24/04/2024 | 00:31 GMT+7, Hà Nội

Bộ Xây dựng đề xuất nhiều giải pháp để phát triển NƠXH giai đoạn 2021 - 2030

Cập nhật lúc: 11/09/2022, 15:25

Mới đây, Bộ đã có văn bản số 3119/BXD-QLN gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, đề nghị báo cáo số liệu NƠXH dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp để phục vụ xây dựng Đề án.

Bộ Xây dựng đề xuất nhiều giải pháp để phát triển NƠXH giai đoạn 2021 - 2030

Theo đó, tại Tờ trình số 28/TTr-BXD Bộ Xây dựng nêu rõ, sau khi có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ (văn bản số 242/TB-VPCP ngày 10/8/2022 của Văn phòng Chính phủ), Bộ đã có văn bản số 3119/BXD-QLN gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, đề nghị báo cáo số liệu NƠXH dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp để phục vụ xây dựng Đề án.

Cụ thể, để thúc đẩy phát triển NƠXH, nhà ở công nhân trong thời gian tới nhằm đáp ứng mục tiêu của Đề án trong giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn cả nước có tối thiểu 1 triệu căn NƠXH, cần tập trung một số giải pháp sau: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về NƠXH dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Thuế…

Trong đó tập trung sửa đổi các cơ chế chính sách cho nhóm đối tượng thu nhập thấp, quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển NƠXH, lựa chọn chủ đầu tư dự án, các cơ chế chính sách ưu đãi của Nhà nước… đồng thời tách riêng chính sách nhà lưu trú công nhân, nhà ở lực lượng vũ trang để có cơ chế khuyến khích, phát triển.

Bộ Xây dựng đề xuất nhiều giải pháp để phát triển NƠXH giai đoạn 2021 - 2030
Bộ Xây dựng đề xuất nhiều giải pháp để phát triển NƠXH giai đoạn 2021 - 2030

Đối với các bộ, ngành cần tiếp tục rà soát, nhận diện tồn tại, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, từ đó đề xuất giải pháp; trước hết tập trung sửa đổi ngay văn bản quy phạm thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương đảm bảo đồng bộ, thông thoáng, phân cấp triệt để, rút ngắn thủ tục hành chính… Tổng hợp, đề xuất và phân bổ đủ nguồn vốn từ ngân sách T.Ư để thực hiện chính sách hỗ trợ NƠXH; Thiết kế chính sách theo hướng hậu kiểm (giá bán, đối tượng, điều kiện..).

Đối với UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư khẩn trương hoàn thành việc lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, làm rõ mục tiêu về NƠXH dành cho người thu nhập thấp, công nhân KCN phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng phê duyệt, làm cơ sở để chấp thuận đầu tư các dự án. Đảm bảo đến năm 2030 hoàn thành đầu tư ít nhất 1 triệu căn hộ trên phạm vi cả nước. Đồng thời nghiên cứu phân cấp, đơn giản hóa, rút ngắn thủ tục hành chính theo thẩm quyền; quy định rõ đầu mối thực hiện thủ tục hành chính trong lập, phê duyệt dự án NƠXH, nhà ở công nhân.

Đối với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn ngoài việc phát triển dự án khu đô thị, nhà ở thì cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư phát triển NƠXH dành cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp tại các địa phương nhằm đảm bảo công tác an sinh, xã hội và đạt mục tiếu đề ra của Đề án; Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong KCN sử dụng nhiều công nhân, người lao động cần quan tâm xây dựng nhà lưu trú, hỗ trợ chỗ ở cho công nhân, người lao động thuê.

Đến nay đã có 40 địa phương gửi báo cáo, Bộ Xây dựng tổng hợp nhu cầu về NƠXH dành cho người thu nhập thấp, công nhân KCN của các địa phương giai đoạn 2021 - 2030 vào khoảng 2.600.000 căn, mục tiêu đề ra cho giai đoạn này là hoàn thành khoảng 1.800.000 căn hộ. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu khoảng 1.300.000 căn, và mục tiêu các địa phương đặt ra là hoàn thành 700.000 căn (đáp ứng khoảng 54% nhu cầu); Giai đoạn 2025 - 2030, nhu cầu khoảng 1.300.000 căn, mục tiêu hoàn thành 1.100.000 căn (đáp ứng 85% nhu cầu).

Trước đó, tại Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) cho công nhân, người thu nhập thấp do Chính phủ tổ chức đầu tháng 8/2022, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng nêu ra một số giải pháp thúc đẩy phát triển NƠXH, nhà công nhân trong thời gian tới. Theo đó, cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Thuế… trong đó quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển NƠXH; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước…; đồng thời, tách riêng chính sách nhà ở cho công nhân để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi nhằm phát triển loại hình nhà lưu trú cho công nhân trong KCN.

Lập phê duyệt đề án đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2022 - 2030. Bộ Xây dựng chủ trì lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án. Thủ tướng Chính phủ giao quy hoạch, định hướng các tập đoàn, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tham gia đầu tư phát triển NƠXH cho công nhân, người thu nhập thấp. Để có cơ sở số liệu lập đề án đề nghị các địa phương báo cáo trong tháng 8 một số nội dung theo yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn.

Bộ Xây dựng kiến nghị quy trách nhiệm người đứng đầu địa phương về phát triển NƠXH
Bộ Xây dựng kiến nghị quy trách nhiệm người đứng đầu địa phương về phát triển NƠXH

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng đề xuất kiến nghị nhiều giải pháp cần làm đối với các Bộ, ngành, địa phương. Trong đó, với chức năng, nhiệm vụ của mình Bộ Xây dựng sẽ Nghiên cứu dự thảo, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội (dự kiến kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV).

Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân KCN. Tiếp tục làm việc với một số địa phương trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc việc triển khai NƠXH, nhà ở công nhân nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Phối hợp Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát, lập và công bố danh mục các chủ đầu tư dự án NƠXH, nhà ở công nhân được vay gói hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống ngân hàng thương mại của Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Đôn đốc các địa phương thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển NƠXH khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định pháp luật; thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất 20% làm NƠXH trong các dự án nhà ở, khu đô thị.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện pháp luật về phát triển NƠXH.

Cộng đồng doanh nghiệp cần quan tâm tham gia phát triển NƠXH, nhà ở công nhân, hiến kế tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực thi chính sách.

Quan điểm, định hướng lớn trong phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân

Thủ tướng nêu rõ những quan điểm, định hướng lớn trong phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân.

Thứ nhất, phát triển NƠXH, nhà ở công nhân là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển NƠXH cho người thu nhập thấp, công nhân là trách nhiệm, nghĩa vụ, đạo đức của cả hệ thống chính trị, của những người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước, của doanh nghiệp và của người dân, nhất là những người đứng đầu các Bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải quan tâm thúc đẩy, phát triển NƠXH thực chất, lành mạnh và bền vững.

Thứ hai, Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển NƠXH, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập thấp, các đối tượng khó khăn theo cơ chế thị trường; đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng người thu nhập thấp đô thị, công nhân KCN về nhà ở, nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội, "không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần".

Quan điểm, định hướng lớn trong phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân
Quan điểm, định hướng lớn trong phát triển NƠXH, nhà ở cho công nhân

Thứ ba, phát triển NƠXH, nhà ở công nhân tại các địa phương gắn với phát triển thị trường bất động sản nhà ở, phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của địa phương và tuân thủ pháp luật về nhà ở, quy hoạch, kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, phù hợp với điều kiện của các địa phương.

Thứ tư, các Bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội để thúc đẩy phát triển toàn diện hơn lĩnh vực NƠXH. Đây là nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan trong hệ thống chính trị và sự tham gia của doanh nghiệp, người dân với trách nhiệm xã hội cao.

Thứ năm, song song với phát triển NƠXH, cần xây dựng và hoàn thiện quy định về phát triển các khu nhà trọ với quy chuẩn, điều kiện về không gian, vệ sinh, môi trường phù hợp, ngày càng văn minh. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực, hiệu quả hơn trong phát triển NƠXH cho công nhân, người lao động.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/bo-xay-dung-de-xuat-nhieu-giai-phap-de-phat-trien-noxh-giai-doan-2021-2030-20201231000007422.html