Giải mã lý do các trung tâm mua sắm đẩy mạnh việc tăng ứng dụng công nghệ
Cập nhật lúc: 28/02/2019, 10:27
Cập nhật lúc: 28/02/2019, 10:27
Thị trường bán lẻ VN tiếp tục giữ mức tăng trưởng hai con số, đạt quy mô trên 140 tỉ USD cuối năm 2018. Bán lẻ đang được hỗ trợ mạnh bởi việc phát triển các trung tâm mua sắm.
Doanh nghiệp bán lẻ VN đang phải chuyển dịch mạnh trước sự thay đổi nhanh chóng hành vi tiêu dùng. Công nghệ đang được dùng nhiều hơn.
Thay vì đóng cửa những ngày tết vừa qua, nhiều trung tâm thương mại mở cửa xuyên tết. Khu vui chơi phức hợp kết hợp mua sắm như Vincom, Aeon hay SC Vivo City... luôn đông đúc người ra vào.
Theo giám đốc kinh doanh một trung tâm mua sắm, đa phần khách chỉ đến khu vực ẩm thực, vui chơi, ít người ghé khu siêu thị. Tuy vậy, đây không phải là điều quá lo lắng vì lượng khách đến trung tâm tăng mạnh sẽ hỗ trợ cho các loại hình khách thuê khác, từ đó tạo sức hút chung cho toàn trung tâm mua sắm.
Cùng với xu hướng mua sắm trực tuyến trên các trang thương mại điện tử, mua sắm tại những cửa hàng tiện ích thì người tiêu dùng Việt ngày càng ưa thích đến các trung tâm mua sắm lớn, nơi tích hợp tất cả những nhu cầu giải trí của gia đình. Sự phát triển các siêu thị, đại siêu thị hay trung tâm mua sắm phức hợp trong năm 2018 được xem là điểm sáng sôi động trong một bức tranh cạnh tranh quá "nghẹt thở" bởi sự hiện diện ngày càng dày của nhiều đại gia bán lẻ ngoại ở thị trường VN.
Đến nay, vẫn đẩy mạnh khai thác xu hướng trung tâm mua sắm phức hợp phải nhắc đến hệ thống trung tâm thương mại Vincom khi đơn vị này triển khai đến 4 dòng thương hiệu khác nhau hướng đến nhóm khách từ bình dân đến cao cấp. Tính đến hết tháng 12-2018, Vincom sở hữu và vận hành tới 66 trung tâm thương mại, hiện diện tại 38 địa phương trên toàn quốc. Trong đó, Vincom Center, Vincom Mega Mall là "tất cả trong một"; Vincom Plaza, Vincom+ cũng đã khá quen thuộc với người dân tại các tỉnh và khu vực ngoài trung tâm 2 thành phố lớn nhất nước; trong khi đó Vincom+ là mô hình trung tâm thương mại tại các huyện, thị xã, thị trấn.
Saigon Co.op cũng đã bắt đầu tham gia và xây dựng 4 trung tâm thương mại Sense City. Trước đó, Central Group VN góp phần sôi động thị trường bán lẻ khi chọn Tiền Giang để ra mắt mô hình trung tâm thương mại Go!Big C - một nhánh thương hiệu mới của tập đoàn Thái Lan này tại VN.
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng - giám đốc Kantar Worldpanel, câu chuyện thành công của bán lẻ 2019 tiếp tục xung quanh câu hỏi ai cung cấp trải nghiệm cho khách hàng tốt hơn. Ông Hoàng đánh giá vài năm tiếp theo, ngành bán lẻ Việt sẽ chứng kiến sự tham gia sâu hơn của công nghệ.
Báo cáo của KPMG về "xu hướng bán lẻ toàn cầu 2018" cũng cho hay trải nghiệm khách hàng đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Người tiêu dùng vẫn sẽ đến các cửa hàng truyền thống miễn là có những điều mới mẻ, thú vị. Vì vậy, các đơn vị bán lẻ cần phối hợp nhuần nhuyễn giữa kênh digital và kênh truyền thống. Đến năm 2020, thậm chí những yếu tố về trải nghiệm được nhận định sẽ vượt qua giá cả...
Nhiều doanh nghiệp VN cũng đã nhìn thấy cần phải tăng sử dụng công nghệ. Gần đây, Lotte tái khai trương với màn hình đa cảm ứng trải nghiệm; Vincom liên tục áp dụng công nghệ (từ ánh sáng đến tổ chức sự kiện, khuyến mãi qua QRCode...) và các trung tâm thương mại mới như Landmark 81 (TP.HCM), Metropolis (Hà Nội), Imperia (Hải Phòng) thể hiện rõ bước đi của chủ đầu tư trong cuộc chơi công nghệ.
Các thẻ thành viên cũng được phát triển bằng các app quen thuộc trên điện thoại thông minh. Theo đó, khách có thể dùng để tích điểm, nhận mã khuyến mãi hay thanh toán không cần tiền mặt.
Chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân nhận xét với người tiêu dùng Việt, đến siêu thị, trung tâm thương mại hiện không chỉ đơn giản là để mua một món hàng mà còn trải nghiệm các tiện ích. Các nhà quản lý bất động sản bán lẻ phải thật sự hiểu thói quen của khách. Ở các nước, họ đã ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn để phân tích trước khi lựa chọn các giải pháp đáp ứng nhu cầu của khách nhiều hơn.
Bà Vân cho rằng các doanh nghiệp bán lẻ VN chắc chắn sẽ phải tăng ứng dụng công nghệ để cung cấp những dịch vụ, trải nghiệm mới. Hơn nữa, thói quen tiêu dùng đã thay đổi, chỉ có ứng dụng công nghệ mới nhận diện tối ưu thói quen mua sắm để tăng bán hàng.
Khối nội vẫn chiếm ưu thế Theo các chuyên gia bán lẻ, với quy mô thị trường dân số đạt gần 100 triệu người, quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt 5.535 nghìn tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa gấp 1,5-2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân GDP. Thị trường bán lẻ VN hiện nay gần như hội tụ đủ các "anh tài" của ngành bán lẻ thế giới như AEON, Big C, Lotte, Emart... Điều này đang tạo một bức tranh bán lẻ "nghẹt thở" khi các nhà bán lẻ nước ngoài đang chiếm lĩnh hầu hết các trung tâm mua sắm lớn. Dù vậy, các nhà bán lẻ nội địa vẫn đang chiếm ưu thế với 50,7% thị phần. Tuy nhiên, khối doanh nghiệp ngoại đã lấy được thêm 2,7% thị phần so với hai năm trước. |
Trung tâm thương mại chiếm 53% mặt bằng bán lẻ Theo Sở Công thương TP.HCM, đến hết năm 2018 toàn TP có khoảng 45 trung tâm thương mại. Về thị trường mặt bằng bán lẻ, phân khúc trung tâm thương mại chiếm thị phần lớn nhất với 53%. Còn theo dự báo của Savills, trong năm 2019 nguồn cung mới mặt bằng bán lẻ ở khu trung tâm chỉ khoảng 31.700m2 trong khi các quận ngoài trung tâm dự kiến chịu áp lực lớn từ nguồn cung mới xấp xỉ 215.000m2. |
07:01, 15/02/2019
20:31, 31/01/2019
06:00, 18/12/2018