19/01/2025 | 11:54 GMT+7, Hà Nội

Hôm nay, Quốc hội nghe và thảo luận Báo cáo giám sát về quản lý thị trường BĐS

Cập nhật lúc: 28/10/2024, 06:14

Theo chương trình làm việc, hôm nay 28/10, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15 sẽ dành phần lớn thời gian nghe và thảo luận Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý TT BĐS.

Cụ thể, sáng nay, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, các đại biểu nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. Sau đó, Quốc hội thảo luận về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề nêu trên.

Buổi chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.

Trước đó, trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận định nhận định thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn tiềm ẩn rủi ro. Cơ cấu sản phẩm thiếu cân đối, khiến giá nhà, chung cư bị đẩy lên cao, người có nhu cầu thực khó có khả năng tiếp cận. Tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai, đẩy giá đất lên cao khiến cho việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ trong khi người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận vì giá đất cao, vượt quá khả năng chi trả. Nhiều vùng ngoại thành của các thành phố lớn, tỷ lệ lấp đầy sau “phân lô, bán nền” là 5%. Trong 100 lô đất, chỉ có 5 lô được sử dụng, xây dựng, 95 lô đất còn lại bị bỏ hoang, gây lãng phí nguồn lực.

Theo Ủy ban kinh tế Quốc hội, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành bộ 3 luật liên quan đến thị trường bất động sản dù có nhiều nỗ lực, song kết quả chưa như kỳ vọng. Do vậy, cần phải tích cực có các giải pháp nhằm đưa luật mới vào thực tiễn cuộc sống, góp phần ổn định thị trường bất động sản.

Thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 (26/10), các đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ sự lo ngại về sự phát triển thiếu minh bạch và lành mạnh của thị trường bất động sản khi giá đất nhảy múa chưa từng thấy, rất kỳ lạ.

Nếu không kịp thời ngăn chặn các vấn đề về giá đất sẽ ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác, nhất là với sản xuất. Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có giải pháp ổn định thị trường bất động sản nhằm ngăn tình trạng đầu cơ, thổi giá cũng như tháo gỡ những vướng mắc về nhà ở chung cư để người dân có thể tiếp cận.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp Tổ. (Ảnh: Quochoi.vn)

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, kết quả giám sát chuyên đề về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội của Quốc hội cho thấy nhiều vấn đề cần khắc phục.

Điển hình như mức chênh lệch giữa giá nhà ở và thu nhập của người dân còn quá lớn, giá nhà ở bình quân bằng 25 lần thu nhập bình quân đầu người của người dân khu vực đô thị. Tại thời điểm cuối năm 2023, đối với phân khúc căn hộ chung cư thị trường gần như không có dự án căn hộ giá bình dân (dưới 25 triệu/m2). Cùng với đó là các vấn đề về cấp tín dụng cho thị trường bất động sản, phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản, phát triển nhà ở xã hội…

"Hiện chúng ta không thiếu nhà ở, cung nhiều, nhu cầu cũng có nhưng khả năng thanh toán của người mua nhà là khó vì giá. Mặc dù nguồn cung bất động sản dồi dào nhưng cơ cấu sản phẩm bất động sản không hợp lý", Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Thị trường bất động sản đang có những biểu hiện thiếu lành mạnh. (Ảnh minh hoạ: Bùi Văn Doanh)

Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” được thành lập tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV theo Nghị quyết số 95/2023/QH15. 

Nội dung giám sát là việc ban hành chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023; trong đó tập trung vào việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; tình hình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội; thực trạng công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Đối với thị trường bất động sản, việc giám sát tập trung vào làm rõ các khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản; tình hình xử lý các sai phạm trong lĩnh vực bất động sản; tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế xuất phát từ thể chế, quy định pháp luật và việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư, nhà ở, đô thị, xây dựng, nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp…

Đối với phát triển nhà ở xã hội, việc giám sát tập trung vào chương trình, kế hoạch, các hình thức phát triển nhà ở xã hội; đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội; quỹ đất, nguồn vốn để xây dựng nhà ở xã hội; việc thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội (bao gồm: trình tự, thủ tục đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, trong đó có việc lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội); loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội; việc xác định giá thuê, giá thuê mua, giá bán nhà ở xã hội; nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội; quản lý, vận hành nhà ở xã hội.

Đoàn giám sát xác định đây là chuyên đề giám sát khó; nội dung, phạm vi giám sát rộng do thị trường bất động sản và nhà ở xã hội liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều bộ, ngành, địa phương.

Mục tiêu của chuyên đề giám sát là đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Qua giám sát cũng đề xuất, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.

Phạm vi giám sát là việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ ngày 1/7/2015 đến hết ngày 31/12/2023 trên phạm vi cả nước.

Đối tượng giám sát là Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.


Nguồn: https://reatimes.vn/hom-nay-quoc-hoi-nghe-va-thao-luan-bao-cao-giam-sat-ve-quan-ly-thi-truong-bat-dong-san-va-nha-o-xa-hoi-202241028062026993.htm