19/01/2025 | 05:53 GMT+7, Hà Nội

Nghị định 20: Không hồi tố là vi hiến?

Cập nhật lúc: 15/03/2020, 16:00

Nếu những người làm ăn nghiêm túc mà luôn bị thiệt hại, mà thiệt hại ấy bắt nguồn nguyên nhân là sự cố chấp của cơ quan Nhà nước, thì liệu rằng, kỷ cương xã hội sẽ đi về hướng nào, hẳn không thể khuyến khích.

Việc đề nghị hồi tố đối với các doanh nghiệp bị thu “thuế chồng thuế” khi thực hiện Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 đã gây nhiều tranh cãi về việc đâu là lợi ích chung của xã hội, đâu là lợi ích của tổ chức và đâu là cá nhân

Để đỡ khỏi phiền lòng bạn đọc, tôi xin trích nguyên văn Khoản 1 Điều 32 của Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác”.

Việc đề nghị hồi tố đối với các doanh nghiệp đã bị thu “thuế chồng thuế” khi thực hiện Khoản 3, Điều 8 Nghị định 20 đã gây nhiều tranh cãi về việc đâu là lợi ích chung của xã hội, đâu là lợi ích của tổ chức và đâu là cá nhân; hàm lượng của mỗi lợi ích ra sao và nên ứng xử với chúng như thế nào.

Theo văn bản mới đây nhất của Bộ Tài chính trình Chính phủ ngày 12/3/2020 có nêu một số lý do không chấp nhận hồi tố, tức là không cho các doanh nghiệp được nhận lại số tiền bị thu sai, tức là tiền thu “thuế chồng thuế”. Đọc văn bản này, đối chiếu với Khoản 1 Điều 32 của Hiến pháp nước nhà, tôi chợt nhận ra rằng, nếu như thế thì liệu có vi hiến chăng?

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, đối với các doanh nghiệp đã tuân thủ kê khai, năm 2017, số chi phí lãi vay được trừ tăng 10.336 tỷ đồng (tương đương với số thuế thu nhập doanh nghiệp phải hoàn là 2.067 tỷ đồng); năm 2018, số chi phí lãi vay được trừ tăng 14.041 tỷ đồng (tương đương với số thuế thu nhập doanh nghiệp phải hoàn là 2.808 tỷ đồng). Với tổng số kinh phí phải hoàn trả là 4.875 tỷ đồng này, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ không thể hồi tố bởi “đã được quyết toán vào ngân sách Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước đã xác nhận, nay nếu tính lại thì phải sử dụng ngân sách Nhà nước để hoàn thuế. Trong khi đó, dự toán ngân sách Nhà nước năm nay mà Quốc hội phê duyệt không có khoản này”.

Tôi xin mạn phép các đại biểu Quốc hội và các thành viên Chính phủ bàn đôi lời về lý do này của Bộ Tài chính.

Thứ nhất, xưa nay, Quốc hội và Chính phủ có quản ngân sách thì cũng là quản cho dân, về bản chất nó vẫn là túi tiền của dân. Cho dù ngân sách nước nhà còn eo hẹp thì cũng không ai cho phép và cũng không ai muốn thu những đồng tiền thiếu minh bạch vào nguồn ngân sách này.

Thứ hai, cho dù khoản tiền 4.875 tỷ đồng kia “đã được quyết toán vào ngân sách Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước đã xác nhận” thì cũng chỉ là thao tác kỹ thuật trên sổ sách cho một “túi tiền”, hoàn toàn có thể dùng các thao tác kỹ thuật khác để điều chỉnh, sửa đổi. Không vì một thao tác kỹ thuật trong hạch toán mà có thể làm “ô nhiễm” sự minh bạch và trong sáng của ngân sách một quốc gia.

Thứ ba, với báo cáo như trên cũng tức là Bộ Tài chính đã thừa nhận sự thiệt thòi (nói chính xác là thiệt hại) cho những doanh nghiệp đã từng nghiêm túc thực hiện chính sách thuế của Nhà nước. Nếu những người làm ăn nghiêm túc mà luôn bị thiệt hại, mà thiệt hại ấy bắt nguồn nguyên nhân là sự cố chấp của cơ quan Nhà nước, thì liệu rằng, kỷ cương xã hội sẽ đi về hướng nào, hẳn không thể khuyến khích.

Thứ tư, có thể khẳng định rằng, con số 4.875 tỷ đồng kia là đồng tiền sạch sẽ, là thu nhập hợp pháp của các doanh nghiệp được Khoản 1 Điều 32 của Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ. Nay nó lại bị di chuyển oan ức như vậy, liệu lòng tin của dân chúng có bị ảnh hưởng?

Có đôi lời bàn như vậy để bạn đọc có thể tự nhận định xem, trong vụ việc này, đâu là lợi ích chung của xã hội, đâu là lợi ích của tổ chức và đâu là của cá nhân; hàm lượng của mỗi lợi ích ra sao và nên ứng xử với chúng như thế nào?

Tôi rất mong các nhà hoạch định chính sách tài chính nước nhà hồi tâm mà nghĩ lại!

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.