Ý nghĩa và các nghi thức cúng trong đêm giao thừa
Cập nhật lúc: 29/01/2019, 15:00
Cập nhật lúc: 29/01/2019, 15:00
Cúng giao thừa (hay còn gọi là Lễ trừ tịch) là nghi thức không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về của người dân Việt Nam. Lễ cúng giao thừa được thực hiện vào lúc chuyển giao giữa hai năm cũ mới. Lễ thường được tiến hành vào giờ Chính Tý, tức đúng 12h đêm hôm 30 tháng Chạp.
Theo các cụ ta từ xa xưa quan niệm: Mỗi năm Thiên đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom công việc dưới hạ giới, đứng đầu là một ngài có trí như quan toàn quyền. Năm nào quan toàn quyền giỏi giang anh minh, liêm khiết thì hạ giới được nhờ như: được mùa, ít thiên tai, không có chiến tranh, bệnh tật... Trái lại, gặp phải ông lười biếng, kém cỏi, tham lam thì hạ giới chịu mọi thứ khổ.
Theo tiến sĩ Vũ Thế Khanh (Viện nghiên cứu tiềm năng con người) thì cúng Giao thừa hay người ta còn gọi là cúng trừ tịch có ý nghĩa đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Lễ trừ tịch còn là lễ để “khu trừ ma quỷ”, do đó có từ “trừ tịch”.
Nhà nghiên cứu Minh Đường thì nhấn mạnh lễ giao thừa là lễ quan trọng nhất trong dịp Tết Nguyên đán. Đó là lễ dâng hương vào giây phút chuyển giao giữa giờ khắc cuối cùng (giờ Hợi) của năm cũ và giờ khởi đầu (giờ Tý) của năm mới.
Người ta tin rằng mọi điềm hay, dở xảy ra vào giây phút này có liên quan tới mọi sự hay, dở của tất cả thành viên gia đình trong năm mới. Trong giây phút thiêng liêng ấy, mọi người đều quên đi tất cả những điều không hay trong năm cũ. Mọi sự kiêng kỵ được thực hiện triệt để từ giây phút giao thừa tới sáng sớm mùng 1 Tết.
Tùy theo vùng miền, địa phương mà có cách cúng giao thừa khác nhau. Nếu ở vùng quê miền đồng bằng Bắc Bộ người dân thường cúng vào thời gian vừa bước sang giờ Tý tức hơn 12h đêm 30 tháng Chạp và lễ cúng giao thừa gồm 2 lễ khác nhau (lễ ngoài trời và trong nhà). Đối với gia đình có cây hương ngoài trời cần thắp hương và cúng ngoài sân trước cây hương.
Còn ở thành phố chật chội hoặc những căn hộ chung cư, nhà tập thể không có cây hương có thể làm lễ trước ban thờ thần linh của gia đình. Thông thường chủ sự thường thắp 15 nén hương cắm vào bát hương (số 15 tượng trưng cho con số của trời đất giao hòa) và 5 nén hương vào mâm lễ rồi khấn thành tâm.
Lễ vật cúng giao thừa thông dụng gồm những lễ vật sau: Một mâm xôi gà, đĩa ngũ quả, bánh kẹo, hộp mứt, bánh chưng; 10 bông hoa cúc vàng (có thể thay bằng hoa Hồng hoặc Huệ); Chè thuốc; Đĩa gạo muối; Chai rượu được rót ra 5 chén, bát nước, 5 cốc nến; Một bộ mũ quan đại vương hành khiển (hàng mã); Tiền vàng...
12:01, 07/01/2019
04:32, 01/01/2019
07:20, 15/02/2018