đồng bộ. Thế nhưng, cho đến nay, sau 9 năm bắt tay vào thực hiện, do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng nên đến nay, dự án đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sống xung quanh.

Một đoạn kênh mương thuộc dự án "Cải thiện môi trường vệ sinh khu dân cư xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê". Mùi hôi thối bốc lên, tiếng ồn khi thi công khiến người dân quanh khu vực vô cùng bức xúc.

Trước những vướng mắc đó, năm 2019, UBND quận Tây Hồ phối hợp với các Sở, Ban ngành thành phố, tập trung tháo gỡ vướng mắc đối với công tác giải phóng mặt bằng, góp phần đẩy nhanh dự án cải tạo cảnh quan môi trường tại đây. Trong đó, cố gắng phấn đấu hoàn thành dự án này vào thời điểm cuối năm 2019. 

Những căn nhà xen kẹt đang được xây dựng ngay trên đoạn kênh mương cống hoá Thuỵ Khuê. 

Tuy nhiên cho đến nay, dự án vẫn chưa thể hoàn thành. Bên cạnh đó, nằm sát ngay trên khu vực kênh mương này, nhiều nhà dân đã xây dựng với chiều cao quá quy định và đang trong giai đoạn hoàn thiện công trình. 

Hình ảnh nhếch nhác bên kênh mương Thuỵ Khuê. 

Cũng nằm trên địa bàn phường Thuỵ Khuê, công trình 10D dốc Tam Đa (đường Hoàng Hoa Thám) được chủ đầu tư xây dựng với chiều cao 6 tầng, mật độ xây dựng 100%, vi phạm TTXD. 

Công trình 10D dốc Tam Đa (đường Hoàng Hoa Thám) được chủ đầu tư xây dựng với chiều cao 6 tầng phá vỡ quy hoạch đô thị. 

Rất nhiều sai phạm về TTXD ngang nhiên xuất hiện và tồn tại năm này qua năm khác trên địa bàn quận Tây Hồ, trong khi đó, tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội ngày 25/3/2019, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc từng khẳng định: “Một gia đình đẩy xe cát vào nhà, thanh tra xây dựng biết nhưng tại sao nhà xây to như con voi mà các đồng chí lại không biết? Ở đây, các đồng chí chưa làm hết trách nhiệm, chỉ lập biên bản báo cáo để đấy, chứ chưa xử lý”.

Trong khi đó, theo số liệu thống kê thì sau một năm thực hiện thí điểm (từ tháng 8/2018 đến tháng 8/2019), các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị của thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 18.881 công trình (đạt tỷ lệ 100%). Đồng thời cũng đã phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 729 trường hợp có vi phạm. Có 134 trường hợp xây dựng không phép; 174 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế…

Để làm rõ và xác minh thông tin đa chiều, PV đã liên hệ làm việc với UBND quận Tây Hồ vào tháng 5/2020. Ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ đã kí bút phê, giao Đội QLTTXDĐT quận trực tiếp làm việc, cung cấp thông tin cho báo chí. 

Thế nhưng, mặc dù đã liên hệ tới Đội QLTTXDĐT quận Tây Hồ rất nhiều lần, nhưng tới thời điểm hiện tại, phóng viên không hề nhận được phản hồi của lãnh đạo đội này. 

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ từng khẳng định, ngoài việc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự xây dựng, UBND quận sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về TTXD. Phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở trong công tác quản lý TTXD - ĐT trên địa bàn theo Quyết định số 1265/QD - UBND ngày 23/8/2018 của UBND quận. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các công trình xây dựng không phân biệt nguồn vốn và chủ đầu tư, đảm bảo 100% các công trình xây dựng được thiết lập hồ sơ quản lý. Kiểm tra, xử lý dứt điểm các công trình vi phạm TTXD, vi phạm Luật Đất đai, Luật Đê điều, không để công trình vi phạm TTXD phát sinh tồn tại, kết hợp chặt chẽ giữa xử lý vi phạm về TTXD với xử lý vi phạm đất đai, vi phạm Luật Đê điều.

Thí điểm thành lâp Đội QLTTXDĐT: Vì sao tình trạng vi phạm TTXD vẫn kéo dài?

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý trật tự xây dựng đô thị năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020, ông Nguyễn Việt Dũng – Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các Đội QLTTXDĐT. Theo ông Dũng, thẩm quyền xử lý vi phạm trật tự xây dựng đối với các Đội này chỉ dừng lại ở việc lập biên bản vi phạm và báo cáo, đề xuất biện pháp theo quy trình của pháp luật. Do đó, dẫn đến việc xử lý vi phạm còn chậm, hiệu quả chưa cao. 

Bên cạnh đó, mặc dù đã có những quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quản lý trật tự xây dựng nhưng một số Đội, lãnh đạo chưa thực sự đề cao trách nhiệm, chưa trực tiếp chỉ đạo, điều hành ngăn chặn các vi phạm mà giao phó cho Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị giải quyết. Một số bộ phận còn nể nang, ngại va chạm dẫn đến việc xử lý chưa được dứt điểm, kịp thời.

Ông Nguyễn Việt Dũng – Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý trật tự xây dựng đô thị năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020.

Ngoài ra, ý thức tuân thủ pháp luật về xây dựng, đất đai của một số người dân còn bị hạn chế hoặc có trường hợp cố tình vi phạm.

Bởi chưa thể xem xét, đánh giá toàn diện về sự phù hợp của mô hình thí điểm thành lập Đội QLTTXDĐT, đặc biệt liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Đội và hiệu quả quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị trong tình hình mới, ngày 15/7/2020, UBND thành phố Hà Nội có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị được tiếp tục thực hiện thí điểm Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã như mô hình hiện nay trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày 10-8-2020.

Như vậy, sau 2 năm thí điểm triển khai, Đội QLTTXDĐT vẫn chưa phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm trong việc quản lý TTXD trên địa bàn thành phố. Thiết nghĩ, để siết chặt quản lý TTXD trên địa bàn thủ đô Hà Nội, các Đội QLTTXDĐT phải thực sự nghiêm minh, không để xảy ra tình trạng "mặc" báo chí phản ánh, "kệ" người dân gửi đơn thư tố cáo" tình trạng sai phạm TTXD diễn ra ngang nhiên, phá vỡ quy hoạch đô thị như hiện tại.