19/01/2025 | 16:07 GMT+7, Hà Nội

Đầu tư giỏi như các “ông chủ” doanh nghiệp bất động sản

Cập nhật lúc: 08/12/2021, 06:15

Vào đúng thời điểm nhóm cổ phiếu bất động sản đang thăng hoa, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã tranh thủ “chốt lời” ngay tại vùng đỉnh giá.

Trước hết, có thể kể đến câu chuyện tại Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings (mã: PHC). Ông Đỗ Nguyên An - Thành viên HĐQT Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings đã đăng ký bán 390.000 cổ phiếu nhằm giảm tỷ lệ sở hữu từ 4,32% (tương đương 1,1 triệu cổ phiếu) xuống còn 2,81% trong khoảng thời gian từ ngày 6/12 đến ngày 4/1/2022 theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh.

Tạm tính tại mức giá 16.700 đồng/cp (phiên 3/12), ông An thu về hơn 6,5 tỷ đồng từ việc bán cổ phiếu PHC. Đáng chú ý, so với đầu năm, cổ phiếu PHC đã ghi nhận mức tăng trưởng 67% từ vùng giá 10.000 đồng/cp.

Tương tự, bà Ngô Thị Ngọc Liễu - mẹ ông Cao Tấn Thạch - Thành viên HĐQT Công ty CP Đầu tư Nam Long đã đăng ký bán 200.000 cổ phiếu NLG nhằm cân đối tài chính cá nhân. Giao dịch được thực hiện từ ngày 3/12/2021 đến ngày 1/1/2022 theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.

Trước đó, từ ngày 25/10 đến ngày 25/11, bà Liễu đăng ký bán 350.000 cổ phiếu, tuy nhiên do giá không phù hợp, số lượng cổ phiếu bán ra chỉ đạt 150.000 cổ phiếu.

Đà bán ra liên tiếp của bà Liễu diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu NLG là một trong những mã bất động sản có mức tăng giá mạnh nhất trong thời gian qua. Hiện, NLG đang giao dịch tại vùng giá 57.000 đồng/cp, cao gấp 2,5 lần so với hồi đầu năm.

Là một thành viên của nhóm bất động sản khu công nghiệp, Công ty CP Đầu tư phát triển đa quốc gia I.D.I  (mã: IDI) cũng gây ấn tượng khi Chủ tịch HĐQT Lê Thanh Thuấn đăng ký thoái hết toàn bộ 12,5 triệu cổ phiếu đang sở hữu (5,51%).

Sau giao dịch, ông Thuấn không còn là cổ đông lớn tại IDI và cũng không giữ bất kỳ cổ phiếu nào. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận từ ngày 2/12 - 30/12/2021.

Cổ phiếu IDI vừa có đà leo dốc thành công khi tăng một mạch từ 7.500 đồng/cp (phiên 22/10) lên 25.300 đồng/cp (phiên 29/11), tương đương gấp gần 3,4 lần. Đây cũng là mức giá đỉnh lịch sử của cổ phiếu này từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Ngay sau thông tin bán sạch cổ phần của Chủ tịch, mã IDI đã giảm sàn liên tiếp 4 phiên từ 30/11 - 3/12 xuống còn 19.050/cp, thanh khoản cũng giảm mạnh.

Nhiều cổ phiếu bất động sản đạt đỉnh giúp lãnh đạo doanh nghiệp thu về được khoản lợi nhuận đáng kể. (Ảnh minh họa)
Nhiều cổ phiếu bất động sản đạt đỉnh giúp lãnh đạo doanh nghiệp thu về được khoản lợi nhuận đáng kể. (Ảnh minh họa)

Tương tự, ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư LDG (mã: LDG) vừa đăng ký bán 3 triệu cổ phiếu từ ngày 23/11 - 22/12/2021.Ngoài ông Hưng, 2 lãnh đạo khác của LDG cũng vừa có động thái thoái vốn.

Cụ thể, ông Ngô Văn Minh, Phó Tổng giám đốc đăng ký bán 123.100 cổ phiếu từ ngày 23/11 - 22/12, nhằm hạ sở hữu xuống mức 0,034%. Một Phó Tổng giám đốc khác là ông Nguyễn Quốc Vy Liêm cũng muốn bán 36.000 cổ phiếu từ ngày 17/11 - 16/12, nhằm hạ sở hữu xuống còn 0,033%.

Động thái bán cổ phiếu của các lãnh đạo chủ chốt diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu LDG tăng gấp đôi sau 1 tháng, trong khi hoạt động kinh doanh công ty gặp nhiều khó khăn, nợ phải trả của LDG vượt vốn chủ sở hữu hơn 467 tỷ đồng, Đặc biệt là việc tắc nghẽn pháp lý của dự án bất động sản.

Mới đây, vợ Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã: DIG) bà Lê Thị Hà Thành đã "chốt lời" thành công 1,6 triệu cổ phiếu DIG trong phiên tăng kịch trần vào ngày 25/11. Tạm tính theo giá cổ phiếu trong thời điểm trên, bà Thành có thể thu về hơn 106 tỷ đồng.

Động thái thoái vốn của lãnh đạo cũng diễn ra tại Tổng công ty 36 - CTCP (mã: G36). Khi giá cổ phiếu đang tăng mạnh 54% lên vùng đỉnh lịch sử chỉ trong một tháng, ông Nguyễn Văn Hiền, Ủy viên HĐQT đã nhanh chóng bán ra 5,5 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 1,16% và chính thức không còn là cổ đông lớn. Tạm tính theo giá ngày giao dịch cuối cùng vào 18/11, ông Nguyễn Văn Hiền có thể thu về hơn 100 tỷ đồng sau khi chốt lời cổ phiếu G36 tại vùng đỉnh.

Trước đó, ông Nguyễn Đăng Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty 36, đã bán ra toàn bộ 1 triệu cổ phiếu đang sở hữu. Giao dịch được thực hiện từ 10/11 - 12/11/2021. Ngoài ra, cổ đông lớn là Công ty Trường Lộc cũng đăng ký bán toàn bộ gần 9 triệu cổ phiếu đang sở hữu để cơ cấu lại danh mục đầu tư, thời gian dự kiến từ 12/11 - 10/12/2021.

Trong thời gian qua, thị trường chứng khoán đã chứng kiến "cơn điên" của nhóm cổ phiếu bất động sản với đà tăng giá ấn tượng, thậm chí cổ phiếu của các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh yếu kém cũng ghi nhận mức tăng gấp 2,3 lần so với thời điểm đầu năm. 

Theo nhận định của các chuyên gia, nhóm cổ phiếu bất động sản đã có chuỗi tăng nóng kéo dài và mang tính chất “đầu cơ” nhiều hơn bởi chưa có nhiều lý do tích cực tác động lên nhóm cổ phiếu này trong ngắn và trung hạn.

Đồng thời, việc thắt chặt mạnh về dòng tín dụng chảy vào bất động sản cũng là yếu tố khiến các doanh nghiệp bất động sản có sức khỏe tài chính yếu gặp khó khăn trong giai đoạn tới, điều này sẽ tạo ra rủi ro gia tăng trên nhóm cổ phiếu này. 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp có quỹ đất lớn và vị trí tốt có thể sẽ thuận lợi hơn trong việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán trong giai đoạn tới. Do vậy, "sóng" bất động sản có thể tạm thời dừng ở giai đoạn này nhưng có thể sẽ quay trở lại trong đầu năm 2022./.

Nguồn: https://reatimes.vn/dau-tu-gioi-nhu-cac-ong-chu-doanh-nghiep-bat-dong-san-20201224000008604.html