22/01/2025 | 11:38 GMT+7, Hà Nội

Xu hướng cổ phiếu bất động sản cuối năm

Cập nhật lúc: 09/12/2022, 18:57

Một số chuyên gia không đánh giá cao đợt hồi phục của nhóm cổ phiếu bất động sản, bởi các rủi ro, khó khăn của ngành vẫn còn kéo dài trong 1 - 2 năm tới.

Tính đến quý III/2022, diễn biến lợi nhuận các ngành đều tương đối bám sát so với dự phóng của nhóm phân tích, ngoại trừ một số ngành có diễn biến tiêu cực hơn dự phóng như thép, F&B, bất động sản, vật liệu xây dựng. Trong năm 2022, lợi nhuận của ngành và VN-Index vẫn ghi nhận mức tăng trưởng mạnh từ đó hỗ trợ một phần giúp cho định giá của thị trường tiếp tục duy trì ở mức hấp dẫn.

Tuy nhiên, theo nhóm chuyên gia BSC, các nhóm ngành điều chỉnh tăng mạnh chủ yếu là nhóm ngành liên quan đến yếu tố chu kỳ. Trong bối cảnh giá hàng hóa đang có xu hướng điều chỉnh, việc tăng trưởng lợi nhuận mạnh trong năm 2022 sẽ tạo mức nền cao cho năm 2023 từ đó tạo áp lực cho việc duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2023.

Ngoài ra, một số cơn gió ngược chiều như (1) Môi trường lãi suất cao, (2) Áp lực về thanh khoản liên quan thị trường trái phiếu bất động sản, (3) Khả năng suy thoái của một số nền kinh tế lớn thế giới (Mỹ, EU) cũng như (4) Chính sách Zero-Covid của Trung Quốc sẽ là những yếu tố rủi ro khác có thể tạo ra áp lực lên tăng trưởng lợi nhuận cũng như định giá ngành và cổ phiếu trong năm 2023.

Định giá thị trường đã ở mức rất hấp dẫn. Với việc thị trường tiếp tục ghi nhận mức điều chỉnh mạnh sau đà phục hồi trong quý III/2022, PE trailing của thị trường đang giao dịch ở mức 10,7 lần tại ngày 31/10/2022, nằm sâu dưới mức -1,5 lần độ lệch chuẩn (PE = 12,2 lần), tương đương với thời điểm thấp nhất của VN-index trong năm 2020.

Dự phóng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế nhóm cổ phiếu theo dõi vẫn duy trì ở mức cao đạt 22,2% YoY, tương đương với mức tăng trưởng EPS sau pha loãng khoảng 16% (tỷ lệ pha loãng giai đoạn 2019 - 2021 là 5%.

Đây sẽ là “cơ hội lớn” cho mục tiêu đầu tư dài hạn 2023 - 2024 trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam có thể chống chịu tốt trước sức ép tăng lãi suất của FED, lạm phát và tiếp tục duy trì tăng trưởng. So sánh với các nước trong khu vực PE FWD của Việt Nam (8,9 lần) vẫn ghi nhận mức hấp dẫn so với bình quân khu vực (12,6 lần).

Sau giai đoạn điều chỉnh chung của cả thị trường trong quý III/2022, nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn là nhóm cổ phiếu đang cho thấy một số tín hiệu tích cực sau khi ghi nhận nỗ lực phục hồi về giá. Xét về mặt định giá, tăng trưởng lợi nhuận của nhóm ngành vốn hóa lớn trong nửa cuối năm 2022 tiếp tục kỳ vọng ghi nhận mức khả quan hai chữ số trong bối cảnh giá cổ phiếu cũng đang ở mức chiết khấu hấp dẫn hơn với PE chỉ ở mức 10,5 lần, tính đến ngày 31/10/2022.

Do đó, kỳ vọng nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ là tâm điểm cho thị trường giai đoạn nửa cuối năm 2022. Đối với nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, giá hàng hóa hạ nhiệt sẽ là “cơn gió ngược chiều” khiến cho triển vọng lợi nhuận bớt lạc quan hơn trong khi đó định giá của nhóm ngành vốn hóa vừa và nhỏ vẫn cao hơn nhóm ngành vốn hóa lớn.

Ngân hàng, tài nguyên cơ bản, bất động sản, vật liệu xây dựng, cảng biển và tiện ích là các nhóm ngành có mức định giá hấp dẫn so với mức bình quân 5 năm. Đây là các nhóm ngành kỳ vọng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận tốt, đi kèm theo đó là mức định giá hấp dẫn so với mức trung vị 5 năm.

Một số ngành mặc dù vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tốt trong năm 2022 như bán lẻ, thủy sản, dệt may, công nghệ thông tin tuy nhiên yếu tố trên phần nào đã phản ánh vào giá do đó đây là nhóm có mức định giá không còn nhiều hấp dẫn so với nhóm ở trên.

Do vậy, tiếp tục kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu kể trên sẽ có mức hiệu suất tốt so với phần còn lại trong nửa cuối năm 2022. Tâm điểm hướng đến của dòng tiền là các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt có câu chuyện riêng đi kèm yếu tố tăng trưởng lợi nhuận và bảng cân đối tài chính khỏe mạnh.

Mặt khác, ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán Agriseco không đánh giá cao đợt hồi phục của nhóm cổ phiếu bất động sản, bởi các rủi ro, khó khăn của ngành vẫn còn kéo dài trong 1 - 2 năm tới, song đây là cơ hội để cơ cấu lại danh mục. Nhà đầu tư tạm thời chưa nên giải ngân vào nhóm xây dựng, bất động sản hoặc các ngân hàng tư nhân có quy mô đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lớn.

Xét về dòng tiền, theo ông Khoa, có thể nhận thấy khối lượng giao dịch của VN-Index đã cao hơn đáng kể so với trung bình 20 phiên. Sự hồi phục về khối lượng giao dịch trong các tuần gần đây có sự hỗ trợ lớn từ khối ngoại, khi họ mua ròng mạnh gần 10.000 tỷ trên sàn HoSE kể từ đầu tháng 11, tập trung tại các phiên thị trường giảm sâu. Con số này hiện đang là mức mua ròng lớn nhất của VN-Index trong vòng gần 2,5 năm trở lại đây. Do vậy, ông Khoa kỳ vọng diễn biến dòng tiền của khối ngoại sẽ hỗ trợ tâm lý thị trường chung trong thời gian tới từ đó giúp thị trường sớm lấy lại điểm cân bằng.

Dù vậy, nhà đầu tư vẫn nên kiểm soát rủi ro danh mục thông qua việc duy trì tỷ lệ tiền mặt nhất định và chỉ tham gia với tỷ trọng vừa phải khoảng 20 - 20% danh mục cũng như hạn chế sử dụng đòn bẩy ở thời điểm hiện tại phòng trường hợp thị trường đột ngột đảo chiều. Một số nhóm ngành có thể lựa chọn như: Hàng tiêu dùng thiết yếu do không có tính chu kỳ và được hưởng lợi khi giá logistics giảm; nhóm bảo hiểm hưởng lợi trong môi trường lãi suất tăng; nhóm ngân hàng quốc doanh do nền tảng cơ bản tốt và có định giá hấp dẫn; các cổ phiếu đang được thu hút dòng tiền khối ngoại trong 1 tháng gần đây.

Còn theo ông Trần Hoàng Sơn - chuyên gia MBS, VN-Index sẽ tiếp tục tăng điểm song trong quá trình đó vẫn sẽ xuất hiện những nhịp rung lắc khi chạm đến các vùng kháng cự. Chỉ số chính nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng điểm hướng đến vùng 1.080 điểm, còn trong dài hạn có thể hướng đến vùng 1.129 điểm. Nhà đầu tư nên tiếp tục nắm giữ cổ phiếu, có thế tái cấu trúc lại danh mục, chọn những cổ phiếu tăng mạnh nhất và hút được dòng tiền trong thời điểm này./.

Nguồn: https://reatimes.vn/xu-huong-nao-cho-co-phieu-bat-dong-san-nam-2022-20201224000016261.html