19/01/2025 | 06:13 GMT+7, Hà Nội

Đến năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 13%/năm

Cập nhật lúc: 26/03/2019, 10:10

Theo dự tính, tốc độ tăng bình quân hằng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn từ nay đến năm 2020 ước khoảng 13%/năm, giai đoạn 2021-2025 là 14%/năm.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đến năm 2020 được dự báo sẽ tăng khoảng 13%/năm (Ảnh TL)

 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đến năm 2020 được dự báo sẽ tăng khoảng 13%/năm 

 

Cùng với tốc độ tăng bình quân hằng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dung, quy mô thị trường bán lẻ dự kiến năm 2020 sẽ là 179 tỷ USD, trong đó bán lẻ hiện đại chiếm trên 45% so với mức 25% của năm 2016.

Thời gian gần đây, thị trường bán lẻ Việt Nam được coi là tăng mạnh với nhiều hình thức, đặc biệt là các siêu thị, trung tâm mua sắm, trung tâm thương mại lớn. Tuy nhiên, thị phần bán lẻ hiện đại chỉ mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ, thấp hơn so với các nước trong khu vực như Philippines là 33%, Thái Lan là 34%, Trung Quốc là 51%, Malaysia là 60% và Singapore lên đến 90%. Các siêu thị, trung tâm thương mại hầu hết tập trung tại các thành phố lớn còn khu vực nội thành, khu vực nông thôn và ngoại thành còn bỏ ngỏ rất nhiều.

Bên cạnh đó, các cửa hàng, hộ kinh doanh cá thể, gánh hàng rong cũng ngày càng phát triển. Hiện nay, cả nước có khoảng 800 siêu thị, trung tâm mua sắm và 150 trung tâm thương mại, gần 9.000 khu chợ và 2,2 triệu hộ kinh doanh bán lẻ trên khắp mọi miền. Đến năm 2020, theo quy hoạch, cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm.

Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, thị trường bán lẻ Việt Nam hiện còn nhiều hạn chế, bất cập, thiếu chiến lược tổng thể và toàn diện để đẩy mạnh phát triển thương mại trong nước một cách bền vững. Đồng thời, thiếu tính liên kết giữa các lực lượng tham gia thị trường, thiếu chiến lược phát triển kinh doanh, tính chuyên nghiệp không cao, năng lực tài chính hạn chế, thiếu các dịch vụ hậu mãi.

 

Hệ thống chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ thiếu tính chuyên nghiệp từ công nghệ quản trị chuỗi, tổ chức trưng bày hàng hóa, giá cả thiếu cạnh tranh, nguồn hàng chưa phong phú, đa dạng, mức độ kiểm soát chất lượng hàng hóa chưa đáp ứng được yêu cầu, mạng lưới chưa rộng khắp và chưa tương xứng với nhu cầu của khách hàng. Thói quen của người tiêu dùng cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp bán lẻ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước còn gặp phải nhiều vướng mắc từ chính sách và thực thi chính sách của Nhà nước.

Theo nhiều nhà phân tích, thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn (hơn 93,7 triệu người), cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50). Dự báo chi tiêu hộ gia đình người Việt tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/tháng vào năm 2020. Đây là một trong những cơ hội để các nhà kinh doanh bán lẻ trong nước nên chú ý để tăng tốc độ bứt phá và giữ thị trường cho mình.