19/01/2025 | 06:11 GMT+7, Hà Nội

Xu thế tiêu dùng mới của thị trường bán lẻ Việt Nam

Cập nhật lúc: 05/03/2019, 02:49

Theo các chuyên gia, ứng dụng công nghệ sẽ trở thành xu thế mới để tăng tính cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ cả trong nước và quốc tế.

Thị trường bán lẻ Việt Nam thay đổi để thích ứng với các xu thế tiêu dùng mới đang thay đổi rất nhanh với các trải nghiệm công nghệ.

Kết hợp công nghệ và trải nghiệm

Nhờ dân số đông, nền kinh tế tăng trưởng ổn định ở mức trung bình 5% trong 10 năm qua, đi cùng tốc độ đô thị hóa diễn ra nganh, thị trường bán lẻ Việt Nam đang trở thành con gà đẻ trứng vàng cho các doanh nghiệp khai khác. 

Theo dự báo của Bộ Công Thương, doanh thu bán lẻ Việt Nam dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép lên đến 11,9% tới thời điểm 2020, cao gần 3 lần so với tốc tộ của nước đứng vị trí tiếp theo tại Đông Nam Á.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà Bán lẻ Việt Nam, không gian phát triển cho kênh bán lẻ hiện đại còn rất lớn khi cho đến nay, tổng lượng hàng hóa được tiêu thụ trên hệ thống bán lẻ hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... chiếm chưa tới 30% tổng quy mô của toàn thị trường bán lẻ.

Nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, tốc độ thay đổi nhanh đến chóng mặt của công nghệ, các nhà đầu tư vào thị trường bán lẻ sẽ phải có một chiến lược phát triển mới để có thể giành phần thắng trên thương trường.

Theo dự báo của chuyên gia, tựu trung lại thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ phát triển theo 3 xu hướng chính. Đó là các điểm bán hàng sẽ phải tăng cường các trải nghiệm, các trung tâm thương mại sẽ không chỉ là điểm mua sắm, giải trí mà trở thành các cộng đồng kết nối văn hóa.

Từ quan sát thực tiễn trên thế giới, bà Rebecca Pearson, Phó Giám đốc khu vực Châu Á của Công ty Tư vấn CBRE, cho rằng xu thế của khách hàng sẽ mua nhiều hơn khi ghé xem đồ tại cửa hàng rồi đặt mua trực tuyến. Thực tế là các hãng bán lẻ như UniQlo, Funan cũng đã mang đến cho khách hàng cảm giác được trải nghiệm mua sắm online lẫn offline tại cửa hàng của họ.

“Một nghiên cứu cho thấy 90% khách hàng sẽ mua nhiều hơn vào lần sau khi đến cửa hàng thực thể để nhận hàng đã mua trực tuyến. Ví dụ, UniQlo khi có cửa hàng thì doanh số của họ đã tăng 40%. Các cửa hàng tạo nên cảm giác thực chạm vào sản phẩm và thúc đẩy việc mua sắm tốt hơn. Vì vậy, các doanh nghiệp hãy nắm bắt và áp dụng công nghệ tại cửa hàng”, bà Rebecca Pearson cho biết.

Theo các chuyên gia, ứng dụng công nghệ sẽ trở thành xu thế mới để tăng tính cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ cả trong nước và quốc tế. “Các nhà bán lẻ muốn thành công thì cần phải kết hợp công nghệ số vào các chuỗi bán lẻ. Các trung tâm mua sắm cần phải tích hợp công nghệ mới, số hóa các trải nghiệm và cần có chiến lược phát triển truyền thông trên mạng xã hội”, bà Dymfke Kuijpers, Giám đốc cấp cao ngành hàng bán lẻ Công ty Tư vấn McKinsey, nhận định.

Điển hình như ở Thương Hải, hãng Nike ở đã xây dựng không gian rộng 4.500m2 bán lẻ để người dùng trải nghiệm game và tìm hiểu rõ hơn về sản phẩm của hãng. Rồi Tiffany ở Newyork hay Louis Vuitton cũng sử dụng phương thức tương tác tương tự với khách hàng.

Ngoài yếu tố đầu tư vào các vị trí đắc địa, các thương hiệu bán lẻ muốn vận hành hiệu quả còn phải tăng cường sự hợp tác (collaboration) với các bên liên quan để chinh phục trái tim khách hàng.

“Tất cả các bên từ nhà vận hành các trung tâm thương mại, chuỗi bán lẻ, các nhà thiết kế và các chuyên gia công nghiệp phải làm việc cùng nhau để tăng tính sáng tạo, đổi mới và gia tăng tính năng kết nối số để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm và mua sắm của khách hàng”, ông Geoffrey Morrison, nhà sáng lập và Giám đốc Điều hành của hãng Concept I, cho biết.

Sau một thập niên, trong khi nhiều trung tâm thương mại gần như “dậm chân tại chỗ”, thì Vincom đã phát triển với tốc độ chóng mặt lên tới 66 trung tâm thương mại, tại 38 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Riêng năm 2019, hệ thống này còn dự kiến mở mới thêm 13 trung tâm mới. Nhà cung cấp mặt bằng bán lẻ Việt ngay từ đầu đã có bước đi khôn ngoan khi chọn mô hình “tất cả trong một” tích hợp mua sắm, vui chơi, giải trí, ẩm thực…

Quy mô sàn bán lẻ tại TP.HCM

Quy mô sàn bán lẻ tại TP.HCM

Và không dừng lại ở một mô hình, Vincom đưa ra các mô hình khác nhau phù hợp với từng điểm hiện diện như Vincom Center tọa lạc tại vị trí đắc địa nhất trong các khu vực sầm uất nhất ở Hà Nội và HCM; Vincom Mega Mall hướng tới các đối tượng trung - cao cấp với vị trí hấp dẫn tại các khu đô thị phức hợp cùng các phân khu giải trí - ẩm thực quy mô và độc đáo; Vincom Plaza định vị tại các thành phố trẻ và ngoài trung tâm Hà Nội, TP.HCM và cuối cùng là mô hình Vincom+ hiện diện tại các huyện, thị phát triển...

Thị trường tiêu dùng đang bùng nổ mang lại cơ hội khả quan cho phân khúc bất động sản bán lẻ. Nhưng trường hợp thất bại của Paskson cho thấy các trung tâm mua sắm, trung tâm thương mại, hay các siêu thị buộc phải liên tục làm mới mình nếu không muốn bị tụt hậu so với các đối thủ.

Nguyên nhân khiến một số trung tâm thương mại chưa vận hành hiệu quả đến từ lựa chọn sai địa điểm kinh doanh, hình ảnh thương hiệu không được nâng cấp kịp thời, chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng không cao cũng như thiếu đi sự hợp tác với các đối tác liên quan. Việc thiếu vắng các nhãn hàng nổi tiếng cũng là lí do khiến một số trung tâm thương mại không hấp dẫn người tiêu dùng.

Thích ứng xu thế mới

Cả châu Á đang chứng kiến xu hướng không gian bán lẻ thay đổi rất nhiều để hấp dẫn các đối tác bán lẻ và khách hàng. Theo ông Geoffrey Morrison, nhiều trung tâm thương cũ ở Bangkok đã có điều chỉnh để làm sao cho nổi trội cuốn hút hơn, bắt mắt hơn.

Nhiều thương hiệu hàng đầu cũng đã có những động thái cụ thể như ứng dụng công nghệ check in - out kỹ thuật số giúp cho hoạt động thanh toán, nhận hàng diễn ra nhanh hơn, giúp cho cửa hàng giảm đi sai sót. Chuỗi của hàng bán đồ thể thao, có những phòng thử đồ quần áo có thiết bị cảm biến giúp khách hàng trong quá trình thay đồ có thể tìm kiếm món đồ khác, cùng nhiều tương tác thú vị ngay trong phòng thử đồ.

Ở Việt Nam, một số trung tâm thương mại đang nỗ lực xây dựng các mô hình mới để thích nghi với các xu thế mới. Theo bà Trần Thu Hiền, Phó tổng giám đốc Kinh doanh & Marketing của Vincom Retail, cách đi của chuỗi là luôn chủ động kết nối các đối tác và chuyên gia, phân tích và dự báo xu hướng phát triển của ngành bán lẻ tại Việt Nam.

Chuỗi cũng tích cực sáng tạo ra các mô hình phù hợp với thị trường và nhu cầu của khách hàng, thiết kế các không gian mua sắm mang đến những trải nghiệm độc đáo, tích hợp các công nghệ hiện đại đến người tiêu dùng.