19/01/2025 | 11:48 GMT+7, Hà Nội

Nỗi lo pha loãng đang “đe doạ“ nhóm cổ phiếu bất động sản

Cập nhật lúc: 05/12/2021, 06:18

Để có tiền duy trì thanh khoản trong bối cảnh 2 nguồn tín dụng chính đang ngày càng bị siết chặt, các doanh nghiệp bất động sản có thể sẽ phải đẩy mạnh phát hành cổ phiếu, dấy lên lo ngại về một đợt pha loãng giá.

Thông tư 16 mới ban hành của Ngân hàng Nhà nước cùng với quy định hạn chế cho vay vào lĩnh vực bất động sản đã khiến "cánh cửa" huy động vốn từ tổ chức tín dụng của các doanh nghiệp ngành này ngày càng khép chặt. 

Chuyển hướng huy động

Trước những diễn biến "khó nhằn" từ dòng vốn, việc phải tìm ra "lối đi riêng" là nhiệm vụ cấp bách của các doanh nghiệp bất động sản lúc này. Bởi lẽ, theo ông Phan Lê Thành Long - chuyên gia tài chính, điều quan trọng nhất của các doanh nghiệp, đặc biệt là bất động sản, là phải đảm bảo được thanh khoản, nếu rơi vào tình trạng kiệt quệ thì ngay cả khi có doanh thu, lợi nhuận thì cũng bằng không.

Lấy ví dụ trường hợp của Evergrande của Trung Quốc, ông Long cho biết, doanh nghiệp này gần như không có tiền trả nợ dù vẫn tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng đang trong tình trạng tương tự, lợi nhuận có thể ghi nhận bằng cách góp vốn vào dự án công ty sân nhà nhưng gần như không thu tiền.

Do vậy, để giải được cơn "khát vốn" lúc này, phương án phát hành cổ phiếu sẽ được nhiều doanh nghiệp tận dụng triệt để, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang "lên như diều gặp gió" và nhóm cổ phiếu bất động sản đang hấp dẫn được dòng tiền.

Thực tế, bước đầu đã có một vài đơn vị "rục rịch" tiến hành. Đơn cử, Công ty CP Việt Tiên Sơn Địa ốc (mã: AAV) đã công bố phương án phát hành riêng lẻ 30 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá 12.200 đồng/cp, thấp hơn 54% so với giá thị trường (26.700 đồng/cp), uớc tính thu về 366 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty CP Louis Capital (mã: TGG) cũng trình cổ đông tại ĐHĐCĐ bất thường vừa được tổ chức gần đây phương án phát hành gần 41 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 20.000 đồng/cp. Nếu thành công, công ty sẽ nâng vốn điều lệ lên gấp 2,5 lần hiện tại, đạt 682,5 tỷ đồng.

Tới đây, Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (mã: HDG) sẽ phát hành 32,7 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 20% tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 10 cổ phiếu sẽ nhận thêm 2 cổ phiếu mới. Cổ phiếu mới không bị hạn chế thời gian chuyển nhượng. Sau phát hành, Hà Đô sẽ tăng vốn điều lệ từ 1.636 tỷ đồng lên 1.963 tỷ đồng.

Tại buổi gặp gỡ các nhà đầu tư, lãnh đạo Công ty CP Bamboo Capital (mã: BCG) đã tiết lộ kế hoạch tăng vốn của doanh nghiệp trong giai đoạn tới với hai giai đoạn. Cụ thể, Bamboo Capital đang triển khai phương án phát hành cổ phiếu tỷ lệ 2:1 với giá 12.000 đồng/cp nhằm tăng vốn lên hơn 4.400 tỷ đồng.

Sau đó công ty dự kiến phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chiến lược nhằm huy động 600 tỷ đồng vào quý I năm sau, hiện đã xác định được các nhà đầu tư. Mức vốn sau đó dự kiến đạt khoảng 5.000 tỷ đồng. Đặc biệt vị lãnh đạo này còn cho biết đang xây dựng kế hoạch tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng vào cuối năm sau và sẽ trình lên ĐHĐCĐ thường niên 2022 chấp thuận.

Hay như, vừa qua, Công ty CP Bất động sản Khải Hoàn Land (mã: KHG) đã có thông báo về việc đã kết thúc đợt chào bán 144 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho 11 nhà đầu tư với giá 16.000 đồng/cp, tương đương tổng giá trị đạt 2.300 tỷ đồng. Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của công ty đã tăng từ 1.448 tỷ đồng lên 3.188 tỷ đồng.

Và chắc chắn rằng, trong giai đoạn tới, sẽ không chỉ có những cái tên này chinh chiến trong "cuộc đua" phát hành cổ phiếu mà sẽ có rất nhiều những cái tên khác góp mặt.

Nỗi lo pha loãng đang “đe doạ“ nhóm cổ phiếu bất động sản
Nỗi lo pha loãng đang “đe doạ“ nhóm cổ phiếu bất động sản

Nỗi lo pha loãng

Lâu nay, việc các doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường chứng khoán vẫn được đánh giá là hình thức tích cực bởi khi quy mô vốn tăng lên sẽ giúp các kế hoạch kinh doanh được thuận lợi triển khai và cũng là lời khẳng định của những doanh nghiệp làm ăn có lãi, có “của để dành”.

Tuy nhiên, việc phát hành này sẽ làm cho rủi ro pha loãng tăng cao do khi tăng nguồn cung cổ phiếu sẽ làm tăng số cổ phiếu lưu hành, trong khi lợi nhuận tạo ra từ nguồn vốn đó chưa tăng kịp tương ứng, dẫn đến làm giảm tính hấp dẫn của các chỉ số định giá theo lợi nhuận của các doanh nghiệp phát hành trong ngắn hạn.

Chưa kể, các cổ đông nội bộ còn có xu hướng bán mạnh, khiến nguồn cung cổ phiếu tăng lên. Lãi cơ bản trên cổ phiếu cũng đứng trước nguy cơ giảm khi doanh nghiệp phát hành thêm.

Theo phân tích của chuyên gia tài chính Nguyễn Hồng Điệp, “khi nồi cháo đã to hơn, nó sẽ loãng ra nhiều và cần thời gian cho thêm thịt thà mắm muối - chính là việc gia tăng lợi nhuận của doanh nghiệp trong các năm tới thì mới ngon trở lại. Bát cháo mà chúng ta nhận phụ thuộc vào chính kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong các quý cuối năm nay và năm 2022”.

Trong khi đó, như đã nói ở trên, doanh thu, lợi nhuận thể hiện trên báo cáo tài chính của nhóm doanh nghiệp bất động sản chưa chắc đã là thật. Đôi khi nó chỉ dùng để đạt được mục đích phát hành thành công.

"Do đó, thời gian tới có thể chúng ta sẽ phải đối mặt với một đợt pha loãng của nhóm cổ phiếu bất động sản", ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, ông Lê Quang Minh - Trưởng phòng phân tích Công ty chứng khoán Mirae Asset lại cho rằng, khi doanh nghiệp phát hành cổ phiếu, tỷ lệ pha loãng chắc chắn là có nhưng sẽ tuỳ thuộc vào nội lực của doanh nghiệp. Nếu đơn vị nào vẫn duy trì được lợi nhuận thực tế từ 20 - 40% có thể bù đắp được phần nào mức độ pha loãng này.

Câu chuyện tại CTCP Tập đoàn Hoà Phát là một điển hình. Chắc hẳn nhiều nhà đầu tư còn nhớ năm 2017 khi doanh nghiệp công bố phương án phát hành với mức giá 20.000 đồng/cp (giá trên sàn là 30.000 đồng/cp) đã khiến giá cổ phiếu HPG bị pha loãng. Thế nhưng, cổ phiếu HPG đã vươn mình tăng trưởng, phá đỉnh lịch sử 58.000 đồng/cp (giá đã điều chỉnh phiên 28/10), tương đương mức tăng gấp hơn 2 lần so với 4 năm trước đó. Dù hiện tại, HPG đã có sự điều chỉnh về vùng giá 50.000 đồng/cp nhưng HPG vẫn là cổ phiếu được các chuyên gia đánh giá đáng để đầu tư nếu xác định theo đuổi dài hạn và kỳ vọng một tỷ suất sinh lời hợp lý.

Từ những thực tế này cho thấy, không phải sự pha loãng nào cũng mang lại rủi ro. Điều quan trọng là trước khi xuống tiền, nhà đầu tư cần xem xét kỹ kế hoạch phát hành, chia cổ phiếu mới của từng doanh nghiệp để tránh thiệt hại.

Nguồn: https://reatimes.vn/noi-lo-pha-loang-tai-nhom-co-phieu-bat-dong-san-20201224000008545.html