20/04/2024 | 16:53 GMT+7, Hà Nội

Sửa đổi Nghị định 20: Không hồi tố, doanh nghiệp sẽ mất trắng hàng nghìn tỷ đồng

Cập nhật lúc: 11/03/2020, 14:00

Bộ Tài Chính đã có đề xuất sửa quy định trần chi phí lãi vay từ 20% lên 30% nhưng lại không cho phép hồi tố, gánh nặng về “thuế chồng thuế” vẫn khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng.

Nghị định 20 quy định về quản lý thuế có hiệu lực từ 1/5/2017 được đánh giá đã "điểm trúng huyệt" các doanh nghiệp FDI liên tục mở rộng kinh doanh nhưng báo lỗ triền miên.

Thực tiễn, Nghị định này lại ảnh hưởng "ngoài ý muốn" lên khối doanh nghiệp Việt, đặc biệt các tập đoàn hoạt động theo mô hình mẹ - con.

Cụ thể, khoản 3, Điều 8 Nghị định 20 quy định: "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao của doanh nghiệp".

Trước đó, tại một Hội thảo về tháo gỡ những vướng mắc, bất cập của Nghị định 20, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cũng cho rằng, cần phải bãi bỏ khoản 3 Điều 8 của Nghị định này:

“Nghị định 20 là trái với quy định của luật. Nếu trái quy định Hiến pháp thì chắc chắn phải bãi bỏ và phải thay thế bằng một văn bản khác. Theo quy định thì có thể bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần, không thể nói trái luật mà không bãi bỏ được. Chúng ta sẽ trả lời thế nào nếu Chính phủ ban hành một văn bản sai luật ?"

Thứ hai, về phạm vi, đối tượng điều chỉnh quy định, mục đích ban đầu của Nghị định này là chống chuyển giá, chống chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, áp dụng với các giao dịch liên kết. Và theo như thông lệ quốc tế, đó là xuyên biên giới, khi sửa lại Nghị định cũng cần xem lại phạm vi đối tượng áp dụng.

"Về cách làm, tôi cho rằng, Nghị định phải dừng lại, hoặc Chính phủ tự mình sửa hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, là cơ quan có quyền yêu cầu Chính phủ hoặc một số Ủy ban có liên quan của Quốc hội như Uỷ ban Kinh tế, Uỷ ban Ngân sách… cần ngồi lại để bàn, gỡ cho doanh nghiệp. Trong trường hợp ban hành văn bản gây khó khăn cho doanh nghiệp thì cần phải có chính sách giải quyết, bồi thường”, ông Phúc nêu ý kiến.

Trong khi đó, chia sẻ tại Hội nghị, lắng nghe những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp BĐS diễn ra mới đây, bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Tổng Giám đốc CTCP Eurowindow Holding cho biết, công ty đang gặp một số khó khăn mà nguyên nhân có liên quan tới dịch virus corona và Nghị định 20.

Vị này cho biết, dịch Covid-19 đang ảnh hưởng rất lớn đến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Do đó, Eurowindow kiến nghị Thủ tướng xem xét và có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng trong giai đoạn này như giãn thuế, ...

“Bản thân doanh nghiệp chúng tôi nhận thấy trong các kế hoạch đề ra trong quý I/2020 khả năng cao là sẽ không đạt được”, bà Chi nhấn mạnh.

Cùng với đó, nguồn cung bất động sản đang giảm, giao dịch trong năm nay thế mà cũng sẽ giảm. Vì vậy, vị đại diện doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc cho thị trường bằng những giải pháp quyết liệt và thiết thực hơn. Một trong những chính sách đó là phải giải tỏa về vốn bởi ngân hàng đang siết chặt tín dụng vào bất động sản.

Cũng theo nhận định của bà Chi, việc nâng mức trần chi phí lãi vay được trừ từ 20% lên 30% chỉ giải quyết được một phần. Do đó, triệt để nhất là phải hủy bỏ.

Vào tháng 12/2019, Bộ Tài Chính đã có động thái đầu tiên trong việc sửa đội Nghị định này sau hàng loạt chỉ đạo của Chính phủ.

Cụ thể, Bộ Tài chính lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lí thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Theo đó, Bộ đề xuất tăng mức trần chi phí lãi vay được trừ của doanh nghiệp lên 30%, thay vì 20% như hiện hành. Như vậy, Nghị định 20 đã tiến được một bước bởi ngay sau Tết, Bộ Tư pháp đã thẩm định Nghị định 20 sửa đổi.

Quy định sửa đổi này được số đông đánh giá sẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và không trái với thông lệ quốc tế. Nhưng một vấn đề quan trọng vẫn còn chưa được đề cao là liệu các khoản thuế đã nộp do quy định "bất cập" trước đây liệu có được hồi tố ?

Ảnh minh hoạ

Trong ý kiến thẩm định đối với dự thảo sửa đổi mới đây nhất, Bộ Tư pháp đã đề nghị xem xét nội dung cho áp dụng hồi tố đối với việc xác định định khống chế chi phí lãi vay năm 2017 và 2018 phải đảm bảo lợi ích chung của xã hội, lợi ích của tổ chức, cá nhân; có cơ chế thống nhất chung trong việc thực hiện khoản 3 Điều 8 mà không phân biệt những trường hợp đã thanh tra, kiểm tra hay chưa thanh tra, kiểm tra.

Mặc dù ý kiến thẩm định không phản đối hồi tố nhưng trong tờ trình gửi Chính phủ ngày 20/2, Bộ Tài chính đã quyết định bỏ quy định hồi tố. Điều đó có nghĩa là những khoản tiền hàng nghìn tỷ đồng doanh nghiệp phải nộp từ những năm trước mất trắng, không thể thu hồi lại được.

Với kỳ vọng sẽ được hồi tố tiền thuế đã nộp để giảm bớt khó khăn đang gặp phải, trong nửa đầu năm 2019, Hoàng Anh Gia Lai đã ghi nhận một số khoản thu nhập khác từ việc hoàn nhập chi phí dự phòng thuế thu nhập doanh nghiệp đã được trích lập vào báo cáo tài chính tổng hợp những năm trước lũy kế đến 31/12/2018 với số tiền 335,3 tỷ đồng liên quan đến Nghị định 20.

Nếu phương án không hồi tố được "chốt" thì theo như ý kiến loại trừ của kiểm toán, Hoàng Anh Gia Lai sẽ phát sinh thêm khoản thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành khoảng 155 tỷ đồng và lỗ lũy kế tăng thêm 491 tỷ đồng. Đây là một gánh nặng tài chính không đáng có khi mà đơn vị này đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí thua lỗ lớn trong nhiều năm gần đây do quá trình tái cơ cấu ngành nghề kinh doanh.

Và không chỉ riêng Hoàng Anh Gia Lai, nhiều doanh nghiệp khác cũng mong mỏi ngành thuế có sự sửa đổi thấu đáo hơn để tháo gỡ hàng tỷ đồng tiền thuế đang bị treo từ năm 2017, khi kỳ quyết toán thuế năm 2019 (hạn 31/3/2020) đã đến gần và cộng đồng còn đang phải đối mặt với khó khăn đình trệ kinh doanh, sản xuất do dịch Covid-19.

Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp trên 40% GDP của nền kinh tế và có dấu hiệu tăng lên nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Thu ngân sách Nhà nước từ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh liên tục tăng trên 16%. Năm 2018 là năm đầu tiên thu ngân sách Nhà nước từ sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân vượt khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Những tín hiệu này phản ánh sự lớn mạnh về quy mô, số lượng chủ thể và sự cải thiện về hiệu quả của kinh tế tư nhân.

Để phát triển kinh tế tư nhân, trước hết phải xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ khó có thể đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế nếu những quy định còn nhiều điểm chưa phù hợp như tại Nghị định 20 chưa được gỡ bỏ.