19/01/2025 | 09:25 GMT+7, Hà Nội

Ngành bán lẻ hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại

Cập nhật lúc: 21/03/2019, 20:01

Sau khi chính thức gia nhập vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào tháng 11-2017, thị trường bán lẻ Việt Nam đã có những bước tiến vững chắc và gặt hái được nhiều thành quả tích cực, với kênh bán lẻ hiện đại chiếm 26% thị phần với tốc độ tăng trưởng 11,8%.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và đầu tư), quy mô thị trường bán lẻ Việt nam những năm gần đây đang tăng nhanh chóng. Nếu như năm 2010 là 88 tỷ USD thì đến năm 2017 là 130 tỷ USD, dự báo năm 2020 là 179 tỷ USD. Theo nhận định chung thì thị trường bán lẻ Việt Nam đến nay đã hội tụ nhiều nhà phân phối lớn trong và ngoài nước, song sự phát triển cũng chỉ mới là giai đoạn đầu, cơ hội còn rất nhiều cho các nhà đầu tư đến sau, nhất là các nhà bán lẻ có thương hiệu, có sự khác biệt và ứng dụng công nghệ quản lý bán hàng đang phát triển nhanh như hiện nay ở trên thế giới. Công nghiệp 4.0 đã lan tỏa vào lĩnh vực thương mại bán lẻ và lĩnh vực tiêu dùng xã hội ở các nước. Ở Việt Nam giai đoạn 2018-2020 thực sự sẽ là giai đoạn tăng tốc cho các nhà bán lẻ ở thị trường nội địa. Đây cũng là thời điểm mà sự cạnh tranh mạnh mẽ sẽ quyết liệt hơn nữa giữa các DN Việt Nam và các DN nước ngoài giữa các kênh bán hàng hiện đại và kênh bán hàng truyền thống.

Theo đánh giá Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, hiện Việt Nam có khoảng 8 triệu người được xếp vào tầng lớp trung lưu, đến năm 2020 con số này sẽ rơi vào khoảng 44 triệu người và đạt 95 triệu người vào năm 2030. Tầng lớp trung lưu tăng mạnh tạo sức mua lớn, tăng quy mô thị trường bán lẻ của Việt Nam trong thời gian tới, vì lẽ đó thị trường bán lẻ Việt Nam đang thu hút sự đầu tư từ các tập đoàn lớn trên thế giới.

nganh ban le hap dan cac nha dau tu ngoai
Việt Nam nằm trong top những quốc gia có thị trường bán lẻ hấp dẫn ở châu Á.

Năm 2019, Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực và nó có tác động mạnh mẽ đến nhiều ngành, kể cả sản xuất, thương mại và dịch vụ. Bên cạnh những cơ hội, Việt Nam sẽ phải mở cửa chào đón hàng hóa, dịch vụ của các nước đối tác tại thị trường trong nước, đồng nghĩa với việc DN Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt hơn tại "sân nhà".

CPTPP tạo làn sóng hàng hóa nhập khẩu phong phú, đa dạng … thâm nhập vào Việt Nam, cũng có nhiều khả năng có thêm các nhà đầu tư CPTPP đã, đang và sẽ quan tâm tới thị trường bán lẻ giàu tiềm năng và rất sôi động của chúng ta.

Dự báo năm 2019 - 2020, ngành bán lẻ Việt sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà bán lẻ ngoại rót vốn thông qua đầu tư trực tiếp cũng như các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) sôi nổi.

Theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), môi trường kinh doanh trên thị trường bán lẻ ngày càng thuận lợi và cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia trao đổi, mua bán có nhiều cơ hội để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo báo cáo của Cty Nghiên cứu thị trường Nielsen, tại khu vực châu Á, trong thời gian gần đây, thị trường bán lẻ Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng cao. Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi như thu nhập bình quân đầu người đang tăng, kinh tế vĩ mô đang đà phát triển và việc ký kết những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA hay Cộng đồng kinh tế ASEAN trở thành hiện thực từ năm 2015… Tất cả những điều kiện thuận lợi này đã, đang và sẽ mang lại những điểm sáng nhất định cho kinh tế nói chung và thị trường bán lẻ nói riêng.

Bộ Công thương đã xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đặt ra về phát triển thương mại bán lẻ là tốc độ tăng bình quân hàng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn từ nay đến năm 2020 đạt khoảng 10,7%/năm, giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 9%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước đến năm 2020 chiếm khoảng 95% và đến năm 2025 chiếm 88%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đến năm 2020 chiếm khoảng 5% và đến năm 2025 chiếm 12% tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước. Tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa theo loại hình thương mại hiện đại đến năm 2020 đạt 30% và đến năm 2025 đạt 38%.

Để thực hiện nhiệm vụ và mục tiêu đặt ra ở trên đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ, hệ thống các giải pháp cơ bản toàn diện: Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về hoạt động thương mại thị trường trong nước, trong đó chú trọng phát triển thị trường bán lẻ gắn với phát triển bền vững; Chú trọng tăng tổng cầu trong nước, đẩy mạnh các hoạt động gắn kết lưu thông, liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa; Phát triển kết cấu hạ tầng thương mại bán lẻ; Cải thiện môi trường kinh doanh và đẩy mạnh hỗ trợ DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại bán lẻ trong nước; Đa dạng hóa các kênh phân phối, bảo đảm vận hành tốt các kênh trực tiếp và online và phát triển mạnh thương mại điện tử.