19/01/2025 | 16:15 GMT+7, Hà Nội

Lãi suất là gì? Các loại lãi suất phổ biến

Cập nhật lúc: 01/10/2015, 23:07

Khi sử dụng bất kỳ khoản tín dụng nào, người vay cũng phải trả thêm một phần giá trị ngoài phần vốn gốc vay ban đầu. Tỷ lệ phần trăm của phần tăng thêm này so với phần vốn vay ban đầu được gọi là lãi suất.

Các mục tiêu lãi suất là một công cụ quan trọng của chính sách tiền tệ và được tính tới khi xử lý các biến số như đầu tư, lạm phát và thất nghiệp.

Lãi suất là gì?

Lãi suất là tỷ lệ mà theo đó tiền lãi được người vay trả cho việc sử dụng tiền mà họ vay từ một người cho vay. Cụ thể, lãi suất là phần trăm tiền gốc phải trả cho một số lượng nhất định của thời gian mỗi thời kỳ (thường được tính theo năm).

Ví dụ, một công ty nhỏ vay vốn từ một ngân hàng để mua tài sản mới cho doanh nghiệp của mình, và ngược lại người cho vay nhận được tiền lãi theo lãi suất quy định cho việc trì hoãn sử dụng các khoản tiền và thay vào đó bằng việc cho vay nó cho người vay.

Lãi suất thường được thể hiện như một tỷ lệ phần trăm của tiền gốc trong một khoảng thời gian một năm.

Các mục tiêu lãi suất là một công cụ quan trọng của chính sách tiền tệ và được tính tới khi xử lý các biến số như đầu tư, lạm phát và thất nghiệp.

Các ngân hàng trung ương hoặc các ngân hàng dự trữ của các nước nói chung có xu hướng giảm lãi suất khi họ muốn tăng cường đầu tư và tiêu dùng trong nền kinh tế của đất nước.

Tuy nhiên, một lãi suất thấp như là một chính sách kinh tế vĩ mô có thể là rủi ro và có thể dẫn đến việc tạo ra một bong bóng kinh tế, trong đó một lượng lớn các đầu tư được đổ vào thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán.

Các loại lãi suất phổ biến

Căn cứ vào tính chất của khoản vay, có các loại lãi suất phổ biến sau:

Lãi suất tiền gửi ngân hàng là lãi suất ngân hàng trả cho các khoản tiền gửi vào ngân hàng.

Lãi suất tiền gửi ngân hàng có nhiều mức khác nhau tùy thuộc vào loại tiền gửi (không kỳ hạn, tiết kiệm...), thời hạn gửi và quy mô tiền gửi.

Lãi suất cho vay ngân hàng là lãi suất mà người đi vay phải trả cho ngân hàng khi đi vay từ ngân hàng.

Lãi suất tín dụng ngân hàng có nhiều mức tùy theo loại hình vay (vay kinh doanh, vay trả góp, vay qua thẻ tín dụng¼), theo mức độ quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng và tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa hai bên.

Lãi suất chiết khấu ngân hàng là loại lãi suất áp dụng khi ngân hàng cho khách hàng vay dưới hình thức chiết khấu thương phiếu hoặc giấy tờ có giá khác chưa đến hạn thanh toán của khách hàng.

Nó được tính bằng tỷ lệ % trên mệnh giá của tờ thương phiếu, và được khấu trừ ngay khi ngân hàng đưa tiền vay cho khách hàng. Như vậy, lãi suất chiết khấu được trả trước cho ngân hàng chứ không trả sau như lãi suất tín dụng thông thường.

Lãi suất tái chiết khấu của ngân hàng trung ương đối với các ngân hàng thương mại khi cho vay dưới hình thức tái chiết khấu các thương phiếu hoặc giấy tờ có giá ngắn hạn chưa đến hạn thanh toán của các ngân hàng này.

Hoạt động tái chiết khấu cung ứng nguồn vốn cho các ngân hàng thương mại nên lãi suất tái chiết khấu thường thấp hơn lãi suất chiết khấu.

Tuy nhiên, trong trường hợp ngân hàng trung ương muốn hạn chế khả năng mở rộng của tín dụng để đối phó với lạm phát thì lãi suất tái chiết khấu có thể lớn hơn lãi suất chiết khấu của các ngân hàng thương mại.

Lãi suất liên ngân hàng là lãi suất mà các ngân hàng áp dụng cho nhau khi vay trên thị trường liên ngân hàng. Lãi suất liên ngân hàng được hình thành qua quan hệ cung cầu vốn vay trên thị trường liên ngân hàng và chịu sự chi phối bởi lãi suất mà ngân hàng trung ương cho các ngân hàng trung gian vay.

Mức độ chi phối này phụ thuộc vào sự phát triển của hoạt động thị trường mở và tỷ trọng sử dụng vốn vay ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung gian.

Lãi suất cơ bản là lãi suất được các ngân hàng sử dụng làm cơ sở để ấn định mức lãi suất kinh doanh của mình.

Lãi suất cơ bản được hình thành khác nhau tùy từng nước. Nó có thể do ngân hàng trung ương ấn định (như ở Nhật- là mức lãi suất cho vay thấp nhất); hoặc có thể do bản thân các ngân hàng tự xác định căn cứ vào tình hình hoạt động cụ thể của ngân hàng mình (ở Anh, Mỹ, Úc- đó là mức lãi suất áp dụng cho khách hàng có mức rủi ro thấp nhất)

Hoặc căn cứ vào mức lãi suất cơ bản của một số ngân hàng đứng đầu rồi cộng trừ biên độ dao động theo một tỷ lệ phần trăm nhất định để hình thành lãi suất cơ bản của mình (Malaysia); một số nước lại sử dụng lãi suất liên ngân hàng làm lãi suất cơ bản (Singapore, Pháp).

Ở Việt Nam theo luật pháp, Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố lãi suất cơ bản.

Các ngân hàng thương mại ấn định mức lãi suất đi vay và cho vay dựa trên mức lãi suất cơ bản đó và phù hợp với điều kinh doanh của mình.

Căn cứ vào giá trị thực của tiền lãi thu được

Lãi suất danh nghĩa (nominal interest rate) là lãi suất được tính theo giá trị danh nghĩa, không kể đến tác động của lạm phát. Lãi suất danh nghĩa thường được công bố chính thức trên hợp đồng tín dụng.

Lãi suất thực tế (real interest rate) là lãi suất được điều chỉnh lại cho đúng theo những thay đổi về lạm phát.

Lãi suất danh nghĩa và lãi suất thực tế có mối liên hệ được thể hiện trong phương trình sau:

Lãi suất danh nghĩa = Lãi suất thực + tỷ lệ lạm phát

Vì vậy, lãi suất thực tế còn được định nghĩa là lãi suất danh nghĩa trừ đi tỷ lệ lạm phát. Người ta có thể tính trước lãi suất thực tế dựa trên lãi suất danh nghĩa và tỷ lệ lạm phát dự tính.

Hoặc có thể điều chỉnh lãi suất thực tế (tính sau) theo lãi suất danh nghĩa và tỷ lệ lạm phát thực tế.

Lãi suất thực tế cần phải được tính đến để loại trừ hết ảnh hưởng trong mức giá và do đó phản ánh chính xác hơn chi phí thật của việc vay tiền.

Lãi suất thực tế là lãi suất quan trọng nhất cho các quyết định kinh tế, nó là cái mà các nhà kinh tế dùng để tính toán lượng thu nhập hoặc các ích lợi thực tế của một quyết định kinh tế.

Để thấy rõ hơn sự khác nhau giữa lãi suất danh nghĩa và lãi suất thực tế ta nghiên cứu ví dụ sau: Giả sử một khách hàng đến ngân hàng vay một khoản tiền để đầu tư kinh doanh với lãi suất 7.5% một năm.

Theo dự tính ban đầu, khách hàng này cho rằng mức giá sẽ không đổi trong thời gian một năm tới.

Vì là người đi vay nên cuối năm anh ta sẽ phải trả 7,5% lãi suất, tức là anh ta mất đi cơ hội mua một món hàng có giá trị bằng 7.5% món vay.

Lúc này, lãi suất thực tế mà anh ta phải trả theo qui đổi của lượng hàng hóa và dịch vụ là 7.5%, tức là: Ir = 7.5% - 0% = 7.5%.

Giả sử tỷ lệ lạm phát tăng lên 5% và lãi suất ngân hàng cho vay tăng lên mức 10% một năm thì lãi suất thực tế mà khách hàng phải trả theo qui đổi của lượng hàng hóa và dịch vụ là: Ir = 10% - 5% = 5%.

Nếu khách hàng này là người nắm bắt được lãi suất thực tế thì anh ta sẽ quyết định vẫn tiếp tục vay tiền để đầu tư vào dự án của mình mặc dù lúc này lãi suất tăng lên 10% so với 7.5% như ban đầu.

Bởi vì chi phí thực mà anh ta phải trả cho ngân hàng là thấp hơn so với dự tính ban đầu.

Như vậy, có thể nói rằng lãi suất thực tế là chỉ dẫn tốt hơn cho người dân khi quyết định gửi tiền hay vay tiền từ ngân hàng, để đầu tư vào chứng khoán công ty hay mua trái phiếu chính phủ.

Nếu chỉ nhìn vào lãi suất danh nghĩa có thể có những đánh giá sai về thị trường tín dụng. Bởi vì lãi suất danh nghĩa cao không có nghĩa là thị trường tín dụng đang rất căng thẳng do chi phí đi vay quá cao. Nếu tỷ lệ lạm phát cao thì chi phí đi vay thực ra rất thấp.

Căn cứ vào tính linh hoạt của lãi suất

Lãi suất cố định là loại lãi suất được quy định cố định trong suốt thời hạn vay. Nó có ưu điểm là số tiền lãi được cố định và biết trước. Nhưng nhược điểm là bị ràng buộc vào một mức lãi nhất định trong một khoảng thời gian, mặc dù lãi suất thị trường đã thay đổi.

Lãi suất thả nổi là lãi suất được quy định là có thể lên xuống theo lãi suất thị trường trong thời hạn tín dụng. Lãi suất thả nổi vừa chứa đựng rủi ro lẫn lợi nhuận.

Khi lãi suất tăng lên, người đi vay bị thiệt so với trường hợp xác định lãi suất cố định, người cho vay được lợi. Khi lãi suất giảm xuống, người cho vay bị thiệt, người đi vay được lợi.

Căn cứ vào loại tiền cho vay

Lãi suất nội tệ là lãi suất cho vay và đi vay đồng nội tệ

Lãi suất ngoại tệ là lãi suất cho vay và đi vay đồng ngoại tệ

Mối liên hệ giữa hai loại lãi suất này được thể hiện qua phương trình: rd = rf + ΔE

Trong đó: rd là lãi suất nội tệ, rf là lãi suất ngoại tệ, ΔE là mức tăng giá dự tính của tỷ giá hối đoái (hay đồng ngoại tệ).

Phương trình này là biểu hiện của Học thuyết ngang giá sức mua. Lập luận cơ bản là lợi tức dự tính của việc nắm giữ nội tệ phải bằng lợi tức dự tính của việc nắm giữ ngoại tệ.

Nếu tồn tại chênh lệch về mức lợi tức dự tính, sẽ xuất hiện sự di chuyển vốn từ loại tiền gửi này sang loại tiền gửi kia để hưởng được mức lợi tức cao hơn.

Kết quả của sự di chuyển này là lợi tức dự tính của các khoản tiền gửi sẽ được điều chỉnh lại dưới ảnh hưởng của quan hệ cung cầu và sự cân bằng sẽ được thiết lập lại.

Vì lợi tức dự tính của việc nắm giữ các khoản tiền bằng nội tệ là lãi suất nội tệ, còn mức lợi tức dự tính của việc nắm giữ các khoản tiền gửi bằng ngoại tệ là lãi suất ngoại tệ cộng với mức tăng giá dự tính của đồng ngoại tệ, nên chúng ta có phương trình trên.

Tuy nhiên, phương trình trên chỉ tồn tại trong điều kiện chế độ tự do ngoại hối, tức là được tự do chuyển đổi từ đồng nội tệ sang ngoại tệ và ngược lại. Nếu quản lý ngoại hối chặt chẽ thì sẽ vẫn tồn tại chênh lệch vì vốn không chuyển đổi giữa hai loại tiền được.

Căn cứ vào nguồn tín dụng trong nước hay quốc tế

Lãi suất trong nước hay lãi suất quốc gia (national interest rate) là lãi suất áp dụng trong các hợp đồng tín dụng trong nước.

Lãi suất quốc tế (international interest rate) là lãi suất áp dụng với các hợp đồng tín dụng quốc tế. Lãi suất quốc tế thường thấy LIBOR (London Interbank Offered Rate) là lãi suất quốc tế lấy trên thị trường liên ngân hàng London. Ngoài ra còn có các lãi suất quốc tế khác như NIBOR (trên thị trường NewYork), TIBOR (trên thị trường Tokyo), SIBOR (trên thị trường Singapore).

Nếu các hợp đồng tín dụng quốc tế áp dụng mức lãi suất quốc gia thì lãi suất quốc gia trở thành lãi suất quốc tế.

Lãi suất quốc gia thường chịu ảnh hưởng của lãi suất quốc tế. Nếu thị trường vốn quốc gia tự do thì lãi suất quốc gia sẽ lên xuống theo lãi suất quốc tế.