19/01/2025 | 05:54 GMT+7, Hà Nội

Nền kinh tế Việt Nam đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh

Cập nhật lúc: 06/06/2022, 09:03

Nền kinh tế Việt Nam đang dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh như trước đại dịch Covid-19, đặt ra yêu cầu Việt Nam cần đẩy nhanh, thực chất và hiệu quả hơn trong việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Đây là đánh giá của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 diễn ra ngày 5/6.

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ

ÔngTrần Tuấn Anh nêu rõ, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Việt Nam kể từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới vào năm 1986 đến nay.

Ông Trần Tuấn Anh nêu rõ, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Việt Nam.
Ông Trần Tuấn Anh nêu rõ, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Việt Nam.

Sau 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển ấn tượng với những kết quả nổi bật. Quy mô kinh tế Việt Nam tăng gấp 12 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 8,3 lần, kim ngạch xuất - nhập khẩu tăng 29,5 lần, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 22 lần. Tỉ lệ hộ nghèo cả nước từ 58% năm 1993 xuống chỉ còn 2,23% năm 2021 tính theo chuẩn mới.

Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu và còn thiếu ăn, Việt Nam đã vươn lên thành trở thành nước có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người đạt 2.779 USD vào năm 2020 và là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới…

Cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, trong đó có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước.

"Để đạt được những thành tựu trên, nhân tố then chốt là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế", Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc hoặc tác động bên ngoài còn yếu

Bên cạnh những thành tựu nổi bật, theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, năng lực tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc hoặc tác động bên ngoài còn yếu.

recommended by
Mgid
Mgid

XU HƯỚNG ĐẦU TƯ
Hà Nội , học đầu tư online miễn phí dành cho người 30 tuổi
TÌM HIỂU THÊM
Trong những năm qua, mặc dù xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo có sự cải thiện nhưng các yếu tố nền tảng còn ở mức thấp. Năng lực tự chủ của ngành công nghiệp còn ở mức thấp với việc nhập khẩu hầu hết công nghệ, máy móc thiết bị, phụ tùng, nguyên liệu chính cho sản xuất công nghiệp…

Những bất cập trên đã làm cho tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu chiến lược đề ra; thu nhập bình quân đầu người gia tăng với tốc độ chậm và vẫn nằm ở mức thấp, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nền kinh tế còn yếu; yêu cầu thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng rút ngắn đứng trước nhiều thách thức; năng suất lao động còn thấp so với yêu cầu phát triển…

Theo ông Trần Tuấn Anh, thực tiễn nêu trên cho thấy để đạt được mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, nhiệm vụ cấp thiết có tính then chốt, nhất quán và lâu dài là phải xây dựng nền kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Nền kinh tế Việt Nam đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh 

Kết quả thực tế cho thấy Việt Nam đã kiểm soát tốt được dịch bệnh Covid-19, phục hồi nhanh các hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội.

Việt Nam đang phục hồi nhanh các hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động.
Việt Nam đang phục hồi nhanh các hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động.

Kinh tế quý I/2022 đã quay trở lại đà tăng trưởng cao, đạt trên 5%. Các lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều tăng mạnh, niềm tin của người các nhà đầu tư tăng mạnh.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P vừa nâng hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam từ BB lên BB+, ghi nhận nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi vững chắc và dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam khoảng 6,9% với xu hướng dài hạn là 6,5% - 7% từ năm 2023.

Cũng theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội rất đáng khích lệ trong những tháng đầu năm 2022 cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh như trước đại dịch COVID-19.

Ông Trần Tuấn Anh bày tỏ sự tin tưởng rằng, sau Diễn đàn này, với khát vọng đổi mới vươn lên mạnh mẽ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát và đồng hành của Quốc hội, sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ và quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đồng tâm, nhất trí của toàn hệ thống chính trị và người dân, quá trình triển khai hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, chúng ta sẽ xây dựng thành công được một nền kinh tế có nội lực và năng lực cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế sâu rộng, có khả năng thích ứng và chống chịu được trước những biến chuyển và tác động bất lợi từ bên ngoài.

Nguồn: https://congluan.vn/nen-kinh-te-viet-nam-dang-tro-lai-quy-dao-tang-truong-nhanh-post197944.html