19/01/2025 | 10:10 GMT+7, Hà Nội

Vỉa hè bị chiếm, người Hà Nội phải trả tiền để hóng gió Hồ Tây

Cập nhật lúc: 29/07/2020, 19:00

Không biết từ bao giờ vỉa hè, vườn hoa ven Hồ Tây (Hà Nội) đã đầy những hàng quán cà phê, trà chanh, bia hơi… khiến người dân thủ đô không còn không gian công cộng để di chuyển, tập thể dục mỗi ngày.

Lời tòa soạn: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại Thủ đô Hà Nội đã xảy ra và lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài. Dù thanh phố đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhưng ý thức của một số bộ phận người dân còn mang tính chống đối đã khiến hiệu quả của “cuộc chiến giành lại vỉa hè” chỉ mang tính thời điểm.

Vỉa hè bị chiếm dụng vì mục đích tư lợi - nếu còn tồn tại sẽ dần trở thành “điểm đen”, gây nguy cơ về mất an toàn giao thông và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm xảy ra do người dân phải đi bộ dưới lòng đường vì vỉa hè bị lấn chiếm nhưng không bị xử lý “đến nơi, đến chốn”.

Chính vì thế, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để thông qua đó, chung tay cùng các cấp chính quyền Thủ đô trong việc tuyên truyền, xử lý triệt để các sai phạm; lập lại trật tự công cộng, trật tự đô thị cho từng địa bàn dân cư.

Mất tiền để được...hóng gió Hồ Tây

Tối 29/7, trên trang cá nhân của người dùng mạng xã hội Facebook xuất hiện một đoạn video được quay lại tại đường Nguyễn Đình Thi (quận Tây Hồ, Hà Nội) với nội dung:

“Đây là hình ảnh mà em ghi lại được ở ven Hồ Tây, Hà Nội. Chuyện là thế này các bác ạ, em đang hóng gió ở ven hồ, thì có chú này lại trải chiếu và đuổi e đi: "Đi chỗ khác cho anh trải chiếu bán hàng". 

Mình thắc mắc hỏi: Đây chỗ công cộng mà anh?

Anh ta liền đáp: Đất này tao mất tiền để bán đấy, mày đừng hỏi kiểu khệnh khạng...

Mình: Thế là từ nay mất chỗ hẹn hò?

Từ bao giờ mạn hồ Tây trở thành nơi bán nước vậy nhỉ?"

Được biết, đoạn video này được ghi lại bởi một người dân khi anh đang dừng xe hóng gió  ven Hồ Tây thì bị một người lạ mặt đuổi đi để "lấy chỗ bán hàng" bởi người này đã "mất tiền" để được ngồi bán ở địa điểm này. Khi bị người bán hàng văn tục, chửi bậy để đòi chỗ, thanh niên này mặc dù rất bức xúc, nhưng cũng buộc phải nhượng bộ và đi chỗ khác. 

Hình ảnh và video được đăng tải trên mạng xã hội Facebook. Ảnh chụp màn hình. 

Đây là một trong số rất nhiều trường hợp người dân không được tận hưởng không gian công cộng ở Hồ Tây bởi nó đã biến thành "của riêng" của người khác. Và nếu muốn được hóng gió Hồ Tây, thì người dân buộc phải... chi tiền để mua đồ uống tại quán vỉa hè với giá như ở nhà hàng 5 sao. 

Tối 29/7, có mặt tại địa chỉ 11 Nguyễn Đình Thi, phóng viên (PV) ghi nhận được hình ảnh những chiếc chiếu trải ra trên vỉa hè, chiếm hết phần đường đi bộ của người dân. 

Chỉ cần một thùng xốp kê hoa quả, trà, nước cùng những chiếc chiếu được trải ra, vỉa hè công cộng đã trở thành nơi kinh doanh của một số người dân.

Chỉ cần một chiếc thùng xốp đặt hoa quả, túi hạt hướng dương, vài bình nước lọc cùng những chiếc chiếu cói được trải ra chiếm hết vỉa hè, đoạn đường này đã biến thành "nhà hàng" của một số hộ kinh doanh. 

Người dân Thủ đô muốn được hóng mát hay dừng lại tán gẫu trên đoạn đường này, buộc phải trả 50 - 200 nghìn đồng để có chỗ đứng, ngồi tuỳ theo loại nước uống. Điều đặc biệt, mặc dù con đường ven hồ Tây trải dài khoảng 17km, nhưng không có "quán hàng" tự phát nào lấn chiếm chỗ của nhau mà rất "tự giác" phân chia địa điểm kinh doanh vô cùng ăn ý. 

Để được đứng hóng gió, vãn cảnh Hồ Tây ở đoạn đường 11 Nguyễn Đình Thi, người dân phải trả tiền mua nước mới có chỗ ngồi.

Tại khu vực cổng sau trường Chu Văn An, nằm trên con đường ven Hồ Tây vốn là nơi những người dân trong khu vực tập thể dục hoặc vãn cảnh, hóng gió mỗi chiều về với những bãi cỏ xanh mướt cùng loạt chiếc ghế đá công cộng đẹp mắt được Thành phố Hà Nội đầu tư bài bản để phục vụ cho không gian công cộng của người dân thủ đô. Nhưng cứ đến cuối giờ chiều, khu vực này lại thành "của riêng" của một số hộ kinh doanh bán hàng giải khát, hàng ăn với hàng chục bộ bàn ghế được kê sẵn. 

Vườn hoa. ven Hồ Tây biến hình thành quán cà phê tự phát.

Thậm chí trên bãi cỏ, chiếu cũngđược trải lên, quạt máy dựng sẵn, phục vụ cho khách có nhu cầu uống nước, hóng gió. Ghế đá công cộng cũng bị biến thành chỗ ngồi cho khách với chiếc bàn đặt trước "xí chỗ làm của riêng".

Hàng chục bộ bàn ghế được dựng sẵn lấn chiếm vỉa hè của người đi bộ.

Trên vườn hoa công cộng ở nơi đây còn mọc lên 1 ki ốt tạm bợ bằng tôn, là nơi pha chế thức uống, và có đầy đủ những yếu tố như một quầy lễ tân của quán cà phê tự phát.

Bãi cỏ được trải chiếu để kinh doanh, vỉa hè biến thành quán nhậu  là thực trạng khiến người dân quanh khu vực Hồ Tây vô cùng bức xúc.

Chính quyền xử lý kiểu bắt cóc bỏ dĩa ?

Vỉa hè những đường Trích Sài, Nhật Chiêu hay đường Nguyễn Đình Thi... hầu hết đều bị các hộ dân lấn chiếm để bán hàng. Khách đến khá đông, đặc biệt lúc chiều tối hay các sáng thứ 7, chủ nhật. Xe của khách đậu chật vỉa hè và đỗ cả dưới lòng đường. Không còn chỗ để đi, những người dân đi bộ hay đi tập thể dục thường phải đi hay chạy bộ dưới lòng đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. 

Trước thực trạng đã và đang diễn ra nhiều năm qua, ông Nguyễn Lê Hoàng - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ từng khẳng định chắc nịch với báo chí rằng, từ tháng 10 - 2019, quận đã yêu cầu Công an quận chỉ đạo các phường xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm theo hình thức cuốn chiếu, làm đến đâu triệt để đến đấy, sau đó giao công an phường, lực lượng đoàn viên thanh niên... cắm chốt từ 19h đến 22h hằng ngày, nhưng chỉ được một thời gian. Và đến nay, tình trạng tái phạm lấn chiếm vỉa hè ven Hồ Tây vẫn "nở rộ".

Những hình ảnh đáng lên án khi biến không gian công cộng của người dân thành nơi kinh doanh riêng. 

Trao đổi với báo chí, PGS-TS. Trương Mạnh Tiến - Chủ tịch Câu lạc bộ hồ Hà Nội thừa nhận thực trạng nhức nhối lấn chiếm không gian ven hồ làm nơi bán hàng rong, kinh doanh buôn bán đang diễn ra tại nhiều hồ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, tình trạng vứt rác, xả thải trực tiếp xuống hồ làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm nước hồ, gây tốn kém ngân sách nhà nước để xử lý ô nhiễm. Theo ông Tiến, để quản lý tốt không gian ven hồ nói chung và chất lượng môi trường của các hồ của Hà Nội, tất cả các hồ đều phải có người giao trách nhiệm chỉ đạo giải quyết, và nhắc nhở khi có những sai phạm.

Không những thế, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần phải có giải pháp nhanh chóng quy hoạch không gian thành các khu vực riêng rẽ, khu vực dành cho người dân hóng mát, tập thể dục, khu vực dành cho bán hàng rong để hài hòa lợi ích của người dân và sử dụng hiệu quả những không gian xung quanh hồ hiện nay.

Cùng quan điểm, bà Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng, nguyên đại biểu Quốc hội từng khẳng định với báo chí rằng, không gian xung quanh hồ là không gian công cộng dành cho người dân thư giãn, thể dục... Tình trạng lấn chiếm bởi hàng quán ảnh hưởng xấu đến giao thông của người dân, gây bức xúc trong xã hội.

Theo đại diện Ban quản lý khu vực hồ Tây, trong 6 tháng đầu năm 2019, riêng khu vực hồ Tây đã xử lý 62 trường hợp lấn chiếm vỉa hè, 31 trường hợp đỗ xe sai quy định và 35 trường hợp câu cá… Một số cụm dân cư như cụm dân cư số 4 phường Yên Phụ đã cùng nhau xây dựng khu vực hồ văn minh, không bị hàng quán lấn chiếm.

Lợi ích lớn nhất mà các không gian công cộng mang lại cho người dân là có nơi để tập thể dục, thể thao, hưởng không khí trong lành. Do đó, điều cần thiết mà chính quyến địa phương cần làm là phải trả lại các không gian này về đúng công năng, mục đích sử dụng.