Các thành viên Chính phủ bỏ phiếu đồng ý hồi tố khoản 3, Điều 8, Nghị định 20
Cập nhật lúc: 29/03/2020, 09:00
Cập nhật lúc: 29/03/2020, 09:00
Trong khi Bộ tài chính đang còn chần chừ, băn khoăn và đưa ra nhiều lý do không thuyết phục để không đưa quy định hồi tố vào Dự thảo sửa đổi khoản 3, Điều 8, Nghị định 20 thì các thành viên Chính phủ đã có quyết định sáng suốt, kịp thời.
Cụ thể, theo nguồn tin của Reatimes, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ đã có phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 8, Nghị Định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết gửi các đồng chí thành viên Chính phủ.
Ngày 27/3, Văn phòng Chính phủ đã nhận được 22/26 phiếu ý kiến, trong đó có 19/22 thành viên Chính phủ chọn quy định cho phép hồi tố xử lý đối với các năm 2017, 2018 (86,4%), 22/22 thành viên Chính phủ đồng ý với các nội dung còn lại của Dự thảo Nghị định (100%), 18/22 thành viên Chính phủ chọn quy định cho phép chuyển chi phí lãi vay không được trừ sang các kỳ tính thuế tiếp theo nhưng không quá 5 năm (81,8%).
Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính tổng hợp tiếp thu, giải trình, hoàn thiện Dự thảo Nghị định theo đúng quy định trước ngày 29/3/2020.
Trước đó, ngày 12/3/2020, Bộ Tài chính có công văn gửi Thủ tướng chính phủ giải trình về một số nội dung liên quan đến việc sửa đổi khoản 3, Điều 8, Nghị định 20, trong đó đưa ra nhiều “cái cớ” để không hồi tố, tức là việc áp dụng sửa đổi điều khoản này chỉ thực hiện từ kỳ tính thuế 2019.
Bộ Tài chính lý giải, việc điều chỉnh, sửa đổi bổ sung Nghị định 20 nói trên “không phải là lợi ích chung của xã hội” nên không cần phải hồi tố. Đồng thời Bộ này cho rằng có thể sẽ hụt thu nếu phải bồi hoàn lại tiền cho doanh nghiệp đã nghiêm chỉnh kê khai trước đó. Ngoài ra, nếu hồi tố, theo Bộ Tài chính sẽ gây ra sự phức tạp trong nghiệp vụ và quản lý cán bộ ngành thuế.
Gần 3 năm qua, các doanh nghiệp, chuyên gia đã liên tục kiến nghị, nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi Nghị định 20. Chính Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cũng đã thừa nhận phạm vi đối tượng áp dụng cho tất cả đơn vị có giao dịch liên kết của Nghị định 20 đã gây khó cho các hoạt động của doanh nghiệp trung chuyển vốn vay, cho vay lại hay việc vay nợ giữa công ty con với công ty mẹ trong cùng một tập đoàn, tổng công ty ở trong nước, và mức áp trần chi phí phí lãi vay từ 20% là "sợi dây vô hình" trói chặt sự phát triển của doanh nghiệp.
Như vậy, bất cập đã được thừa nhận, nhưng việc khắc phục hậu quả đã gây ra cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính lại đang chần chừ. Trong khi gần 3 năm qua, quy định này đang “ăn” vào máu thịt của doanh nghiệp, khiến nhiều doanh nghiệp dần mất sức cạnh tranh trong môi trường ngày càng khốc liệt. Doanh nghiệp sẽ khó có thể đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế nếu như những quy định còn nhiều điểm chưa phù hợp như tại Nghị định 20 chưa được gỡ bỏ.
Sau một “vòng luẩn quẩn” lấy ý kiến Bộ Tư pháp, các bộ ngành và các tổ chức hội đặc biệt là kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ Tài chính lại vô tư “gạt” điều khoản doanh nghiệp mong chờ nhất ra khỏi bản dự thảo: Đó là không cho phép hồi tố. Dù trong các cuộc đối thoại với doanh nghiệp, những văn bản đề xuất hay những ý kiến đề xuất của doanh nghiệp lên ngành thuế đều nhất quán một nguyện vọng mong việc sửa đổi khoản 3, Điều 8 sẽ được áp dụng hồi tố lại cho kỳ tính thuế 2017, 2018.
Ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp cũng không hề phản đối hồi tố. Nhưng không hiểu vì lý do gì, Bộ Tài chính lại lấy ý kiến một đằng, còn “tiếp thu” một nẻo khiến gánh nặng “thuế chồng thuế” của doanh nghiệp bao năm nay vẫn chưa được trút bỏ. Hành động của Bộ Tài chính đang cho thấy sự chậm chạp, gây khó cho doanh nghiệp, không theo tinh thần đồng hành, hỗ trợ cùng doanh nghiệp như Chính phủ đặt ra.
Mới đây nhất, Bộ Tư pháp đã có văn bản trả lời Bộ Tài chính về việc có áp dụng hồi tố hay không khi sửa khoản 3, Điều 8, Nghị định số 20/ 2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Văn bản của Bộ Tư pháp nêu rõ: “Theo quy định tại khoản 1, Điều 125, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì trong trường hợp để thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, Nghị quyết của Quốc hội thì văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương (trường hợp này là Nghị định của Chính phủ) có thể quy định hiệu lực trở về trước (hồi tố)”.
Thậm chí, Bộ Tư pháp còn dẫn chứng thực tế ngay đối với văn bản pháp quy trong lĩnh vực thuế: “Trong thực tế đã có một số trường hợp cho hồi tố, đơn cử trong lĩnh vực thuế thu nhập doanh nghiệp có Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều trong các Nghị định về thuế (Khoản 8 Điều 1). Bộ Tư pháp cho rằng việc cho hồi tố hay không cho hồi tố đối với trường hợp này (tức Nghị định 20 – NV) đều không có vướng mắc về mặt pháp lý mà chủ yếu phụ thuộc vào quan điểm chính sách của nhà nước ta”.
Theo các chuyên gia, trong lĩnh vực kinh doanh, nguồn vốn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nhà đầu tư, có thể ví như “dòng máu” chảy trong cơ thể doanh nghiệp. Việc quy đinh và áp dụng hiệu lực hồi tố là nguyên tắc thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước ta, thể hiện quan điểm của một Chính phủ kiến tạo và tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp. Trong khó khăn, doanh nghiệp vẫn đang phải lay lắt từng ngày, chăm lo cho người lao động với hy vọng khi hết dịch có thể phục hồi nhanh chóng và tiếp tục chặng đường mới, đồng hành cùng với dặm dài phát triển của đất nước.
Như vậy, các chuyên gia, doanh nghiệp và thành viên Chính phủ đều thống nhất một ý kiến là cần thiết phải cho phép hồi tố khi sửa đổi Nghị định 20. Và Bộ Tư pháp cũng đã 2 lần cho ý kiến rằng việc hồi tố không có vướng mắc về pháp lý. Vấn đề còn lại, nằm ở quyết định của Bộ Tài chính.
Những bất cập trong khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 đã gây ra nhiều hậu quả, làm thiệt hại về tài chính cho doanh nghiệp suốt từ khi có hiệu lực thi hành đến nay. Do vậy, việc sửa đổi Nghị định 20 phải có hiệu quả và phải thực sự là biện pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp, không thể tiếp tục đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó khăn chồng khó khăn. Dẫu biết việc hồi tố sẽ mất thời gian, Bộ Tài chính sẽ phải vất vả nhưng làm chậm còn hơn không. Bởi với số tiền thuế đã nộp cho các năm trước được hoàn về hoặc bù trừ nếu áp dụng hồi tố, doanh nghiệp sẽ giảm bớt những khó khăn về tài chính đang gặp phải.
14:30, 19/03/2020
19:00, 18/03/2020
16:00, 15/03/2020