19/01/2025 | 06:16 GMT+7, Hà Nội

Việc hồi tố tại Nghị định 20: “Tất cả đèn xanh đều bật”!

Cập nhật lúc: 18/03/2020, 19:00

Theo nguồn tin riêng của Reatimes, ngày 13/3/2020, Bộ Tư pháp đã có văn bản trả lời Bộ Tài chính về việc có hồi tố hay không những khoản thuế TNDN đã bị thu “chồng 2 lần” khi thực hiện khoản 3 Điều 8 Nghị định 20.

Về mặt pháp lý, Bộ Tư pháp có ý kiến như sau: “Theo quy định tại khoản 1 Điều 152 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì trong trường hợp để thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội thì văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương (trường hợp này là Nghị định của Chính phủ) có thể quy định hiệu lực trở về trước (hồi tố).

Trong thực tế, đã có một số trường hợp cho hồi tố, đơn cử trong lĩnh vực thuế thu nhập doanh nghiệp có Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều trong các nghị định về thuế (Khoản 8 Điều 1).

Bộ Tư pháp cho rằng, việc cho hồi tố hay không cho hồi tố đối với trường hợp này đều không có vướng mắc về pháp lý, mà chủ yếu phụ thuộc vào quan điểm chính sách của Nhà nước ta. Vì vậy, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.

Thì ra tại văn bản trước đó, Bộ Tư pháp đã diễn giải không rõ nghĩa bằng lần này. Khi ấy, Bộ Tư pháp chỉ đề nghị với Bộ Tài chính với nguyên tắc rằng: “xem xét nội dung cho áp dụng hồi tố đối với việc xác định khống chế chi phí lãi vay năm 2017 và 2018 phải đảm bảo lợi ích chung của xã hội, lợi ích của tổ chức, cá nhân đã được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội”.

Nay thì rõ ràng hơn, thứ nhất là “việc cho hồi tố hay không cho hồi tố đối với trường hợp này đều không có vướng mắc về pháp lý”.

Như bạn đọc đã biết, Bộ Tư pháp mà đã xác định về pháp lý không vướng mắc thì có nghĩa là “bật đèn xanh” rồi, chỉ còn việc các cấp quản lý liên quan cần cân nhắc về góc độ đạo lý và sự ảnh hưởng của nhân tình thế thái đối với các giá trị văn hóa và đạo đức xã hội mà thôi.

Vậy ý kiến của Bộ Tài chính sẽ như thế nào?

Không khó để dự đoán xu hướng này vì cách đây ít lâu, Bộ Tài chính đã có bản dự thảo trình Chính phủ về việc hồi tố vào tháng 12/2019. Khi đó, trong bản dự thảo đã xác định: “Trong trường hợp qua thanh tra, kiểm tra đã xác định chi phí lãi vay không được trừ theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết thì người nộp thuế được chuyển chi phí lãi vay không được trừ sang các kỳ tính thuế tiếp theo để xác định chi phí lãi vay thuần được trừ kể từ kỳ tính thuế năm 2019”.

Đấy, hồi tố là đấy chứ đâu? Cũng với tư duy và nguyên tắc không tạo cho các doanh nghiệp một bất lợi nào, bản dự thảo còn xác định khá minh bạch về quyền lợi và trách nhiệm của các doanh nghiệp “chưa được các cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra”.

Điều này có nghĩa là Bộ Tài chính cũng đã từng cân nhắc đến quyền và lợi ích của các doanh nghiệp, mặc dù biết là bị đánh thuế “oan” một lần nữa nhưng vẫn chấp hành nghiêm túc.

Chắc do có sự chưa hiểu ý nhau nào đó với Bộ Tư pháp nên Bộ Tài chính mới dự định bỏ việc hồi tố đi. Điều này cũng có thể hiểu rằng, việc hồi tố đã được Bộ Tài chính dự định “bật đèn xanh” từ trước đó rồi! Chẳng qua là chưa thống nhất quan điểm mà thôi!

Còn về ý kiến của Bộ Tư pháp rằng, việc hồi tố hay không hồi tố “chủ yếu phụ thuộc vào quan điểm chính sách của Nhà nước ta”.

Trời ạ, ai từng theo dõi thường xuyên trên các phương tiện truyền thông thì đều dễ dàng thấy rằng, Thủ tướng Chính phủ cùng các thành viên Chính phủ đang nỗ lực như thế nào để các doanh nghiệp thêm sức mạnh chống chọi với đại dịch Covid-19. Mấy trăm ngàn tỷ còn huy động được để hỗ trợ doanh nghiệp, lý gì mấy ngàn tỷ đồng của cuộc “thu thuế nhầm” này? Đây là niềm tin, là sự công bằng, là động lực giúp Chính phủ có thể thành công trong công cuộc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức chưa từng có như hiện nay.

Còn về vĩ mô, nếu ai đã theo dõi vụ này từ đầu đến cuối, tôi xin bảo đảm chắc chắn rằng, quan điểm chính sách của Nhà nước ta từ xưa đến nay, chưa bao giờ thiếu tôn trọng lợi ích hợp pháp của người dân, lợi ích của các doanh nghiệp như đã có lần tôi phân tích với 4 lý do sau:

Thứ nhất, xưa nay, Quốc hội và Chính phủ có quản ngân sách thì cũng là quản cho dân, về bản chất nó vẫn là túi tiền của dân. Cho dù ngân sách nước nhà còn eo hẹp thì cũng không ai cho phép và cũng không ai muốn thu những đồng tiền thiếu minh bạch vào nguồn ngân sách này.

Thứ hai, cho dù khoản tiền 4.875 tỷ đồng kia “đã được quyết toán vào ngân sách Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước đã xác nhận” thì cũng chỉ là thao tác kỹ thuật trên sổ sách cho một “túi tiền”, hoàn toàn có thể dùng các thao tác kỹ thuật khác để điều chỉnh, sửa đổi. Không vì một thao tác kỹ thuật trong hạch toán mà có thể làm “ô nhiễm” sự minh bạch và trong sáng của ngân sách một quốc gia.

Thứ ba, trong báo cáo với Chính phủ, Bộ Tài chính đã thừa nhận sự thiệt thòi (nói chính xác là thiệt hại) cho những doanh nghiệp đã từng nghiêm túc thực hiện chính sách thuế của Nhà nước. Nếu những người làm ăn nghiêm túc mà luôn bị thiệt hại, mà nguyên nhân của thiệt hại ấy bắt nguồn từ sự cố chấp của cơ quan Nhà nước, thì liệu rằng, kỷ cương xã hội sẽ đi về hướng nào, hẳn không thể khuyến khích.

Thứ tư, có thể khẳng định rằng, con số 4.875 tỷ đồng kia là đồng tiền sạch sẽ, là thu nhập hợp pháp của các doanh nghiệp được khoản 1 Điều 32 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ. Nay nó lại bị dịch chuyển oan ức như vậy, liệu lòng tin của dân chúng có bị ảnh hưởng?

Như vậy, tôi cho rằng, việc hồi tố này hoàn toàn có thể xảy ra vì tất cả đèn xanh đã bật. Tuy nhiên, vẫn có thể có trường hợp đặc biệt, đó là mặc dù là đèn xanh đấy nhưng đồng chí cảnh sát giao thông vẫn giơ chiếc gậy có khoanh đen trắng lên trời, báo hiệu: Hãy dừng lại!